• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ hạ độc Navalny: Đối mặt với sức ép lớn từ nội bộ, Đức nói gì về khả năng "giáng đòn mạnh" vào Nga?

Thế giới 04/09/2020 11:40

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với nhiều sức ép trong nội bộ sau khi bà xác nhận thông tin thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị trúng chất kịch độc Novichok.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng sau khi bà công bố thông tin thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng loại chất độc thần kinh được phát triển từ thời Liên Xô.

Cụ thể, hôm 2/9 vừa qua, bà Merkel đã xác nhận thông tin ông Navalny, hiện đang được điều trị trong một bệnh viện ở thủ đô Berlin của Đức, là nạn nhân trong vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Nhà lãnh đạo Đức đã yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích về vụ việc này.

Về phần mình, phía Moskva đã phủ nhận có liên quan đến vụ đầu độc, và Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Đức chưa cung cấp bằng chứng cụ thể.

Nhiều quốc gia phương Tây đã lên án hành động đầu độc ông Navalny, và nhiều chính trị gia Đức đã lên tiếng yêu cầu chính phủ có phản ứng cứng rắn, cụ thể là việc cân nhắc ngừng dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.

"Chúng ta phải theo đối đường lối chính trị cứng rắn, chúng ta phải phản ứng bằng thứ ngôn ngữ duy nhất mà [Tổng thống Nga Vladimir] Putin hiểu được - đó là việc kinh doanh khí đốt", ông Norbert Roettgen, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức, bình luận với đài phát thanh nước này.

"Nếu dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 được hoàn thành ngay lúc này, thì đó sẽ là sự xác nhận và động viên lớn nhất để ông Putin tiếp tục làm chính trị kiểu này", ông Roettgen phát biểu trên truyền hình Đức trước đó. Ông Roettgen là một chính trị gia thuộc phe bảo thủ của Đức.

Dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 được triển khai nhằm tăng gấp đôi dung tích khí đốt của đường ống Dòng chảy Phương Bắc-1, bằng cách dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức. Dự án này đã hoàn thành hơn 90% tiến độ và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2021.

Reuters cho biết, dự án này đã gây chia rẽ Liên minh châu Âu (EU), khi một số quốc gia cảnh báo rằng nó sẽ làm suy yếu Ukraine - quốc gia trung chuyển khí đốt truyền thống - và làm tăng sự phụ thuộc của EU vào Nga về nguồn cung năng lượng.

Trong khi đó, với mong muốn gia tăng các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu, Mỹ cũng phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 và đã trừng phạt một số công ty liên quan.

Theo Reuters, vụ lãnh đạo phe đối lập Nga bị đầu độc được cho là sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc hoàn thiện dự án này.

Vụ hạ độc Navalny: Đối mặt với sức ép lớn từ nội bộ, Đức nói gì về khả năng giáng đòn mạnh vào Nga? - Ảnh 2.

Đức nói rằng thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny đã trúng chất kịch độc Novichok. Ảnh: AP

Tuần trước, Thủ tướng Merkel từng tuyên bố rằng vụ việc của ông Navalny nên tách bạch với dự án Dòng chảy Phương Bắc-2. Bà Merkel cùng nhiều nghị sĩ trong đảng của bà vẫn muốn dự án này được hoàn thành.

Tuy nhiên, theo ông Wolfgang Ischinger, chủ tịch Hội nghị An ninh Munich và là cựu đại sứ Đức tại Mỹ, cho rằng: "Nếu [Đức] muốn gửi thông điệp rõ ràng đến Moksva và những đối tác của mình, thì các mối quan hệ kinh tế cần nằm trong những đề tài thảo luận, do đó dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 cũng không phải là ngoại lệ".

Liên quan đến vấn đề trừng phạt Nga về vụ việc của ông Navalny, hôm 3/9 vừa qua, Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã bình luận với báo giới rằng điều này sẽ phụ thuộc vào "cách Nga hành xử".

Tổng thống Belarus "bênh vực" Nga và phản ứng của Đức

Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 3/9 đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đích thân lên tiếng bênh vực Nga trong vụ thủ lĩnh đối lập Navalny bị đầu độc.

Cụ thể, ông Lukashenko khẳng định rằng "Navalny chưa bao giờ bị đầu độc", và tuyên bố của Thủ tướng Đức Merkel về việc Navalny trúng chất kịch độc Novichok "là một sự thêu dệt", nhằm ngăn cản Tổng thống Putin tham gia vào các vấn đề của Belarus.

Nhà lãnh đạo Belarus cho biết, ông biết tuyên bố đó là "thêu dệt" thông qua "một cuộc trao đổi giữa Warsaw và Berlin trước thông cáo của [Thủ tướng Đức Angela] Merkel" bị cơ quan tình báo Belarus chặn nghe. Ông đã hứa sẽ cung cấp các đoạn ghi âm này cho giới chức Nga.

Phản ứng trước tuyên bố trên của ông Lukashenko, Nội các Đức đã nói rằng lời nói của nhà lãnh đạo này "không đúng với sự thật".

Phía Berlin cũng cho biết họ "không có gì để bổ sung" vào tuyên bố công khai trước đó của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Annegreta Kramp về vụ hạ độc Navalny.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ