• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ước mơ du học

02/11/2017 17:00

(Tổ Quốc) - Chuyện này kể về thời thập niên 90, khi mà tấm bằng đại học còn nhận được nhiều sự trân quý.

Trong ngày tốt nghiệp, đám bạn cùng nhau bẻ gãy cây bút bi, thề không đi học nữa. “Đại học” có nghĩa là “học lớn” rồi còn gì! Vậy mà sau đó tôi lại lọ mọ đăng ký học khóa bồi dưỡng sau đại học, phần vì phải tuân theo nội quy cơ quan về việc nâng cao chuyên môn, phần vì ham hố có thêm tấm bằng lận lưng như người ta. Nhưng tôi học cầm chừng cho có, vì lúc đó chạy chọt lon ton làm việc này việc nọ kiếm tiền sắm xe gắn máy. Kiếm được bao nhiêu thì mua từng khoen vàng, lâu lâu lấy ra soi dưới ánh mặt trời.

Nhớ lại năm đó có thầy cô tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài về dạy các anh chị năm cuối cao học ngành khác (thời đó người có bằng cao học dạy sinh viên cao học là chuyện thường tình), tụi tôi mới vào đi học dự thính bằng cách đánh đu ngoài cửa sổ ngó vào nghe thầy kể toàn chuyện “bên đó” thấy ham. Ở “bên đó” chỉ xài vi tính, sinh viên chớ nộp bài viết bằng bút mực nhé. Windows là gì, mấy trò có biết không? Không phải là cửa sổ đâu, là chương trình đánh máy đó! Độ F là gì mấy trò biết không? Một độ F bằng âm 17 độ C. Mấy trò biết lò sưởi bằng điện không? Tấm mền bằng điện? Mùa đông bên Nga lạnh lắm, tớ mua bia về để ngay trên bệ cửa sổ, khui ra uống như để trong tủ lạnh. Tớ mua mớ thịt heo, treo tòn ten mà nó còn bị đông đá nữa đó. Thầy khác thì kể chuyện đi tàu hỏa lang thang khắp nơi ở nước Bỉ rồi đi chơi qua đến tận Hà Lan xem hoa tu-líp. Còn cô đi du lịch ở Pháp về thì kể chuyện sân bay Charles-de-Gaulle ở Paris có hình con bạch tuộc, lớn ơi là lớn! Chị học chung lớp đã từng đi Mỹ tu nghiệp 3 tháng, lén góp thêm chuyện chị bị choáng khi đến phi trường LAX ở Los Angeles. “Bên bển” đẹp ơi là đẹp, máy bay nhiều ơi là nhiều, người ta đông ơi là đông! Đi học thường được nghe khối chuyện trời tây trên chín tầng mây ở độ cao 10 cây số. Nghe như chuyện đi mây về gió của Tôn Ngộ Không.

Tự nhiên ở đâu len lỏi vào lòng ước mơ đi du học!

Ảnh minh họa VietUcnews

Thời ấy đi du học khó khăn lắm. Có một vài chương trình học bổng dành cho sinh viên ưu tú. Đi Úc thì có AusAID, mỗi năm được vài chục suất cấp cho bậc đại học và thạc sĩ. Fulbright đi Mỹ mỗi năm cấp khoảng 20 suất. Chevening đi Anh cũng như vậy. Đi Nga phải thuộc dạng cử tuyển cho chương trình xử lý nợ giữa hai chính phủ mà được gọi là học bổng nhà nước. Các chương trình đào tạo ngắn hạn đi Thái Lan, Canada hay Ấn Độ thì do cơ quan xét duyệt rồi đề nghị lên cấp cao hơn để tuyển chọn. Học lực phải siêu tuyệt, có điểm tiếng Anh hoành tráng, lý lịch rõ ràng, và được cơ quan nhất trí cử tuyển. Năm nọ cô giáo dạy tôi thời đại học được học bổng AusAID. Tôi đã từng hâm mộ cô, lúc này lại càng khâm phục cô bội phần. Cô khuyên rằng những thành tích học đại học và chứng minh bản thân là người có năng lực sẽ giúp cho em có thể du học giống như cô vậy. Tự nhiên được một người thành công khuyến khích, tôi cảm thấy tự hào vô biên!

Những ai đi học hoặc đi du lịch ở nước ngoài về đều có thể cảm thấy thỏa mãn về chuyến xuất ngoại của họ. Chẳng cần biết đi đâu, Thái Lan, Nga hay Mỹ đều có thể gắn mác chung là đi nước ngoài. Bắt đầu từ những năm 2000, bằng đại học trong nước từ từ suy giảm giá trị. Nhưng du học chẳng phải dễ. Muốn làm hộ chiếu thì phải xin phép qua vài cơ quan: chứng thực lý lịch của địa phương, giấy đồng ý cho đi nước ngoài của cơ quan cấp dưới, rồi quyết định của cơ quan cấp trên, và giấy đề nghị xét cấp hộ chiếu. Để nhận được học bổng thì lại càng chua cay hơn. Phải tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên - mà chẳng có nhiều sinh viên có được tấm bằng loại này. Phải tuân thủ theo chế độ cử tuyển xét theo thành tích, lý lịch, tuổi tác. Già đi trước, trẻ đi sau. Còn đi học tự túc thì tốn tiền cao như núi. Rủi thay mình chỉ có mấy khoen vàng bé tí mỏng dờn để dành mua xe gắn máy mà thôi! Giấc mơ du học dường như tàn lụi.

Nhưng khi mình nghĩ giấc mơ ấy tan tành, thì nó đã âm thầm ngấm vào máu, vào suy nghĩ, vào lời nói, và cả vào hơi thở sân si mà chính mình không hay biết. Có đêm nằm mơ thấy mình đi qua Úc. Đó là một nơi xa lạ mà mình chỉ nhìn thấy trên bản đồ và tạp chí National Geographic mà những tình nguyện viên người Úc gửi tặng. Giật mình tỉnh dậy lúc nửa khuya mà tiếc hùi hụi, vội chạy qua phòng thằng bạn, gõ cửa để thì thầm với nó, ê mậy tao mới nằm mơ thấy đi nước ngoài. Nó đổ điên vì bị đánh thức với nỗi niềm tào lao, co giò đá vào mông rồi đuổi mình về phòng.

Giấc mơ du học đã len lỏi vào lòng!

Du học để làm chi? Chẳng biết rõ ràng nữa. Có lẽ mình thích đi xa đâu đó một bận trong đời. Hay mình thích học hỏi những điều mới lạ, hoặc chảnh chọe với tấm bằng và cái mác sống ở nước ngoài? Chắc có tất cả trong lòng của một đứa vừa mới lớn qua tuổi 20. Tôi phải quyết định đi đâu và đi bằng cách gì. Thì đi Mỹ vì ai cũng đồn đại là thiên đường cho cuộc sống và học tập. Đi bằng chương trình Fulbright vậy. Vậy là tôi mượn sách TOEFL (Test of English as a Foreign Language) để luyện tập. Có người nói phải thi thêm GRE (Graduate Record Examination) để đủ điểm đầu vào cao học bên đó. Thế là mượn thêm sách GRE. Rủi thay GRE khó quá chừng, trong khi trí thông minh của mình luôn ở mức giới hạn thấp hơn yêu cầu của các trường ở Mỹ. Nản, nên đem sách tặng lại cho một anh bạn. Còn mình thì lại tiếp tục học cho xong chương trình bồi dưỡng trong nước còn dang dở. Một số người bạn chung lớp bắt đầu chia tay đi nước ngoài. Phần lớn trong số họ được cơ quan cử tuyển, một số rất ít là tự túc, nhưng thật ra là đi lấy chồng ngoại kiều rồi định cư luôn. Anh bạn trước khi đi Mỹ gửi tặng mình quyển sách “Chicken soup”, thay lời cảm ơn vì mình đã tặng anh ấy sách TOEFL và GRE! Anh bạn đó thông minh thật, chứ không như mình vừa dở lại vừa không quyết tâm.

Giấc mơ du học lại len lén chui vào mùng của mình lúc nửa đêm!

Tôi quyết định nộp đơn cho hàng loạt chương trình học bổng. Có chương trình làm thinh chẳng hồi âm, có cái thì phản hồi bằng thư bưu điện. Thư nào cũng bắt đầu bằng dòng chữ “Xin lỗi ông Nguyễn”, đọc riết thuộc lòng. Chương trình học bổng quỹ Ford tử tế hơn, gửi thư cảm ơn vì bạn đã quan tâm đến học bổng này. Bạn hội đủ phẩm chất xuất sắc, nhưng có quá nhiều người nộp đơn nên chúng tôi ưu tiên cho những cá nhân vượt trội và có hoàn cảnh khó khăn. Cảm thấy an ủi, vì chí ít thì mình cũng có “phẩm chất xuất sắc” và không phải thuộc diện đau yếu hay khó khăn. Bèn đem khoe bức thư với chị bạn. Chị ta nguýt mắt, chìa ra bức thư chị ấy nhận được cũng giống hệt như vậy, chỉ khác tên của ứng viên mà thôi! Hóa ra chỉ là một thư từ chối lịch sự!

Tôi biết rõ rằng mình chẳng có chi “xuất sắc” cả. Bảng điểm đại học cũng vừa cán mức yêu cầu của một số học bổng, chưa có điểm tiếng Anh quốc tế, kinh nghiệm làm việc thì còn quá ít. Trong khi mình không còn cơ hội khắc phục bảng điểm đại học, nhưng các yếu tố còn lại thì vẫn có thể tích lũy được. Thế nên tôi đánh liều xin việc làm bán thời gian cho một số tổ chức phi chính phủ của nước ngoài, và may mắn được một tổ chức của Úc nhận vào làm chuyên gia phát triển cộng đồng. Những tình nguyện viên này đã truyền lửa cho việc học tiếng Anh và quyết tâm tìm hiểu thế giới của tôi. Họ kể cho tôi nghe rất nhiều về đất nước và con người xứ kangaroo, khiến đêm về tôi hay nằm mơ đi chơi ở những miền xa lắc.

Sau khi trầy trật học thi và có điểm IELTS (International English Language Testing System, một loại chứng chỉ quốc tế chứng nhận năng lực tiếng Anh), tôi nộp đơn cho một chương trình đi du học ở Úc đăng trên báo Tuổi Trẻ. Cầu may cho vui vậy mà! Bản thân giả bộ chạy ra chạy vào phòng công chứng để chứng thực giấy tờ, rồi giả đò tất bật chạy ù tới bưu điện để gửi hồ sơ, chứ thật ra thì cũng chẳng mong chờ chi được một suất học bổng.

Hôm đó nhiều người xôn xao vì có kết quả học bổng được gửi bằng đường bưu điện đến nhà. Ai cũng ỉu xìu, nói rớt rồi, giữ lại bức thư từ chối để làm kỷ niệm. Tôi lén chạy về nhà trọ lúc đang làm việc. Thấy em sinh viên ở phòng kế bên cầm phong thư có hình quốc huy nước Úc vẫy vẫy về phía tôi. Sau một hồi giành giật với nó, tôi xé bì thư, thấy hình như câu đầu tiên là “Many congratulations!”, và hình như nó có nghĩa là “Chúc mừng bạn!” Sao câu này không giống như những câu trước đây mình đã thuộc lòng hả ta? Mắt mũi tối sầm lại, tiếng Anh chạy biến ra khỏi vỏ não. Tôi phải lập cập nhờ em sinh viên đó dịch sang tiếng Việt. Nó tròn mắt, la làng, thằng cha này đậu học bổng đi Úc học rồi nè, thánh thần ơi! Làm chơi ăn thiệt hả ta? Cảm giác lâng lâng nhưng khó chịu vì chóng mặt và buồn nôn. Đó là sự may mắn thời ấy dành cho tôi, và còn có cả phần đóng góp của những giấc mơ du học luôn lấp ló đâu đó trong trí óc của mình. Đó cũng là sự bứt phá của bản thân thoát ra khỏi ô cửa sổ đóng đầy mạng nhện trong phòng trọ ẩm thấp, và là khao khát chinh phục được những điều không tưởng mà mình hay tưởng tượng. Đây chính là phần thưởng cho giấc mơ này.

Sau khi đi du học về, tôi lại nuôi dưỡng khao khát được một lần nữa đi ra nước ngoài để học cao hơn, cho dù ngày tốt nghiệp đã từng thề rằng sẽ không học tiếp (lúc này không cần bẻ cây viết nữa, vì chỉ sử dụng máy vi tính mà thôi). Vào một buổi sáng, tôi mở email lên và xây xẩm mặt mày như bị tuột huyết áp khi đọc được dòng đầu tiên của email: “Tôi vinh dự đại diện cho Đại học XXX cấp cho ông học bổng YYY và học bổng ZZZ”. Nhưng lần này tôi ngay lập tức hiểu rằng mình đã đạt được phân nửa ước mơ. Cảm giác tự hào lâng lâng đó được tôi tiếp tục lưu giữ mãi trong lòng, mặc dù lần nào tôi cũng cảm thấy quay cuồng và run run như bị sốt rét. Càng về sau, tôi càng biết rõ mình muốn gì khi du học. Rất đơn giản, nhưng vô cùng quan trọng, đó là tôi yêu thích được học hành với sự tự chủ học thuật mà môi trường giáo dục ở Úc đã trao tặng cho từng cá nhân sinh viên.

Kể từ sau năm 2002, việc đi du học đã trở thành trào lưu nở rộ tại Việt Nam. Tôi đã may mắn nộp đơn trong giai đoạn nhà nước thực hiện chiến lược phát triển nhân lực. Từ năm 2007 đến năm 2011 đã có hơn 14.888 sinh viên Việt Nam tại Mỹ, 16.340 tại Úc, và hàng ngàn sinh viên Việt Nam tại các quốc gia khác. Tôi chỉ là một trong tổng số 100.000 sinh viên Việt Nam ước tính đang du học ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, có sinh viên quyết định ở lại định cư, hay qua nước khác sống và làm việc. Tôi nằm trong số đông quay về Việt Nam, bởi vì đây chính là nơi khởi sự cho những chuyến đi dài của cuộc đời.

Bây giờ đã hết thời sinh viên đánh đu cửa sổ xem thầy giáo đi Tây mới về. Người tốt nghiệp nước ngoài về Việt Nam cũng nhiều. Bạn có thể ngồi bên cạnh một em gái trẻ măng, đeo tai nghe trên xe buýt và xí xô xí xào bằng tiếng Anh với ai đó, và loáng thoáng nhắc đến kỷ niệm thời du học. Hay bạn có thể được mời vào hội đồng xét tuyển gì đấy, ngồi cạnh những thành viên khác ăn mặc xuềnh xoàng nhưng đều là tay cự phách trong giới học thuật trên thế giới mà bạn chỉ biết qua Google Scholar. Nhiều bạn sinh viên đã từng du lịch hay đi ra nước ngoài. Mạng không dây rút gọn thế giới nhỏ lại hơn, khiến họ biết nhiều về những nơi không cần mất tiền vé máy bay hay chi phí làm thị thực. Nhưng đối với tôi, thế giới luôn mở rộng to lớn vô vàn mỗi khi tôi ngước nhìn những ai đã từng hay chuẩn bị du học. Tôi trở nên bé nhỏ hơn so với những hành trình cuộc sống của họ. Tôi gói gọn bản thân trong những giấc mơ hão huyền đang dần dần trở thành sự thật.

Trong mỗi chuyến đi du học, tôi luôn âm thầm kiểm chứng những gì mà thầy cô và bạn bè đã từng kháo với nhau về cuộc sống ở nước ngoài. Có cái giống, có cái khác. Chỉ duy nhất có một điều giống nhau giữa tất cả chúng tôi là mẹ tôi hay càm ràm rằng mỗi khi tôi mở miệng ra là cứ nói “ở bên bển” thế nọ thế kia. Bẵng khoảng một năm sau ngày trở về tôi mới quen với việc “ở đây” chúng mình làm thế này thế nọ!

Nguyễn Hồng Chí

NỔI BẬT TRANG CHỦ