• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2019

Kinh tế 11/01/2019 10:21

Sáng ngày 10/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018". Chuỗi Báo cáo kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Stefan Kaufmann, Nghị sĩ Quốc hội Đức; ông Peter Girke, đại diện Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam; các chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, bà Phạm Chi Lan và Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cùng đại diện các đại sứ quán Anh, Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ.

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2019 - Ảnh 1.

Ông Peter Girke, đại diện Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam khai mạc buổi tọa đàm.

Công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã thay mặt nhóm nghiên cứu đưa ra một số nhận định có tính tổng quát và dự báo về kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

Năm 2018 chứng kiến sự phục hồi thiếu đồng đều lẫn chắc chắn của kinh tế thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục điều chỉnh các dự báo của mình theo chiều hướng kém tích cực hơn. Những uớc tính mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 là vào khoảng 3,7%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm và thậm chí giữa các nước trong cùng nhóm.

Những quan ngại về kinh tế Trung Quốc ngày một cao hơn khi tăng trưởng thương mại và đầu tư của nước này được dự kiến tiếp tục sụt giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ trong thời gian tới. Chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mốc 50. Ngân hàng trung ương nước này đã bắt đầu phải thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong nước. Mặc dù còn dư địa chính sách nhưng tất cả đều đang trên xu hướng xấu đi.

Bên cạnh tiêu điểm là tốc độ tăng trưởng bấp bênh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế thế giới trong năm 2018 còn chứng kiến một sự kiện đáng chú ý khác, đó là tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở Mỹ và châu Âu sau những chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ trong quá khứ. Trong khi đó, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục chương trình siêu nới lỏng định lượng do lạm phát còn ở mức thấp.

Kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng trưởng cao nhất 10 năm, ở mức 7,08%. Tăng trưởng tới từ sự phục hồi vững chắc của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ, cùng với sự bứt phá của ngành công nghiệp chế tác. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Khu vực này trong năm 2018 xuất siêu khoảng 32,81 tỷ USD (bằng gần 14% GDP).

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2019 - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018 của VERP.

Về tình hình các doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới và số việc làm tạo mới không có nhiều biến chuyển so với năm 2017, số tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 cao bất thường, đặt ra câu hỏi đó là sự dịch chuyển cấu trúc kinh tế hay là những rủi ro nền tảng của nền kinh tế.

Lạm phát quý IV/2018 có dấu hiệu giảm nhờ sự quay đầu đột ngột của giá năng lượng. Lạm phát bình quân (3,54%) đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới trồi trụt thất thường, cùng với việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu từ 1/1/2019, NHNN vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát trong thời gian tới để có những biện pháp ứng phó phù hợp.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang tạo tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này, bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc. Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này.

Thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc, Ấn Độ.

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2019 - Ảnh 3.

Tiến sĩ Stefan Kaufmann, Nghị sĩ Quốc hội Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhận định: “Vấn đề lớn nhất của Việt Nam nằm ở chính sách tài khóa”.

Theo phân tích của VEPR, trong nhiều năm gần đây, bức tranh ngân sách và nợ công không được cải thiện. Quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao. Nguồn thu ngân sách vẫn chỉ đủ hoặc dư thừa không đáng kể sau khi thực hiện tiêu dùng của nhà nước, không có tiết kiệm (phải vay nợ) để thực hiện đầu tư phát triển. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước/GDP có giảm đôi chút nhưng lại chủ yếu là nhờ tư nhân hóa nhiều dịch vụ công.

Đặc biệt, khối tài sản nhà nước ngày càng giảm thông qua bán vốn DNNN hoặc bán các tài sản nhà nước khác nhưng thâm hụt ngân sách lại không được thu hẹp (vẫn khoảng 4% chưa kể chi trả nợ gốc). Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó được cải thiện khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ.

Trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Stefan Kaufmann, Nghị sĩ Quốc hội Đức đã đánh giá rất cao về sự phát triển kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong năm 2018. Tiến sĩ Stefan Kaufmann đặc biệt nhấn mạnh về chất lượng giáo dục, hệ thống nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ đến sự phát triển kinh tế cũng như sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Đức. Tiến sĩ Stefan Kaufmann khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam luôn bền vững dù gần đây có một số vấn đề xảy ra ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

VEPR: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2019 - Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Có thể thấy rằng, trong năm 2019, mặc dù VEPR đưa ra viễn cảnh dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế khá cao (6,9%) nhưng để tận dụng cơ hội đến từ cuộc dịch chuyển đầu tư, đón đầu được dòng chảy công nghệ mới trên thế giới đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, có những hành động thiết thực hơn nữa cải thiện cả về công nghệ lẫn nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Thành Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ