• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra

Thời sự 24/08/2023 19:15

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, sáng 24/8,Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra - Ảnh 1.

Quang cảnh Phiên họp.

Đề xuất trích 30% tổng số tiền thu hồi đến 100 tỉ đồng/năm 

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tại phiên họp thứ 25, ngày 16/8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Ngay sau phiên họp, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo đã bổ sung thêm 1 điều quy định về đối tượng áp dụng bao gồm: cơ quan thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tại Điều 2. Đồng thời, quy định rõ đối tượng được tríchn đó là: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Thanh tra cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra huyện, Thanh tra trong quân đội, công an, Thanh tra Ngân hàng nhà nước và Thanh tra cơ yếu chính phủ. Đối với các cơ quan được giao thanh tra chuyên ngành thì không được trích.

Các khoản được trích được quy định bao gồm: Các khoản thu ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng không đúng quy định của pháp luật hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ, định mức, tiêu chuẩn được thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra - Ảnh 2.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại Phiên họp

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, mức trích hiện nay đã được áp dụng từ năm 2012 đến nay, trong khi như mức lương cơ sở đã qua 7 lần tăng từ 1.050.000 lên 1.800.000, tương ứng tăng 71%. Bên cạnh đó tốc độ tăng giá do lạm phát từ 2012 đến nay khoảng 42%. 

Theo ông Đoàn Hồng Phong, việc tăng biên độ như dự thảo của Chính phủ đề xuất thì kinh phí trích cho cơ quan thanh tra ước tăng 45 tỷ đồng/năm (ngân sách trung ương tăng 27 tỷ đồng/năm, địa phương tăng 18 tỷ đồng/năm), tương ứng tăng 12%. Với biên độ tăng này, tính bình quân đầu người của cơ quan thanh tra được hưởng theo cơ chế mới, tăng khoảng 2,467 triệu đồng/người/năm (khoảng 200.000 đồng/tháng).

Về mức trích theo dự thảo Nghị quyết, Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.

Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 30 tỷ đồng/năm.

Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 3 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 05 tỷ đồng/năm.

Tiền thu hồi qua thanh tra mà ngày càng tăng lên thì lại càng buồn

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến của ủy ban này đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như hiện nay do quy định này đã có căn cứ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ông thấy rằng nên theo phương án Chính phủ đề xuất. “Công việc của thanh tra ngày càng tăng lên và mong muốn của chúng ta là khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra ngày càng ít đi, còn khoản tiền này trong tương lai mà ngày càng tăng lên thì lại càng buồn. Hơn nữa, xét cho cùng phương án của Chính phủ so với phương án hiện nay chỉ tăng 12%, không phải là vấn đề thực sự lớn” - ông Lê Quang Mạnh nêu quan điểm.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng có 2 loại ý kiến, nhưng đa số thiên về hướng cân nhắc cho phép Chính phủ điều chỉnh về mức trích như Chính phủ đề xuất, tức tăng khoảng 12% so với tổng số kinh phí được trích hiện nay theo Thông tư 327 của Bộ Tài chính.

Tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc những nội dung cơ bản của nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các quy định về các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước như Tờ trình Chính phủ về phạm vi, đối tượng, các khoản được trích, nội dung chi từ kinh phí được trích, quy định thủ tục trích, trích nộp, trình tự thủ tục lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được trích. 

Đối với việc tăng mức trích, hiện nay đang còn có 2 ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực theo quy định./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ