Ngày 2/3, tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận cấp cao về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc (bên phải) và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN) |
Phiên thảo luận được tổ chức trên cơ sở nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền trẻ em mà Việt Nam chủ trì đưa ra vào tháng 6/2016. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng đoàn Việt Nam, tham gia phiên thảo luận với tư cách diễn giả chính.
Phiên thảo luận cấp cao thu hút được sự tham gia đông đảo của các nước, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế. Các ý kiến đều nhất trí trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quyền trẻ em từ nhiều góc độ, kể cả sức khỏe, tính mạng, tiếp cận giáo dục, y tế, kinh tế gia đình...
Tình hình trên đòi hỏi cần tăng cường lồng ghép quyền trẻ em trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và các chính sách phát triển của các quốc gia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là phát huy vai trò của hệ thống Liên hợp quốc.
Các nước cũng nhấn mạnh nỗ lực xử lý tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em trong tiến trình thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Với tư cách là diễn giả chính của phiên thảo luận, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nêu những tác động nhiều mặt của biến đổi khí hậu đối với việc bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ba nội dung ưu tiên, đó là xây dựng các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trung tâm, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em và tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.
Đề cập đến một số thách thức trong nỗ lực chung này, Thứ trưởng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của của Việt Nam, trong đó có việc bảo đảm lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em trong các chính sách về biến đổi khí hậu, nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với UNICEF và các đối tác trong xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm.
Cũng trong ngày 2/3, Việt Nam tổ chức Tọa đàm quốc tế với chủ đề "Giáo dục trẻ em về biến đổi khí hậu - phát triển một thế hệ hiểu biết về biến đổi khí hậu."
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm diễn giả chính, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng chủ trì tọa đàm.
Buổi tọa đàm, với sự đồng bảo trợ của Bangladesh, Fiji, Malaysia, Philippines, Singapore, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, Văn phòng UNESCO ở Geneva, thu hút hơn 100 đại diện các nước, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ tham dự.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế tập trung chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em về biến đổi khí hậu, khuyến khích trẻ em thực sự tham gia, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính sách, cũng như việc huy động trường học, truyền thông, gia đình và toàn xã hội trong việc nâng cao nhận thức của trẻ em về biến đổi khí hậu. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị cho trẻ em những kiến thức cơ bản về môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như những kỹ năng cần thiết để giảm rủi ro thiên tai.
Thứ trưởng đồng thời khẳng định cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, cả ở cấp độ toàn cầu, khu vực, liên khu vực hay trong hợp tác song phương giữa các quốc gia, để trẻ em có thể thực sự đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững.
Phiên thảo luận của Hội đồng nhân quyền và buổi Tọa đàm quốc tế về biến đổi khí hậu và quyền trẻ em đã diễn ra thành công, thể hiện sự tiếp nối sáng kiến mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội đồng nhân quyền khi còn là thành viên trong nhiệm kỳ 2014-2016. Đây cũng là nội dung ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những thách thức nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai.
Sau Hội nghị cấp cao, Khóa họp thường kỳ lần thứ 34 của Hội đồng Nhân quyền tiếp tục diễn ra đến ngày 24/3 tại Geneva, Thụy Sĩ./.