(Tổ Quốc) - Đã có ít nhất hai quan chức cấp cao của tỉnh Hồ Bắc bị cách chức do những yếu kếm trong công tác đối phó với dịch bệnh bùng phát.
Tờ SCMP nhận định, quyết định cách chức hai quan chức cấp cao của tỉnh Hồ Bắc – tâm điểm dịch bệnh bùng phát do virus COVID-19 gây ra và sự thế chỗ của một nhân vật từ chính quyền trung ương, là một động thái khác của Trung Quốc để xoa dịu phản ứng của người dân về cách chính quyền đối phó với cuộc khủng hoảng virus. Đó đồng thời cũng là một biện pháp nhằm cố gắng giữ cho nền kinh tế Trung Quốc ổn định.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin ông Zhang Jin, Bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế Hồ Bắc và ông Liu Yingzi, Giám đốc Ủy ban Y tế Hồ Bắc đều bị cách chức.
"Kiên nhẫn của Bắc Kinh không còn nhiều", một nguồn tin giấu tên nắm rõ những diễn biến phát triển tại Hồ Bắc cho hay. "Kỳ nghỉ Tết Âm lịch đã kết thúc và mọi người bắt đầu quay trở về làm việc tại những nơi như Quảng Đông và Thượng Hải – các đầu tàu chính của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu Hồ Bắc thất bại trong việc kiềm chế nạn dịch, kế hoạch tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sẽ gặp khó khăn".
Theo người trên, chính quyền trung ương muốn giới chức Hồ Bắc hiểu được rõ hơn tình hình thực tế của đất nước và có thể thay đổi được tình thế hiện tại. Quyết định cách chức hai quan chức y tế hàng đầu của Hồ Bắc chỉ là động thái đầu tiên. "Họ chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xử trí với dịch bệnh bùng phát. Rõ ràng họ đã thất bại nhưng họ không phải là những người duy nhất", người này dự đoán.
Cả hai vị trí vừa trống sẽ được đảm nhận bởi ông Wang Hesheng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Các dấu hiệu về biến chuyển sắp xảy ra trở nên rõ ràng hơn vào tuần trước khi ông Wang được bổ nhiệm là thành viên của Ủy ban thường vụ Hồ Bắc – cơ quan đưa ra quyết định hàng đầu của tỉnh.
Cũng trong tuần trước, một nhân vật uy tín khác của Bắc Kinh là Chen Yixin cũng đã có mặt tại Hồ Bắc. Là người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chen giờ đây chịu trách nhiệm chỉ đạo việc đối phó với dịch bệnh.
Virus corona chủng mới hay còn có tên là COVID-19 được phát hiện đầu tiên tại một khu chợ bán hải sản và động vật hoang dã tại thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là Hồ Bắc. Kể từ đó tới nay, các ca lây nhiễm đã xuất hiện tại ít nhất 24 quốc gia trên toàn thế giới. Riêng tại Trung Quốc, theo thông kế mới nhất ngày 13/2, tổng số ca nhiễm 59.539 trường hợp với 1.361 người tử vong.
Tuy nhiên, các cảnh báo sớm của những bác sỹ địa phương về mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của virus đã bị chính quyền địa phương làm ngơ. Thậm chí một số bác sỹ còn bị cảnh sát cảnh cáo vì tội "lan truyền tin tức tiêu cực trên mạng xã hội". Một trong số đó là bác sỹ Lý Văn Lượng – người vừa qua đời do bị lây nhiễm COVID-19. Cái chết của bác sỹ Lý đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích và giận dữ nhằm vào chính quyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Không lâu sau đó, Bắc Kinh đã có một phản ứng khá bất thường khi cử một nhóm các chuyên gia thuộc cơ quan chống tham nhũng là Ủy ban Giám sát Quốc gia tới Hồ Bắc với nhiệm vụ điều tra vấn đề điều trị cho bác sỹ Lý. Động thái này được cho là sẽ dẫn tới thêm nhiều xáo trộn nhân sự trong thời gian sắp tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CCTV vào cuối tháng Một, thị trưởng thành phố Vũ Hán Zhou Xianwang từng ám chỉ, Bắc Kinh ít nhất cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc phản ứng chậm trước bùng phát dịch.
"Là một chính quyền địa phương, chúng tôi không được tiết lộ các thông tin liên quan tới dịch bệnh trừ khi được cấp trên cho phép, điều mà rất nhiều người không hiểu ở giai đoạn đầu", ông Zhou nói trên truyền hình.
Ông cũng thừa nhận, các biện pháp xử lý khủng hoảng của Vũ Hán "là chưa đủ tốt" và ông "sẵn sàng từ chức nếu nó giúp kiềm chế sự lây lan của virus".
Trong khi đó, hôm 8/2, ông Chen Yixin từ Bắc Kinh đã thành lập một nhóm chat trên mạng xã hội WeChat có sự tham gia của các quan chức Vũ Hán, đồng thời thông báo trực tiếp với họ về những gì ông muốn làm.
"Đưa tất các bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng nhập viện là nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp nhất… Đó là ưu tiên và mệnh lệnh", ông Chen nói. "Không có chỗ cho mặc cả, điều đó không được phép trì hoãn với bất kỳ lý do nào".
Ông Wang Jiangyu, Giám đốc của Trung tâm Trung Quốc và Luật tại Đại học City, Hong Kong (Trung Quốc) đánh giá, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong đó tâm điểm là cách hệ thống vận hành, và cho tới thời điểm hiện tại nó đang lộ ra "rất nhiều lỗ hổng".
Còn ông Zhang Lifan, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nhận định trong một cập nhật trên Twitter rằng, những biến động chính trị và quyết định cách chức tại Hồ Bắc "chỉ mới là sự khởi đầu".