• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vỡ mộng” ô tô giá rẻ

Kinh tế 08/12/2015 05:29

(Toquoc)-Người tiêu dùng vẫn khó có cơ hội được mua xe giá rẻ, vì chắc chắn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng lên…

(Toquoc)- Đến năm 2018, thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ các nước ASEAN sẽ bằng 0%. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn khó có cơ hội được mua xe giá rẻ, vì chắc chắn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng lên…

Thuế giảm từ 70% xuống 0%

Theo Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô có động cơ dung tích từ 3.0 L trở lên về 0% trong vòng 10 năm, trong khi hiện tại, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước này về Việt Nam đang ở mức 70%.

Trong 12 nước thành viên TPP, Mỹ và Nhật là hai quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất. Do đó, ô tô của hai quốc gia này chắc chắn sẽ rộng đường tiến vào thị trường Việt Nam.

Tuần vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom cũng đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do khác giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á Âu (gồm Nga, Bêlarút...) và Hàn Quốc cũng có cam kết mở rộng cửa thị trường ô tô.

Trước những quy định trên, thời gian tới, thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm dần dẫn tới xe nhập khẩu vào trong nước sẽ rẻ hơn hiện tại.

Trước đó, vào tháng 10, Chính phủ chính thức trình Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi về thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ôtô chở người dưới 9 chỗ.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc điều chỉnh thuế suất theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ, giảm với dòng xe phổ thông ưu tiên phát triển nhưng tăng mạnh với dòng xe phân khối lớn (từ 3.000 cm3 trở lên).

Cụ thể, các dòng xe dưới 2.000 cm3 được giảm từ mức thuế suất 45% như hiện hành xuống 20-25%. Ngược lại, các dòng xe từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 tăng thuế suất từ 50% lên 60%. Các dòng xe từ 3.000cm3 trở lên tăng mạnh nhất, từ 60% lên tới 150%.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu các phương án thuế tiêu thụ đặc biệt trên được Quốc hội thông qua, và trong trường hợp thuế nhập khẩu ôtô giảm về 0% như cam kết khi tham gia TPP, EVFTA và thuế tiêu thụ đặc biệt một số dòng xe tăng từ 60% lên 130-150% thì thuế nhập khẩu ô tô sẽ không rẻ hơn.

Đó là chưa kể ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu, ô tô nhập khẩu còn chịu các loại phí khác như phí đường bộ, trước bạ, đăng kiểm…

“Vì thế, người tiêu dùng đừng hy vọng giá ô tô nhập khẩu rẻ hơn”, một chuyên gia kinh tế khuyến cáo.



Người tiêu dùng vẫn khó có cơ hội được mua xe giá rẻ, vì chắc chắn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng lên…

Người Việt Nam phải trả phí sử dụng ô tô cao “ngất ngưởng”

Theo Tổng cục Thống kê, chín tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 83.000 xe, trị giá gần 2,1 tỉ USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô chín tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái tăng 88% về số lượng và tăng 13% về giá trị.  Hiện Việt Nam nhập ô tô nguyên chiếc chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Điều đáng nói là hàng loạt chính sách về thuế, lệ phí nhắm vào chiếc xe ô tô đã làm cho giá bán của nó được đẩy lên quá cao trong khi thu nhập của người dân đang ở mức thấp. Có thể nói, người Việt Nam đang phải trả chi phí cho việc sử dụng ô tô cao nhất thế giới.

Hiện nay, để một chiếc ôtô được lăn bánh tại Việt Nam phải chịu tới 4 loại thuế và hàng loạt các chi phí khác. Cụ thể, thuế nhập khẩu nếu là nhập linh phụ kiện (10-30%), nếu nhập xe nguyên chiếc (50-70%) tùy loại xe và tùy nguồn gốc nhập khẩu. Tiếp đến là thuế TTĐB 40 - 60%, tùy theo dung tích xilanh xe. Thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp (của cơ sở kinh doanh ôtô) 22% cũng được tính vào giá xe…

Ngoài ra, người sử dụng ô tô còn phải trả thêm nhiều loại phí như: phí trước bạ, cao nhất tới 10-15%, phí cấp biển số xe, cao nhất tới 2-20 triệu đồng nếu ở Hà Nội hoặc TP HCM, phí sử dụng đường bộ gồm phí thu qua trạm thu phí BOT và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000-1.430.000 đồng/tháng tùy theo tải trọng xe…

Bên cạnh đó, ôtô ở Việt Nam còn phải chịu phí kiểm định với mức 240.000-560.000 đồng một lần kiểm định, lệ phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, lệ phí môi trường...

Một chuyên gia chia sẻ: “Không biết còn bao nhiêu loại thuế, phí được "đẻ" ra trong thời gian tới?”

Chị Thu Trang (Khu đô Thị Times City, Minh Khai, Hà Nội) cho biết, mỗi năm phải chi trả khoảng hơn 70 triệu đồng cho chiếc xe Fortuna 7 chỗ mà gia đình chị đang sử dụng.

“Tiền gửi xe, phí bảo hiểm, tiền xăng, tiền đi đường….khá cao so với thu nhập của gia đình tôi. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng ô nhiễm, mất an toàn giao thông như hiện nay tôi vẫn phải cố gắng để “nuôi” chiếc xe này”, chị Thu Trang chia sẻ.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Không nên cho rằng ôtô là mặt hàng xa xỉ, mà phải coi ôtô chỉ là phương tiện giao thông thông dụng. Vì thế, cần giảm thuế, đặc biệt là thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá bán xe, từ đó thúc đẩy thị trường tăng trưởng tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành sẽ tăng cường đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa…đê từ đó giúp người tiêu dùng Việt Nam mua được xe chất lượng tốt, giá cả phù hợp./.

Quỳnh Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ