• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Với nhà văn Sơn Tùng, danh hiệu không đến quá muộn

23/07/2011 14:13

(Toquoc)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, những nhà văn chiến sĩ thủa nào đã khoác ba lô trở về với đời sống thường nhật. Để ghi nhận công lao đóng góp những người con ưu tú của dân tộc, nhiều năm nay Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, trong đó có đội ngũ nhà văn. Tháng 7/2011 này, Hội Nhà văn Việt Nam có thêm một vinh dự khi nhà văn Sơn Tùng đã chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

(Toquoc)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, những nhà văn chiến sĩ thủa nào đã khoác ba lô trở về với đời sống thường nhật. Để ghi nhận công lao đóng góp những người con ưu tú của dân tộc, nhiều năm nay Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, trong đó có đội ngũ nhà văn. Tháng 7/2011 này, Hội Nhà văn Việt Nam có thêm một vinh dự khi nhà văn Sơn Tùng đã chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trong lễ kỷ niệm 40 năm nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh, nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời báo điện tử Tổ Quốc về việc Hội Nhà văn Việt Nam vẫn đang tiếp tục đề nghị Đảng và Nhà nước công nhận ba nhà văn anh hùng là: Sơn Tùng, Lê Anh Xuân và Nguyễn Thi. Trong ba nhà văn này thì chỉ có Sơn Tùng là người còn sống nhưng cũng đang bị bệnh nặng. Và chỉ vài tháng sau, tin vui đến với Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhà văn Sơn Tùng và gia đình ông khi Đảng và Nhà nước đã có quyết định trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng.

Chiều 22/7 tại Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà văn Sơn Tùng trước sự có mặt của toàn thể gia đình, bạn bè thân thiết của nhà văn. Nhiều độc giả yêu mến nhà văn “Búp sen xanh” cũng đã có mặt chứng kiến giây phút tôn vinh cảm động, cao đẹp.


Nhà văn Sơn Tùng tại buổi lễ (ảnh TTVH)


Danh hiệu Anh hùng Lao động được trao cho nhà văn Sơn Tùng là hoàn toàn xứng đáng. Ông không chỉ là người đóng góp cho nền văn học nước nhà mà còn cả trong công cuộc đấu tranh cứu nước. Ghi nhận những đóng góp của nhà văn Sơn Tùng, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã dành những lời trân trọng nhất. Ông là hình mẫu của thế hệ trẻ với sự dấn thân tình nguyện vào nơi gian khổ, khốc liệt nhất của chiến trường để tôi luyện ý chí và ngòi bút, để sống và để viết. Bởi chỉ có nơi gian khổ nhất thì phẩm chất anh hùng, vẻ đẹp anh hùng mới được thể hiện trong sáng và trọn vẹn nhất. Sơn Tùng bị thương với nhiều mảnh đạn găm trong cơ thể, nhưng ông đã chiến thắng cái đau đớn của thể xác để tập cầm bút và khôi phục trí nhớ. Sự kiên định ấy đã được chứng minh bằng 24 tác phẩm đến với bạn đọc. Đáng chú ý hơn là trong số đó, đề tài về Bác Hồ kính yêu chiếm phần nhiều hơn cả - 14 tác phẩm. Không chỉ về số lượng nhiều nhất mà còn là những tác phẩm công phu nhất, thành công nhất trong đời văn của Sơn Tùng… Tác phẩm “Búp xen xanh” sau nhiều năm ra mắt độc giả đã tái bản trên dưới 20 lần và vẫn được nhiều thế hệ trân trọng đón nhận với tình cảm đặc biệt. Từ đây hình ảnh Bác Hồ được tái hiện không những bằng xương bằng thịt mà còn giản dị, thanh cao và vĩ đại.

Nếu như đa phần các nhà văn viết bằng cảm hứng và muốn biết có những nhà văn cầm súng nơi chiến trận viết bằng máu như thế nào thì nên đến gặp Sơn Tùng bởi phải là người có ý chí, có quyết tâm lớn lao, nghị lực phi thường mới có thể chiến thắng bản thân để tiếp tục tham gia cuộc chiến và cầm bút sáng tạo.

Hình ảnh nhà văn SơnTùng trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động khiến nhiều người cảm động. Ông ngồi trên chiếc xe lăn và không thể tự di chuyển được. Mọi lời cảm ơn đáp lại tình cảm thân quý của bạn bè đồng nghiệp cũng không cất được lên lời, vợ con phải chuyển giúp. Thỉnh thoảng, người vợ lại ân cần cầm chiếc khăn mùi xoa lau những giọt nước trên khuôn mặt nhà văn. Dường như chỉ còn đôi mắt của ông là vẫn còn tinh tường nhận ra những gương mặt thân quen của bạn bè từ chiến trường năm xưa và bạn văn trong ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Dẫu vậy thì danh hiệu cao quý đến với nhà văn còn chưa quá muộn.

Sau sự ghi nhận dành cho nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà văn Sơn Tùng (trước Chu Cẩm Phong, có nhà văn Huỳnh Văn Nghệ được phong tặng anh hùng nhưng là lĩnh vực quân sự), Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục đề nghị với Đảng, Nhà nước xem xét cho các nhà văn: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân (hai trường hợp này Hội đã đề nghị cùng đợt với nhà văn Sơn Tùng), Trần Đăng và Dương Thị Xuân Quý.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn các nhà văn Việt Nam hãy tiếp tục viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy gian khổ và tự hào của dân tộc. Việc phong tặng những danh hiệu cao quý là truyền thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tôn trọng những thành quả đóng góp cho đất nước. Những nhà văn xứng đáng thì phải được tưởng thưởng xứng đáng. Hội Nhà văn cần xem xét, chọn lọc giới thiệu và hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng.

Bên cạnh bốn nhà văn, nhà thơ được Hội Nhà văn tiếp tục đề nghị, một số văn nghệ sĩ đã đề nghị bổ sung thêm những trường hợp xứng đáng như: Nguyễn Trọng Định, Trần Mai Ninh, Thúc Tề, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Nam Cao, Nguyễn Đình Lạp, Dương Tử Giang, Nguyễn Mỹ… Hy vọng trong một ngày không xa các nhà văn Việt Nam sẽ được ghi nhận công lao đóng góp cho văn học và nền độc lập dân tộc mà mình đã không tiếc máu xương. Đó cũng chính là một bức tranh chân dung đầy đủ và hoàn thiện về thế hệ các nhà văn để lại cho mai sau.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ