• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hoá và con người Hà Nội góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước

Văn hoá 25/05/2023 16:19

(Tổ Quốc) - Sáng 25/5, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06/CTr-TU "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021-2025.

Dự Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, UBND TP Hà Nội và các quận, huyện của Thủ đô.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 2 năm qua, việc triển khai Chương trình 06/CTr-TU đã được tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU đã ban hành hệ thống văn bản làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình; đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo và các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phong trào của đơn vị, cụ thể hóa nội dung Chương trình thành chỉ tiêu, đề án, dự án, kế hoạch cụ thể tại địa phương để thực hiện.

Văn hóa và con người Hà Nội góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình 06-CTr/TU đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I-2023 đã cơ bản hoàn thành, tiêu biểu như các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; phát triển thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm… Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 17 nghị quyết chuyên đề, trong đó điểm nổi bật, tạo nên sự đột phá, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người chính là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó xác định mục tiêu mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.

Cũng trong thời gian này, Hà Nội tiếp tục ghi nhận những thành tựu trong giáo dục - đào tạo với việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, với 125 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; giành 63 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.

Ở lĩnh vực du lịch, thành phố vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 - World's Leading City Break Destination 2022 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng. Trong khi đó, ở nội dung giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã tổ chức và tham gia 50 sự kiện quy mô quốc tế tại thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác…

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, chưa phát huy được công suất hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu thực tế; vẫn chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật của Thủ đô; một số dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra...

Văn hóa và con người Hà Nội góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước - Ảnh 2.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06/CTr-TU "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021-2025.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tham luận, gửi ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 06/Ctr-TU, với quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô, đồng thời chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình.

Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL được Đảng, Nhà nước giao quản lý 3 lĩnh vực quan trọng là văn hóa, thể thao, du lịch. Ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ, Bộ xác định văn hóa, thể thao, du lịch là cỗ xe tam mã, trong đó văn hóa giữ dây cương, thể thao vì sự phát triển của con người, du lịch bắt đầu từ sản phẩm văn hóa, mang tầm dấu ấn văn hóa. "Cỗ xe vận hành trên nguyên lý, nguyên tắc thay đổi tư duy làm văn hóa, làm thể thao, làm du lịch bằng quản lý nhà nước thông qua công cụ là cơ chế, dựa vào sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp, xã hội"- Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng, Hà Nội đã cụ thể hóa những tinh thần, những điểm mới của Nghị quyết 13 của Đảng trong tổ chức, vì vậy, dưới sự lãnh đạo rất sát sao, quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, Hà Nội đã tạo ra diện mạo mới về văn hóa, con người Thủ đô.

Theo Bộ trưởng, Hà Nội cũng có sự sáng tạo trong thực hiện, trong đó luôn xác định tập trung cho môi trường văn hóa, coi đó là gốc, là nền tảng kiến tạo, phát triển văn hóa một cách bền vững. Môi trường văn hóa đã bước đầu lan tỏa giá trị đẹp đẽ, rõ nét nhất là từ quy tắc ứng xử trong nhân dân, góp phần khẳng định cốt lõi của con người Hà Nội là yếu tố văn minh, thanh lịch, thân thiện đồng thời lan tỏa giá trị này đến toàn bộ nhân dân đang sinh sống ở Thủ đô.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong hoạch định chính sách, Hà Nội cũng đã tiếp cận cách làm mới, gắn kết nhuần nhuyễn văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Những thành công đã đạt được là kết quả từ việc gắn kết phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trong hoạch định chính sách.

Bộ trưởng cũng mong muốn, Hà Nội sẽ chia sẻ cách làm cho các địa phương khác để cùng hiệu ứng chung mà như Tổng Bí thư đã khẳng định, văn hóa là động lực phát triển của đất nước, đồng thời phối hợp tốt hơn với Bộ VHTTDL để cùng đẩy con thuyền văn hóa lên một tầm cao mới.

Chỉ ra những khó khăn của việc làm văn hóa, Bộ trưởng lấy ví dụ, làm một cây cầu có thể thấy ngay hiệu quả nhưng xây dựng văn hóa thì phải 10 năm mới thấy được hiệu quả. Sự nhìn nhận đánh giá với văn hóa phải khách quan và trách nhiệm. Vì vậy, khi đã nhận diện ra những khó khăn hạn chế thì mong rằng trong thời gian tới, Hà Nội có giải pháp để xử lý triệt để những khó khăn này.

Văn hóa và con người Hà Nội góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, thành công của Hà Nội là hoàn thiện được thiết chế văn hoá, nhưng quản lý, sử dụng như thế nào để các điểm văn hóa này sáng đèn liên tục, trở thành trung tâm thu hút người dân đến để sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa là vấn đề cần quan tâm.

"Thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô. Tôi mong muốn Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở về văn hóa để biến đó thành công cụ pháp luật, các điều luật để huy động được các nguồn lực dưới góc độ vừa quản lý, vừa kiến tạo sự phát triển cho lĩnh vực văn hoá, nhất là với một vị trí Thủ đô mang đậm dấu ấn văn hoá, có bề dày về lịch sử, truyền thống và có một kho tàng phong phú đồ sộ về di tích. Đây là những vấn đề cần phải tương thích những bộ luật khác như Luật Di sản Văn hóa sẽ sửa đổi tới đây. Các Luật phải có sự kết nối, liên thông để xây dựng Luật Thủ đô thuận lợi hơn"- Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng thông tin, Bộ VHTTDL đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hoá. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, là động lực để phát triển ngành VHTTDL. Đề nghị Hà Nội góp ý thêm cho Chương trình.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII của Thành phố: "Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự. "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài; Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Hà Nội cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với bạn bè quốc tế, tạo tiền đề cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, của đất nước ta trên trường quốc tế", Bộ trưởng khẳng định, lời chỉ đạo rất sâu sắc của Tổng Bí thư, vận dụng vào thời điểm này khi tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06/CTr-TU càng có ý nghĩa hơn.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng: "Với tinh thần đó và với cách làm thực chất, đi thẳng vào các nhóm vấn đề để đi vào tổng thể, tôi hy vọng, qua Hội nghị này, văn hóa Hà Nội sẽ có bước phát triển cao hơn, việc xây dựng con người Hà Nội sẽ dần dần tốt hơn để từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước, đóng góp xứng đáng với vị trí của Thủ đô trong quá trình phát triển đất nước".

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ