Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố tình hình ung thư hiệu chỉnh theo độ tuổi tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,6 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.
Ung thư tuyến giáp - Ảnh minh họa - Nguồn: VTV
|
Tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân. Tính chung cả 2 giới, năm loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: ung thư gan hơn 25.000 ca (15,4%), tiếp theo là ung thư phổi 23.667 ca (14,4%), ung thư dạ dày 17.527 ca (10,6%), ung thư vú 15.229 ca (9,2%), ung thư trực tràng 14.733 ca (8,9%). Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt gồm: ung thư phổi (21,5%), ung thư gan (18,4%), ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư hầu họng. Ở nữ giới, hàng đầu vẫn là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan.
Tổ chức sáng kiến toàn cầu về ung thư (GICR, thuộc WHO) cho biết, các số liệu có được dựa trên những nguồn tốt nhất được cung cấp tại mỗi quốc gia.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong do ung thư ở nước ta cao vì trên 70% người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Trong khi với ung thư, phát hiện càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Thực chất ở các nước phát triển, việc phát hiện sớm ung thư đã giúp việc chữa việc khỏi bệnh đạt 70% trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 40%.
Thủy Bích (t/h)