(Toquoc)-Ngày mai,30-12-2009,TAND TPHN đưa vụ án Vũ Thị Kim Anh,sinh viên ĐHSP I Hà Nội dùng dao cắt cổ người tình chết trên xe Lexus ra xét xử.
(Toquoc)- Ngày mai, 30-12-2009,TAND TPHN đưa vụ án Vũ Thị Kim Anh, sinh viên ĐHSP I Hà Nội dùng dao cắt cổ người tình chết trên xe Lexus ra xét xử. Vụ án xảy ra rạng sáng ngày lễ tình nhân (14-2-2009) từng làm dư luận bàng hoàng và làm báo chí tốn không ít giấy mực. Bản án cho kẻ giết người sẽ được tuyên, một vài tình tiết còn nghi vấn lâu nay có thể sẽ được làm sáng tỏ, nhưng có lẽ một câu hỏi còn cần đến sự bàn thảo tiếp tục, đó là : Vụ án này cảnh báo chúng ta điều gì?
Trước ngày diễn ra phiên tòa, tôi trầm ngâm đọc lại bức thư đăng trên Báo TNVN của chị Trần Thị Yến Loan, người vợ đau khổ có chồng là ông Nguyễn Tiến Chính bị cô nữ sinh Kim Anh cướp đi mạng sống. Sau hơn nửa năm sống khép mình với nỗi đau khổ tận cùng vì mất chồng, vì bao điều tiếng, đàm tiếu của người đời mà người đã khuất thì chẳng thể thanh minh, chị Loan đã quyết định lên tiếng sau khi nhận được bản quyết định điều tra của Công an Hà Nội. Sau khi nhận được bản cáo trạng của VKSND TPHN, trả lời phỏng vấn của báo chí chị Loan lại một lần nữa bầy tỏ sự không đồng tình với một số điểm mấu chốt mà cơ quan điều tra, truy tố kết luận về hành vi phạm tội của Kim Anh. Tựu chung lại, chị Loan cho rằng :
1- Không có con dao nào để sẵn trên xe của ông Chính.
2- Kim Anh khai lấy dao để ở chiếc túi đằng sau ghế lái là không đúng. Những người lái xe con không bao giờ để dao ở túi phía sau ghế lái. Hơn nữa túi đằng sau ghế lái chiếc Lexus mà vợ chồng chị sử dụng là túi không có đáy nên đương nhiên không thể để dao vào được. Mặt khác, khi ghế lái đã được ông Chính kéo ngả hết cỡ về phía sau như lời khai của Kim Anh thì Kim Anh không thể nhìn thấy con dao và không thể dễ dàng lấy nó ra để sát hại ông Chính được.
3- Kim Anh khai do bức xúc với hành vi sàm sỡ của ông Chính nên nảy sinh ý định “dùng dao cắt vào cổ ông Chính để dằn mặt". Lời khai đó không thuyết phục. Bởi lẽ nếu thực sự muốn sàm sỡ ông Chính đã xuống ghế sau để thực hiện hành vi đó. Ở đây ông Chính ngồi ở ghế trên, bị cắt cổ trong tư thế hoàn toàn bị động “hai tay đặt ở cạp quần", khóa quần và thắt lưng chưa hề mở. Cửa xe không khóa, nếu bức xúc vì hành vi sàm sỡ của ông Chính, Kim Anh có thể dễ dàng mở cửa xe bỏ đi. Nhưng Kim Anh không làm thế.
“Đâu là lý do thực sự để Kim Anh ra tay hạ sát ông Chính ?". Câu hỏi đó dằn vặt chị Loan suốt gần một năm qua. Chị không đồng tình với kết luận của công an và kiểm sát về nguyên nhân cái chết của chồng chị trong một vụ án chị thấy rằng còn nhiều uẩn khúc. Liệu Hội đồng xét xử trong lời tuyên án của mình có giải đáp được câu hỏi đó cho chị không?
Tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi đó cùng với suy nghĩ đâu thực sự là lời cảnh báo của vụ án này?
Một vụ án không vật chứng, không nhân chứng. Không tìm thấy con dao Kim Anh dùng để sát hại ông Chính. Ông Chính đã chết, chỉ có lời khai của Kim Anh mà Kim Anh thì lại quá khôn ngoan. Tôi đã lạnh người khi xem băng video quay cảnh Kim Anh thực nghiệm lại vụ án trước sự giám sát, chứng kiến của cơ quan công an và viện kiểm sát thành phố. Sau một ngày tạm giữ tại cơ quan điều tra, tâm lý Kim Anh vẫn ổn định, sinh hoạt ăn, ngủ bình thường. Và tại cuộc thực nghiệm hiện trường kéo dài suốt 20 phút tại thời điểm đó, toàn bộ tình tiết giết người được Kim Anh diễn tả lại chi tiết, lạnh lùng, không một giọt nước mắt, không một thoáng xúc động bối rối. Các điều tra viên dầy dạn kinh nghiệm cũng phải bất ngờ về việc giết người xong Kim Anh không bỏ trốn, vẫn ở tại nhà mình, vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn nói cười vui vẻ khi gọi điện thoại, không biểu lộ bất cứ trạng thái bị kích động nào. Bị bắt giữ, ban đầu Kim Anh hết sức lạnh lùng khi được hỏi về mối quan hệ với người bị hại và không hé răng khai lấy nửa lời. Những ngày đầu trong trại tạm giam, Kim Anh đã khá bình tĩnh tâm sự mọi chuyện với phóng viên khi được cơ quan điều tra cho phép tiếp xúc, thậm chí còn cất tiếng hát được bài mà cô thường hát tại các cuộc liên hoan theo yêu cầu của phóng viên.
Vậy đâu là nguyên nhân của vụ án này?
Trước hết đây không phải là vụ án vì tiền. Tài sản của nạn nhân không hề mất mát.
Đây cũng không phải vụ án vì tình. Không có tình yêu ghen tuông mù quáng và cũng chẳng có tranh chấp tình dục điên loạn gì ở đây cả. Bởi lẽ tại cái đêm 13-2-2009 định mệnh ấy, Kim Anh gặp không phải một mà là gặp tới ba người đàn ông. Cô đi chơi với một giáo viên dạy hóa ở đại học sư phạm tới khuya thì nhận được tin nhắn của ông Chính.Cô đã gọi lại cho ông Chính và nhận lời đi chơi với ông, dù lúc đó đã 23 giờ đêm. (Cần nhắc lại rằng, trước đó, vào buổi trưa Kim Anh đã “bấm” vào số máy của ông Chính trước sau một thời gian không liên lạc). Giết ông Chính xong, Kim Anh vẫy taxi về nhà bạn trai rồi sau đó đi thuê nhà trọ ngủ qua đêm với nhau và hôm sau trở về trong trạng thái sinh hoạt bình thường. Vậy thì, tiền không mất và cũng chẳng có chuyện tình yêu, tình dục gì ở đây cả. Chị Loan cho biết giữa con trai chị (khi còn học lớp 12) và Kim Anh đã từng nảy sinh tình cảm, chị ngăn cản thì Kim Anh lại quay sang “cặp kè" với chính bố của bạn trai cũ của mình. Chị Loan cho rằng chồng chị với Kim Anh từng quan hệ và vào nhà nghỉ với nhau nhiều lần, thì việc ra tay sát hại để bảo vệ danh dự theo lời khai của Kim Anh là không thể thuyết phục.
Dù còn dấu hỏi gì đi nữa thì rõ ràng vụ án này cũng đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, cụ thể ở đây là tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận sinh viên. Nhà trường dậy chính trị, triết học, dậy chủ nghĩa Mác - Lênin, cái đó rất cần thiết. Nhưng đạo đức sinh viên cụ thể là gì, có những yêu cầu gì thì không thấy đề cập đến. Chưa từng có một hội thảo, một diễn đàn nào bàn về thực trạng của đạo đức sinh viên hiện nay cũng như mối quan hệ giữa gia đình sinh viên – nhà trường và các đoàn thể trong nhà trường. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc họp, nhiều chỉ thị được ban hành nhưng chưa một lần đề cập tới thực trạng chất lượng đạo đức trong các trường đại học. Nhà trường không đặt ra, tổ chức đoàn thanh niên không đặt ra, không ai đề cập tới. Vai trò tổ chức Đoàn trong các nhà trường qúa mờ nhạt, nặng tính hình thức, không có sức hấp dẫn,lôi kéo sinh viên. Trong lúc đó hàng loạt hoạt động hào nhoáng bên ngoài được tổ chức; nào là thi “hoa hậu sinh viên", “hoa khôi sinh viên"; nào là tuyển chọn “nữ sinh duyên dáng ", “nữ sinh thanh lịch", “cặp đôi tài sắc"; nào là “dạ hội nhạc trẻ”, "đêm nhảy hiện đại", “đêm múa đương đại" và những cuộc dã ngoại, vui chơi bốc trời. Tuyệt nhiên không có các chuyến lao động thực tế về nông thôn đi cấy, đi gặt, làm thủy lợi, giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả bão lụt v.v.v. Đó đã là câu chuyện quá vãng của một thời cuối những năm 50, 60 của thế kỷ trước mà thời học sinh sinh viên chúng tôi được sống.
Vì sao mọi con đường vào đời của tuổi trẻ lại chỉ hướng vào đại học. Vào được đại học rồi (thi cũng có, chạy bằng mọi cách cũng có) sinh viên phải tự lo liệu lấy mà sống. Tự lo tiền thuê chỗ ở, cặp đôi sống thử cho đỡ tiền trọ, làm cave, làm nhân tình, cặp với đại gia để có tiền ăn học, tiêu xài. Ngoài giờ học trên giảng đường sinh viên làm gì? Gần như các em được tự do hoàn toàn, quay cuồng kiếm sống, sinh hoạt, chống đỡ với đủ thứ cám dỗ, tệ nạn. Bằng cấp được tôn sùng. Bỏ tiền, bỏ tình, cá biệt có trường hợp bỏ cả thân xác ra mua điểm. Cũng vì máu bằng cấp mà Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Đào Ngọc Dung mang cả tài liệu vào phòng thi bị bắt quả tang, bị lập biên bản và bị Trung ương kỷ luật. Nếp sống vô cảm với những khó khăn của xã hội, hưởng thụ, ăn chơi, tiêu xài trong lúc cuộc sống gia đình rất vất vả khó khăn không bị cộng đồng sinh viên lên án mạnh mẽ. Nữ sinh có nhan sắc cặp với đại gia, diện ngất trời, xài điện thoại di động thời trang cực sang, chiều chiều ra xe đón, không những không ngượng ngùng mà lại còn tỏ vẻ hãnh diện. Một vụ băng sex phát tán trên mạng ầm ĩ của Vàng Anh - Hoàng Thùy Linh. Và giờ lại đến vụ nữ sinh Kim Anh dùng dao cắt cổ người tình. Một lối sống hưởng thụ, buông thả, bỡn cợt với tất cả, kể cả với những điều thiêng liêng nhất - sự trong trắng của người con gái, sự thầm kín, thiêng liêng của tình yêu. Lối sống đó đã bị trả giá.
Kẻ thù buộc ta phải cầm súng. Ta không luyến tiếc chiến tranh, nhưng ta nhớ và cảm phục vô cùng lý tưởng trong sáng của thanh niên thời chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã qua. Những sinh viên như Trần Tiến - Chu Cẩm Phong với cuốn “Đại nhật ký" khiến kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính trọng. Những sinh viên từ giảng đường đại học bước vào chiến trường như nhà thơ Lê Anh Xuân với “Dáng đứng Việt Nam" bất tử, như bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn nhật ký làm rung động cả một phần nhân loại trên nhiều vùng đất của hành tinh này. Tâm hồn lớn sẽ đẻ ra lý tưởng lớn, tình cảm lớn, việc làm lớn và gặt hái được những thành công lớn. Ngược lại, suy nghĩ nhỏ nhen thấp hèn, lối sống ích kỷ, buông thả, hưởng thụ sớm muộn cũng sẽ dẫn tới những bi kịch cuộc đời. Phải chăng việc giáo dục lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phấn đấu học thật giỏi, sẵn sàng dấn thân trong công cuộc đổi mới chưa từng có tiền lệ của đất nước chưa thực sự được coi trọng trong tu dưỡng đạo đức của đời sống học sinh, sinh viên?
Kim Anh giết người thì đương nhiên phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tự cô đã đóng sập cánh cửa lẽ ra tươi sáng của cuộc đời mình lại. Nhưng xét về một khía cạnh nào đó, cô cũng là nạn nhân của tình trạng đạo đức xã hội, đạo đức sinh viên xuống cấp chưa được ngăn chặn, giáo dục một cách hiệu quả. Bố mẹ Kim Anh biết quan hệ bất chính của con gái mình với ông Chính nhưng không hề ngăn cản. Ông Chính từng đánh xe đưa cả gia đình Kim Anh đi ăn giỗ một người họ hàng. Chị Loan cũng biết rất rõ mối quan hệ bất chính kéo dài giữa chồng mình với Kim Anh nhưng cũng đã không kiên quyết ngăn chặn trước khi sự việc trở nên quá muộn, quá bi thảm. Phải chăng đó là hậu quả của việc xem nhẹ lối sống, cho rằng đó chỉ là chuyện sinh hoạt cá nhân không phải là phạm trù của đạo đức xã hội.
Vì vậy, vụ án bi thảm này, xét cho đến cùng nó không chỉ đơn thuần là chuyện lối sống, không chỉ đơn thuần là chuyện mối quan hệ giữa chân dài và đại gia như có báo đã đưa ra lời cảnh tỉnh. Đây thực sự là lời cảnh báo không thể xem nhẹ về tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, của đạo đức sinh viên thời kinh tế thị trường năng động nhưng lạnh lùng, quá nhiều tác động tiêu cực của đồng tiền, nhiều cám dỗ và cũng nhiều tệ nạn ./.