• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn học giúp tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc Việt-Séc

Văn hoá 07/09/2019 20:03

Chương trình “Giới thiệu sách văn học Việt-Séc” nhằm giúp các bạn bè Séc hiểu hơn về văn hóa Việt Nam cũng như người Việt Nam hiểu hơn về văn hóa Séc.

Văn học giúp tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc Việt-Séc - Ảnh 1.

Quang cảnh sự kiện. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Séc, tối 4/9, tại Trung tâm thương mại SAPA ở Thủ đô Praha, Hội hữu nghị Việt-Séc phối hợp với Hội nhà văn Séc đã tổ chức chương trình “Giới thiệu sách văn học Việt-Séc” nhằm giúp các bạn bè Séc hiểu hơn về văn hóa Việt Nam cũng như người Việt Nam hiểu hơn về văn hóa Séc, góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự gắn kết giữa hai dân tộc.

Tại sự kiện, Ban tổ chức đã giới thiệu các tác phẩm văn học Séc, trong đó có ba tác phẩm của nhà văn Vlastimil Podracky vừa được biên dịch và phát hành gồm “Ba cuộc đời chuyện Tây-Ta," “Nhân mạng cuối cùng và đồng loại”“Hiểm họa sắc vàng."

Đây là những tác phẩm được dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng - Phó Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Séc, đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Séc và các đồng nghiệp nỗ lực biên dịch trong ba năm từ tiếng Séc sang tiếng Việt.

Nội dung của các tác phẩm văn học này không chỉ phản ánh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của châu Âu và thế giới mà còn truyền tải đến cộng đồng người Việt ở châu Âu cũng như ở Việt Nam về một nền văn hóa, văn học lâu đời của Séc.

Theo dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng, thông qua giới thiệu các tác phẩm văn học của Séc, tác giả và dịch giả muốn truyền tải thông điệp rằng trong một thế giới có sự đa dạng của các nền văn hóa, mọi người cần phải ứng xử phù hợp và tôn trọng nền văn hóa của các nước để góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các cộng đồng dân tộc.

Ông chia sẻ: “Văn hóa là cánh cửa mở vào thế giới của các nước khác nhau. Chúng tôi mong muốn các bạn Séc hiểu hơn về Việt Nam cũng như người Việt Nam hiểu hơn về Séc."

Bên cạnh những tác phẩm văn học Séc, Ban tổ chức cũng giới thiệu tới các bạn bè Séc tác phẩm văn học đầu tiên của Việt Nam được dịch sang tiếng Séc với tên gọi "Ngọt ngào vị đắng" của nhà văn Đoàn Hoài Trung.

Đây là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống của sinh viên Việt Nam tại Liên bang Tiệp Khắc cũ (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia) được dịch giả người Séc Hilda Suchova biên dịch, góp phần truyền tải thông điệp về tình cảm và sự gắn bó của người Việt Nam đối với dân tộc Séc có nền văn hóa truyền thống lâu đời.

Nhận xét về ý nghĩa của chương trình “Giới thiệu sách văn học Việt-Séc,” nhà văn Karel Sys, Chủ tịch Hội văn học Séc và nhà văn Podracky ghi nhận và bày tỏ trân trọng nỗ lực của các dịch giả hai nước và cho rằng việc giới thiệu các tác phẩm văn học của Séc và Việt Nam đến với các độc giả của hai nước giúp tăng cường sự hiểu biết về nền văn hóa của mỗi nước cũng như sự gắn kết giữa hai dân tộc.

Nhà văn Karel Sys bày tỏ cảm xúc: “Chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi truyền bá văn học Séc đến độc giả Việt Nam thông qua các dịch giả người Việt. Mặc dù hai nền văn hóa và văn học có lịch sử phát triển khác nhau, nhưng chúng ta đã tìm ra được cách thức để hiểu biết lẫn nhau.”

Trong khi đó, nhà văn Podracky phát biểu cảm tưởng “Mặc dù Việt Nam và Séc cách xa nhau về địa lý, song hai dân tộc có nhiều nét tương đồng, nhất là người dân hai nước đều giành cho nhau những tình cảm tốt đẹp”./.


Theo TTXVN

NỔI BẬT TRANG CHỦ