• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ưu tiên tăng trưởng thì phải chấp nhận lạm phát

Kinh tế 21/05/2013 17:07

(Toquoc)-Từ nay đến năm 2015, trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn, thất nghiệp tăng, nếu ưu tiên tăng trưởng thì Việt Nam phải chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu là 7- 7,5%/năm.

(Toquoc)-Từ nay đến năm 2015, trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn, thất nghiệp tăng, nếu ưu tiên tăng trưởng thì Việt Nam phải chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu là 7- 7,5%/năm.



>>Đến lúc ưu tiên tăng trưởng?



Trong báo cáo được công bố tại Hội thảo khoa học “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Nguyễn Thạc Hoát cho biết, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa bền vững, sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn.

Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, từ khi mở cửa kinh tế (1986) đến nay, Việt Nam có 13 năm và 4 giai đoạn lạm phát trên 2 con số: giai đoạn 1986-1992 lạm phát bình quân 3 chữ số 225%/năm và lạm phát bình quân 2 chữ số bình quân 12%/năm. Những năm 2007-2008 lạm phát bình quân 16,26%/năm, từ năm 2010-2011 lạm phát bình quân là 15%/năm.

“Điều này cho thấy, xu hướng biến thiên của đường lạm phát rất phức tạp, biến động mạnh, đinh nhọn, biên độ lớn”, ông Hoát cho hay.

Theo chuyên gia nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây nên lạm phát cao ở Việt Nam trong đó có nguyên nhân cả về ngắn hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn đó là các cú sốc thâm hụt ngân sách, cú sốc tăng tổng cầu một số lĩnh vực phát triển nóng; cú sốc về điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường và tăng giá nguyên liệu đầu vào của hàng nhập khẩu.

Còn nguyên nhân dài hạn chủ yếu tiềm ẩn trong nền kinh tế như: cơ sở hạ tầng yếu kém, khu vực kinh tế Nhà nước đóng vai trò kinh tế chủ đạo không hiệu quả dẫn đến thâm hụt ngân sách; tăng trưởng tín dụng quá mức kéo theo sự tăng cao của tổng phương tiện thanh toán tạo ra áp lực tăng gia và bùng phát lạm phát cao.

Trong khi đó, chu kỳ vòng xoáy lạm phát và tăng trưởng lặp lại trong suốt cả thời kỳ từ trước đến nay với chu kỳ ngày càng rút ngắn. Đặc biệt từ năm 2004 trở lại đây hình thành vòng xoáy 3 năm một lần theo đúng quy luật 2 tăng một giảm.

Theo nhóm nghiên cứu, giai đoạn từ nay đến năm 2015 do nền kinh tế Việt Nam vẫn trong thời kỳ bắt đầu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chưa có sự phát triển đột biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả so với thời kỳ 2000-2012.

Trong dài hạn và trung hạn Việt Nam rất khó có thể điều hành để đạt được mục tiêu “tăng trưởng cao, lạm phát thấp”. Nếu bằng mọi giá phải đạt được đồng thời cả hai mục tiêu trên bằng quyết chính trị Việt Nam sẽ đi vào vòng xoáy lạm phát cao tăng trưởng thấp.

“Đặc biệt, trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn, thất nghiệp tăng như hiện nay, nếu Việt Nam ưu tiên tăng trưởng để đạt mục tiêu kế hoạch từ 7-7,5% thì phải chấm nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu trong giai đoạn 2013-2015 là 7-7,5%/năm”, báo cáo nêu rõ.

Đồng thời, phải tái cấu trúc hệ thống tài chính đi trước một bước, sau đó mới tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nợ công. Nếu tái cơ cầu đồng thời tất cả các lĩnh vực kinh tế theo kiểu ‘trăm hoa đua nở” thì hiệu quả thấp và kéo dài do các hệ thống vô hiệu hóa, triệt tiêu tác dụng lẫn nhau.

Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam muốn giảm tỷ trọng đóng góp từ yếu tố vốn và lao động để tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất thì phải nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư xã hội trong đó vốn do hệ thống tài chính cung cấp là chủ yếu./.

Thành Tâm

NỔI BẬT TRANG CHỦ