• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi: Có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác

Thời sự 07/03/2018 21:27

(Tổ Quốc) - Khi biết được con mình bị cô giáo bắt quỳ thì phụ huynh nên trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường để tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng. Nếu nhận thấy hành vi của giáo viên xúc phạm con mình, phụ huynh cần thu thập chứng cứ để nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng xử lý tùy theo tính chất sự việc…

Thời gian qua, trên báo chí cũng như mạng xã hội liên tục đưa tin về sự việc một cô giáo tại trường tiểu học Bình Chánh, Long An bị phụ huynh học sinh ép buộc phải quỳ xin lỗi vì trước đó giáo viên có xử phạt học sinh. Đánh giá dưới góc độ pháp lý và đạo lý sự việc này trên cương vị luật sư, đây là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội cũng như cho chúng ta nhiều góc nhìn cần suy ngẫm để xử lý vụ việc một cách khôn khéo và đúng quy định pháp luật.

Ngôi trường, nơi cô giáo N. đang công tác - Ảnh: internet

Theo chia sẻ của luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn,hành vi cô giáo bắt học sinh quỳ gối trong việc xử lý kỷ luật là không phù hợp với quy định ngành về quy tắc ứng xử giữa giáo viên với học sinh; bên cạnh đó hành vi này cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên sau khi cô giáo đã nhận sai, phụ huynh vẫn bắt buộc cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi thì mới bỏ qua thì cách ứng xử này chưa phù hợp với đạo lý tôn sư trọng đạo, không đúng quy định pháp luật cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, nhận thức của con họ. Các hành vi này đều có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác. Dưới góc độ pháp lý thì tùy theo tính chất, mức độ mà cơ quan chức năng thẩm quyền có thể xem xét, xử lý, xử phạt hành chính đối với hành vi này.

Luật sư Phạm Hoài Nam

Vì vậy, khi biết được con mình bị cô giáo bắt quỳ thì phụ huynh nên trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường để tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng. Nếu nhận thấy hành vi của giáo viên xúc phạm con mình, phụ huynh cần thu thập chứng cứ để nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng xử lý tùy theo tính chất sự việc.

Mặt khác, đánh giá sâu hơn theo góc độ xã hội thì vấn đề giáo dục trong công tác giảng dạy, xử lý vi phạm đối với học sinh còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn xã hội phát triển hiện nay. Ngành giáo dục cần phải xem xét, chấn chỉnh đội ngũ giáo viên, điều chỉnh bộ quy tắc ứng xử rõ ràng hơn, phù hợp hơn để giúp cho mọi người có được sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn đối với nghề nhà giáo trong xã hội hiện nay; bên cạnh đó là tăng cường công tác bồi dưỡng, trao đổi về phương pháp, kinh nghiệm thực tiễn để có cách ứng xử chuẩn mực trong quá trình dạy dỗ học sinh nói chung và xử lý kỷ luật học sinh nói riêng. Đồng thời, ngành giáo dục cần có những sự quan tâm, hỗ trợ nhà trường, giáo viên trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa giáo viên với phụ huynh trong việc giáo dục con em mình. Ngoài ra, phụ huynh học sinh nên có sự bình tĩnh, ứng xử và phối hợp khôn khéo với nhà trường, thầy cô giáo trong việc xử lý các hành vi của con em mình trong quá trình học tập một cách khách quan, đúng quy định pháp luật; tránh trường hợp vì quá thương con mà có những cách ứng xử quá đáng, không đúng chuẩn mực, có những dấu hiệu vi phạm pháp luật như sự việc xảy ra tại trường tiểu học Bình Chánh, Long An.

 

Cao Tùng - Luật sư Phạm Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ