• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn học thiếu nhi có là “mỏ vàng” cho phim hoạt hình?

01/06/2017 09:01

(Tổ Quốc)- Mặc dù văn học thiếu nhi được xác định là mỏ vàng cho phim hoạt hình, tuy nhiên “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai thác triệt để.





(Tổ Quốc)- Mặc dù văn học thiếu nhi được xác định là mỏ vàng cho phim hoạt hình, tuy nhiên “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai thác triệt để.



Một số phim có kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm văn học 



Chưa nhiều phim hoạt hình được chuyển thể từ tác phẩm văn học

Không chỉ riêng phim hoạt hình dành cho trẻ em mà ngay cả phim điện ảnh, phim truyền hình thì tác phẩm văn học luôn được đánh giá cao khi lựa chọn làm kịch bản chuyển thể. Tuy nhiên, khác với các thể loại phim khác, phim hoạt hình với đặc thù riêng thì số lượng kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học vẫn chưa nhiều.

Hãng phim hoạt hình Việt Nam từ khi ra đời (1959) đến nay có khoảng hơn 500 phim hoạt hình. Tuy nhiên số lượng phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học chưa đầy 20%. Giai đoạn đầu khi phim hoạt hình ra đời thì số lượng kịch bản chuyển thể từ các tác phẩm văn học nhiều hơn giai đoạn hiện nay.

Lý giải vì sao “kho tàng” văn học thiếu nhi phong phú như vậy nhưng số lượng phim hoạt hình được chuyển thể không tăng theo thời gian như hiện nay, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà cho rằng: Bởi hiện nay chủ đề các bộ phim hoạt hình rộng hơn rất nhiều, không chỉ là văn học mà còn cả kỹ năng, đời sống xã hội. Hơn nữa ngôn ngữ hoạt hình, tức là một kiểu kể chuyện khác bằng hình ảnh dựa trên những nét vẽ giàu tính giả định, ước lệ, khoa trương… phần nào gần gũi với sáng tác của văn học dân gian, đặc biệt là ở mảng truyền thuyết, cổ tích… Nhà biên kịch chỉ cần thể hiện sát với cốt truyện dân gian, kịch bản đã mang đậm chất hoạt hình mà ít cần tới sự sáng tạo về cốt truyện, xung đột, kịch tính, sự biến ảo, phép màu, những điều thần kỳ, màu nhiệm… Thực tế, trên thế giới, có rất nhiều bộ phim hoạt hình chuyển thể rất sát với các tác phẩm văn học dân gian và đã thu được thành công, trở thành những bộ phim hoạt hình kinh điển như phim hoạt hình Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn, Công chúa Lọ Lem, Người đẹp và quái vật, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Nàng tiên cá, Bầy chim thiên nga… Ở Việt Nam, các nhà biên kịch cũng lựa chọn từ những tác phẩm văn học lấy cảm hứng từ dân gian để chuyển thể như Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; Chuyện Ông Gióng; Âu Cơ - Lạc Long Quân, Trường ca Đam San… hay xây dựng kịch bản trên những tác phẩm dân gian được các nhà văn viết lại như: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ…

Ngoài các phim hoạt hình “xa xưa” được chuyển thể từ văn học dân gian, sự tích, truyền thuyết thì những tác phẩm của nhà văn cũng được chuyển thể như: Mèo con (chuyển thể từ truyện Cái Tết của Mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi), Dế Mèn (1979) (chuyển thể từ truyện Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài); Hiệp sĩ trán dô (chuyển thể từ truyện Thằng quỷ gỗ của Nguyễn Quang Thiều), Tít và mít (chuyển thể từ tuyện tranh Tí quậy của Đào Hải)… cùng một số kịch bản được chuyển thể từ các nhà văn Trần Ninh Hồ, Trần Đức Tiến, Viết Linh, Vũ Duy Thông…



Văn học thiếu nhi có là “mỏ vàng” cho phim hoạt hình? - ảnh 2



Khi nào thì việc chuyển thể kịch bản hoạt hình từ văn học trở thành trào lưu?

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà cho rằng, ngoài “điều kiện” tác phẩm văn học cần có chứa đựng chất điện ảnh tiềm tàng bao gồm cốt truyện, tình huống, nhân vật, hành động, tư tưởng chủ đề, ngôn ngữ giàu chất điện ảnh… thì lợi thế từ tác phẩm văn học được lựa chọn chuyển thể thành kịch bản phim hoạt hình là câu chuyện có ý tứ, đã được thẩm định qua thời gian, đã được công chúng đón nhận. Thậm chí tên tuổi của nhà văn đã gây tiếng vang trong lòng bạn đọc, tạo sức hút… như một sự “bảo đảm” để công chúng tiếp tục theo dõi bất cứ tác phẩm nào liên quan.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ tác phẩm văn học nổi tiếng, đã được giải thưởng lớn của nhà văn tên tuổi là “an toàn” và nhà biên kịch yên tâm “chuyển thể”. Bởi lẽ ngôn ngữ của văn chương khác với ngôn ngữ của điện ảnh. Ngôn ngữ của văn học có thể vượt qua mọi trở ngại, mọi giới hạn để kể, để truyền tải những gì nhà văn muốn gửi gắm. Trong khi đó, ngôn ngữ điện ảnh được giới hạn bởi hình ảnh - những gì nhìn thấy, hiện thực hóa trí tưởng tượng. Do đó, nếu tác phẩm văn học không chứa đựng chất điện ảnh thì khó chuyển thể. Đấy là chưa kể, nếu tác phẩm văn học quá nổi tiếng, quá in sâu vào tâm trí người đọc thì khó mà “thoát” ra khỏi tâm trí nếu chuyển thể không thành công.

Với câu hỏi khi nào thì việc chuyển thể kịch bản hoạt hình từ văn học trở thành xu hướng cho các nhà biên kịch, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà cho rằng xu hướng này đã và đang tồn tại ở nhiều nước, khi tác phẩm văn học gây tiếng vang, có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng thì sẽ được tận dụng mọi điều kiện. Từ tác phẩm văn học, thành phim hoạt hình, truyện tranh, game, đồ chơi, các sản phẩm ăn theo (in hình ảnh nhân vật lên cốc, đồ lưu niệm, quần áo, mũ nón, giày dép…). Điều này có nghĩa là, khi nào những người cầm bút của chúng ta tạo ra được câu chuyện gây hiệu ứng mạnh, có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng và được chuyển thể thành phim hoạt hình thành công, nhân rộng hiệu ứng tích cực đó lên thì chừng đó mới trở thành xu hướng.

Được biết, cách đây mấy năm dự án thực hiện lại bộ phim hoạt hình Dế mèn phiêu lưu ký từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài bị gặp khó khăn về kinh phí. Còn trung tâm sản xuất phim hoạt hình của Đài truyền hình Việt Nam cũng từng ký hợp đồng chuyển thể tác phẩm “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Hiện nay, mặc dù đều đặn hàng năm kịch bản phim hoạt hình vẫn được đội ngũ biên kịch lựa chọn từ tác phẩm văn học để chuyển thể nhưng vẫn còn rất ít. Những tác phẩm văn học dài hơi, ít nhiều đã gây tiếng vang trong nhiều năm qua của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Dương… rất có thể sẽ là nguồn kịch bản tương lai được các nhà làm phim hoạt hình lựa chọn. Tuy nhiên từ tác phẩm văn học thành phim hoạt hình thành công đến đâu lại là do tài năng và các yếu tố kỹ thuật hỗ trợ từ đội ngũ làm phim.

Hiền Nguyễn




NỔI BẬT TRANG CHỦ