• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao điện Kremlin không ưa chuộng Clinton?

Thế giới 01/08/2016 15:39

(Tổ Quốc) - Đại hội Đảng Dân chủ, kết thúc sáng 29/7 giờ Moscow, đã được thông tin rộng rãi trên truyền thông Nga.

AP đã tìm hiểu lập trường của Kremlin về triển vọng của bà Hillary Clinton trong cuộc đua trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thông qua việc xem xét tin tức trên truyền thông Nga sau khi cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận được đề cử của đảng Dân chủ.

Bà Clinton hội đàm cùng ông Putin (Nguồn: AFP/ Getty Images)

Kênh truyền hình Channel One đăng tải bài phát biểu của bà Clinton, và cũng cung cấp thông tin về sự rối loạn tại Đại hội khi các cử tri ủng hộ Thượng nghị sĩ Vermont Bernie Sanders thất vọng  và bày tỏ sự phản đối bà Clinton bên ngoài hội trường bầu cử. Kênh Rossiya cũng cho thấy những người biểu tình chống bà Clinton xuất hiện bên ngoài hội trường và cho biết"cảm thấy họ đã bị phản bội sau khi nhiều email bị rò rỉ cho thấy ông Bernie Sanders đã bị đẩy ra khỏi cuộc đua."

Theo AP, sau hàng loạt thông tin trên, khán giả Nga được truyền tải thông điệp về việc  bà Clinton coi Nga là kẻ thù và không thể tin tưởng, trong khi Đại hội Đảng Dân chủ được cho là bằng chứng cho thấy nền dân chủ Mỹ là giả dối.

Căng thẳng về lập trường quân sự

Trong một bài phát biểu, bà Clinton đã tái khẳng định cam kết với NATO, nói rằng bà "tự hào khi sát cánh cùng các đồng minh trong NATO để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào họ phải đối mặt, bao gồm cả từ Nga."

Với tuyên bố này, bà Clinton đã công khai chỉ trích ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã dấy lên nhiều câu hỏi về vai trò của NATO và đề nghị rằng nếu ông được bầu làm Tổng thống, Mỹ sẽ không tôn trọng những cam kết quân sự với NATO của nó, đặc biệt liên quan đến các nước vùng Baltic.

Lập trường này của ông Trump phù hợp với điện Kremlin nhưng tuyên bố của bà Clinton thì ngược lại.

"Bà ấy đề cập đến Nga chỉ một lần, nhưng cũng đủ để thấy rằng thời đại của sự tái khởi động đã kết thúc," Channel One cho biết trong một  bài viết.

Năm 2009, trên cương vị là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton cùng với người đồng cấp Nga đã xúc tiến chương trình “tái khởi động” quan hệ song phương - một trong những sáng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Tiến trình này cho tới nay được cho là đã thất bại khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Bà Clinton cũng đã từng so sánh sự sáp nhập của Crimea như việc Adolf Hitler tiến vào Đông Âu vào đầu Thế chiến II, một sự so sánh mang tính tấn công mạnh mẽ đối với Nga – nước đã vượt qua nhiều gian khổ để giành chiến thắng vinh quang trước Đức Quốc xã  - điều cho tới nay vẫn là một nguồn cảm hứng cho niềm tự hào dân tộc.

Còn ông Trump, trái lại, đã nói với ABC trong chương trình "Tuần này" trong một buổi phát sóng ngày 31/7 rằng ông muốn xem xét việc liệu Mỹ có nên công nhận Crimea như là một phần của Nga. "Bạn biết đấy, người dân Crimea, từ những gì tôi đã nghe, muốn sát cánh cùng nước Nga hơn nơi họ từng thuộc về", Trump nói.

Điều này đi ngược lại lập trường hiện tại của chính quyền Obama và Liên minh châu Âu (EU) khi đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga sau sự sáp nhập Crimea.

Chuyện nội bộ

Khi đưa ra nhận định cuộc bầu cử quốc hội Nga năm 2011 là có gian lận, ông Putin cho biết bà Clinton đã "gửi đi một tín hiệu" chỉ trích ông. Sau đó, ông Putin đã cáo buộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ tài chính cho các cuộc biểu tình có sự tham dự của hàng chục ngàn người tại Moscow.

Bác bỏ những cáo buộc trên, điện Kremlin đã khẳng định thể chế bầu cử Nga là minh bạch và dân chủ.

Nhóm tranh cử của bà Clinton cũng đã cáo buộc Nga tham gia vào vụ tấn công mạng máy tính của Uỷ ban Quốc gia Dân chủ (DNC). Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc trên.

Còn ông Trump đã khuyến khích Nga tham gia điều tra và công bố hơn 30.000 email bị mất tích khác đã bị xóa bởi Clinton. Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump nhờ sự can thiệp của lực lượng nước ngoài để tiến hành hoạt động gián điệp – điều có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 11 này.

Dù chưa công khai lập trường cụ thể về cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Putin và Điện Kremlin có vẻ ưa thích tỷ phú Donald Trump hơn – người có quan điểm được cho là “thân Nga”.

(Theo AP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ