• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ cà phê trộn pin: Các đối tượng khai gì tại cơ quan công an?

Thời sự 26/04/2018 21:10

(Tổ Quốc) - Chiều 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo để thông tin về vụ cà phê trộn lẫn pin. Được biết,  tại cơ quan công an, các đối tượng liên quan đã có lời khai ban đầu.

Thể hiện lỗ hổng quản lý

Tại buổi họp báo, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng trong vụ việc này thể hiện lỗ hổng trong công tác quản lý.

Theo ông Lộc, đến thời điểm này, dựa trên kết quả điều tra có thể khẳng định việc mua bán, trộn hỗn hợp từ số lượng đầu ra, đầu vào là khớp nhau.  Số lượng ba tấn cơ sở của Loan sản xuất bán xuống cho Dung, đã đấu trộn hơn 1,8 tấn. Cơ quan điều tra đã thu giữ, phù hợp khối lượng. Số còn lại Dung phi tang bằng cách trộn, đổ ở lô cao su.

Kho nông sản của bà Loan thời điểm bị kiểm tra. Ảnh: Vietnamnet

Ông Lộc cũng cho biết đến thời điểm này khẳng định không có hỗn hợp nào được dùng để sản xuất cà phê.  Ông Ngô Xuân Lộc cũng thông tin, cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố vụ án, VKSND tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp năm đối tượng trong vụ án, còn việc khởi tố bị can thì còn phải có quá trình điều tra.

Lời khai của các đối tượng

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) cho biết, cơ sở thu mua nông sản do Loan làm chủ hoạt động từ năm 2016, có giấy đăng ký kinh doanh thu mua nông sản. Sau đó, sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để tạo ra sản phẩm bán kiếm lời. Quy trình nhuộm đen này do Loan tự nghĩ ra. Bước đầu, Loan khai nhận việc pha chế ra hỗn hợp này để bán cho Lê Thị Hồng Thơ và thuê Trần Văn Tuấn lái xe vận chuyển sản phẩm.

Từ thông tin của đối tượng Loan cung cấp thì đối tượng Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông, làm nghề kinh doanh) và Trần Văn Tuấn (SN 1976, thôn 2, xã Nâm N’Jang) mua hỗn hợp trên để bán lại cho Phan Thị Dung (SN 1962, khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước - Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung), để Dung trộn vào hạt hồ tiêu.

Đối tượng Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, trú xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, chồng bà Loan) khai, mua vỏ cà phê, đất, sỏi đá, pin để nhuộm đen sau đó sấy khô, đóng bao để tại cơ sở. Công suất mỗi mẻ là 2 tấn/lần sấy. Với mỗi tấn sản phẩm sử dụng hết khoảng 1 thùng pin con ó loại 36 cặp, với giá 450 ngàn đồng. Cơ sở bán được 3 tấn sản phẩm với giá 3.000đ/kg. Sản phẩm trên cho Phan Thị Dung để trộn vào hạt hồ tiêu. 

Công nhân làm thuê cho vợ chồng Loan tên Ngô Ngọc Sơn (chưa bị bắt giam) thì khai rằng, làm việc tại cơ sở của Loan được khoảng 1 tháng. Công việc chính là pha trộn hỗn hợp trên sấy khô đóng bao rồi tập kết vào kho. Quy trình nhuộm đen do Bảo hướng dẫn cho Sơn thực hiện. Nguyên liệu dùng để pha trộn được thu mua từ nơi khác về, đóng bao sẵn, pin được mua tại các cửa hàng trên địa bàn. Sơn trực tiếp đi mua 2 lần, với số tiền khoảng 200 ngàn đồng.Từ khi làm cho cơ sở này, Sơn thấy có 1 chuyến xe loại 2,5 tấn chở nguyên liệu là sỏi đá, vỏ cà phê về cơ sở; cơ sở đã xuất bán 1 chuyến sản phẩm hỗn hợp trên, nhưng về khối lượng thì Sơn không rõ.

Đối tượng Lê Thị Hồng Thơ (Giám đốc công ty TNHH một thành viên Tịnh Thơ) khai, ngày 13/1, Dung nhờ Thơ mua hỗn hợp từ cơ sở Loan, Bảo. Thơ sau đó thuê Trần Ngưỡng (tức Trần Văn Tuấn) lái xe BKS 48C-034.36, chở hỗn hợp cơ sở của Loan ở thôn 13 (xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) đến giao cho Dung, tại ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Tiền công được trả 500 ngàn đồng/tấn.

Tuấn còn khai, ngày 10/4, Tuấn tự mua sản phẩm của Loan, Bảo với giá 9.000đ/kg và trực tiếp bán cho Dung là 12.000đ/kg. Tuấn biết rõ Dung mua sản phẩm này nhằm trộn vào hạt hồ tiêu khô để bán ra thị trường.

Làm việc với cơ quan điều tra, Phan Thị Dung khai, thông qua Thơ và Tuấn đã mua hỗn hợp phế phẩm cà phê ngâm pin do Bảo, Loan sản xuất. Sau khi mua, Dung chỉ đạo cho nhóm bốc vác trộn vào hồ tiêu hạt khô với tỷ lệ từ 2-3% để bán. Dung đã bán loại hồ tiêu có chứa tạp chất này theo hợp đồng cho các doanh nghiệp để xuất khẩu.

Tại kho nông sản của Dung ở huyện Lộc Ninh, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ 9 tấn hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp mua từ cơ sở Loan, Bảo đóng trong 360 bao chuẩn bị xuất bán theo hợp đồng cho một công ty.

Ngoài ra, tại rẫy cao su của Dung, cơ quan điều tra thu giữ hỗn hợp được thu mua tại cơ sở của vợ chồng Bảo, Loan trong tình trạng đã pha trộn với vôi, phân lân, phân heo với số lượng là 315 bao tải (khoảng 10,2 tấn) mua ngày 10/4.

Dung khai, sau khi có thông tin cơ sở sản xuất của vợ chồng Loan, Bảo bị phát hiện, nhằm đối phó với cơ quan công an, Dung đã chỉ đạo em chồng là Ba pha trộn, ủ làm phân bón để tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ số sản phẩm này. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thu mẫu các sản phẩm trên gửi Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định.

 Thế Công (t/h)

 

 

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ