• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa

Thời sự 06/06/2023 18:16

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, chiều 6/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề về lĩnh vực dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nhấn mạnh, mỗi dân tộc ở nước ta đều có phong tục, tập quán và có nét văn hóa giá trị đặc trưng. Tại Nghị quyết 88/2019/QH14 đã xác định quan điểm là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. 

Hiện nay, việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng gắn với phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc của nhiều địa phương và được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm trải nghiệm, góp phần tạo ra thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống tại địa phương. Qua đó cho thấy, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là hết sức quan trọng. 

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc được thực hiện như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện? Đồng thời có giải pháp gì trong thời gian tới. 

Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa - Ảnh 2.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, chủ trương về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là chủ trương lớn của Đảng trong tất cả các kỳ đại hội. 

Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có các Hội nghị chuyên đề về lĩnh vực Văn hóa, càng khẳng định thêm sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với lĩnh vực văn hóa. 

Trong suốt quá trình qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, các văn bản chủ trương, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ các đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ cho nghệ nhân, hỗ trợ phát triển các làng văn hóa, gìn giữ nét đẹp phong tục tập quán, lễ hội truyền thống. Ủy ban Dân tộc thường xuyên phối hợp với Bộ VHTTDL triển khai tích cực về vấn đề này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, qua đánh giá còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện hơn trong giai đoạn tới đó là chính sách hỗ trợ nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số để gìn giữ bản sắc văn hóa của mình.

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, các thiết chế văn hóa, chính sách hỗ trợ bà con tổ chức các hoạt động văn hóa để bà con có cơ hội giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình.

Vừa qua Bộ Chính trị đã giao Chính phủ xây dựng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình này về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc. 

Hiện tượng người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo là có thật

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo. 

Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Đại biểu cho rằng tâm lý không muốn thoái nghèo, cận nghèo diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý khiến công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp ra sao để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo.

Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. 

Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. 

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn. Vì vậy cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại./.




    



Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ