• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Vén màn" thông điệp chúc mừng của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Tổng thống Mỹ mới đắc cử

Thế giới 26/11/2020 11:58

(Tổ Quốc) - Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, hôm thứ Tư (25/11) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Mỹ mới trúng cử Joe Biden.

Động thái của ông Tập diễn ra hơn 2 tuần sau khi ứng viên Đảng Dân chủ được nhận định là đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

"Thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh cho quan hệ Trung-Mỹ không chỉ là lợi ích nền tảng cho hai nước mà còn đáp ứng được mong đợi chung của cộng đồng quốc tế", Tân Hoa xã trích dẫn thông điệp của ông Tập.

"Tôi hy vọng được nhìn thấy cả hai phía giương cao tinh thần phi xung đột, phi đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác hai bên cùng có lợi, đồng thời tập trung vào hợp tác trong khi quản lý và kiểm soát tranh chấp", Chủ tịch Trung Quốc cho hay.

Trước ông Tập, một loạt các nhà lãnh đạo thế giới khác đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Biden, ngay cả khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại. Đáng lưu ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin nằm trong số những nguyên thủ vẫn chưa chúc mừng ông Biden.

Ngày 13/11, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng tới ông Biden và đối tác tranh cử Kamala Harris – tuy nhiên không trực tiếp nhắc tới ông Tập. Theo Tân Hoa xã, cũng trong ngày 25/11, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã gửi thông điệp chúc mừng tới bà Harris.

Chúc mừng Tổng thống Mỹ đắc cử, Chủ tịch Trung Quốc hướng tới điều gì? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã chính thức chúc mừng Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden (ảnh: CNN)

Mối quan hệ từ sớm

Mối quan hệ giữa hai ông Biden và Tập bắt đầu từ gần một thập kỷ trước khi ông Biden (lúc đó đang là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama) có chuyến công du 6 ngày tới Trung Quốc vào năm 2011. Ông Tập – lúc đó còn là Phó Chủ tịch nước đã gặp gỡ và cùng Biden đi tới nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc.

Chưa đầy một năm sau đó, vào tháng 2/2012, ông Tập tới Washington và được chính ông Biden đưa tới Phòng Bầu dục để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hai ông Tập và Biden cũng đã tới Los Angeles và cùng công bố về một hiệp định hợp tác điện ảnh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ liệu mối quan hệ từ sớm như vậy có giúp ông Biden định hình mối quan hệ với Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập hay không. Những dấu hiệu căng thẳng đầu tiên đã xuất hiện trong chuyến công du năm 2013 của ông Biden tới Bắc Kinh sau khi ông Tập trở thành người đứng đầu đất nước.

Khi ông Biden còn chưa kết thúc chuyến thăm, Bắc Kinh bất ngờ thiết lập một khu vực phòng thủ trên không ảnh hưởng tới những hòn đảo mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền. Vào thời điểm đó, đây được coi là một bài kiểm tra cho liên minh an ninh Mỹ-Nhật, nhất là khi nó diễn ra chỉ 6 tháng sau khi ông Tập đề xuất "một loại quan hệ mới giữa các cường quốc" với người đồng cấp Obama trong một cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 6/2013 tại California.

Gần 9 năm sau, đội ngũ chính sách đối ngoại sắp tới của ông Biden đã nhấn mạnh, họ coi Trung Quốc là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất. Bản thân ông Biden, trong một bài viết từ tháng Một trên tờ Foreign Affairs đã tuyên bố, Mỹ "cần phải cứng rắn với Trung Quốc".

Chúc mừng Tổng thống Mỹ đắc cử, Chủ tịch Trung Quốc hướng tới điều gì? - Ảnh 2.

Mối quan hệ giữa hai ông Tập và Biden hình thành từ gần một thập kỷ trước (ảnh: Bloomberg)

Di sản từ chính quyền Trump

Dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, quan hệ Washington-Bắc Kinh không ngừng tuột dốc. Ông Trump không chỉ liên tiếp áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mà còn đổ lỗi cho Trung Quốc là nguyên nhân khiến đại dịch COVID-19 bùng phát cũng như lên án các hành động của Bắc Kinh tại khu vực Tân Cương và Hong Kong...

Đội ngũ ông Biden thừa nhận, đã tới lúc chấm dứt những nỗ lực từ kỷ nguyên Obama nhằm thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc tuy nhiên lại có phần xem nhẹ những vi phạm về nhân quyền, nguy cơ đánh cắp sở hữu trí tuệ và tham vọng mở rộng ảnh hưởng của quốc gia châu Á. Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ vẫn "thừa hưởng" và buộc phải xử lý những rạn nứt khổng lồ mà chính quyền Trump để lại trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hồi đầu tháng Mười một, tờ Bloomberg đăng tải, trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump có thể sẽ đưa ra những động thái cứng rắn hơn nữa trước Bắc Kinh. Điều này có khả năng sẽ khiến căng thẳng giữa hai nước càng thêm leo thang khi ông Biden chính thức bước vào Nhà Trắng.

Theo Bloomberg, các hành động ông Trump có thể triển khai bao gồm đối phó với việc đánh bắt cá bất hợp pháp và áp dụng thêm trùng phạt lên những cá nhân/ thực thể gây ảnh hưởng tới Hong Kong và Tân Cương.

Còn Reuters đưa tin, chính quyền Trump sắp công bố một danh sách cấm 89 công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ và một số lĩnh vực khác – tiếp cận với các công nghệ xuất khẩu của Mỹ do có quan hệ với giới quân đội Trung Quốc.

Trong khi đó, các cố vấn đối ngoại của ông Biden cho hay, Tổng thống mới đắc cử tin rằng, cách tiếp cận của ông Trump với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là thái độ từ chối hợp tác với đồng minh, mới chính là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới các tác động tiêu cực lên mục tiêu đối phó với Trung Quốc.

Ông Biden từng tuyên bố, có những lĩnh vực mà Mỹ sẽ có lợi khi làm việc với Bắc Kinh như biến đổi khí hậu và Triều Tiên. Còn trên những lĩnh vực khác, theo các cố vấn của ông Biden, ông cảm thấy cần phải hợp tác chặt chẽ với các đồng minh nhằm hướng tới một mặt trận đoàn kết, cùng giải quyết các thách thức bao gồm công nghệ, nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ và hiện diện đang gia tăng của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải châu Á.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ