• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vùng cao Quảng Nam sẵn sàng đón năm học mới

Thực hiện: Hương An | 04/09/2023

(Tổ Quốc) - Công tác chuẩn bị cho năm học 2023-2024 tại các trường học vùng cao của tỉnh Quảng Nam đã hoàn tất, sẵn sàng cùng thầy cô giáo và học sinh cả nước bước vào ngày khai trường.

Huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã đầu tư 45,3 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 71 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy và học hơn 5,6 tỷ đồng; hỗ trợ mua sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 cho các trường với hơn 300 triệu đồng. Trang thiết bị dạy học và sách giáo khoa đã được cấp phát đến tất cả các điểm trường để chào đón năm học mới.

Cơ sở vật chất khang trang

Năm nay, thầy trò Trường THPT Kim Đồng (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) phấn khởi đón năm học mới ở ngôi trường khang trang, hiện đại. Các lớp học không những rộng rãi, mà còn có thêm các phòng chức năng, phòng máy tính, sân bóng, đảm bảo điều kiện học tập và vui chơi tốt cho các em.

Thầy Nguyễn Tấn Nguyên - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Đồng cho biết, trường cũ đã xuống cấp, không an toàn cho các em, nhất là mùa mưa bão. Vì vậy, trường được đầu tư cơ sở mới, kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024.

Trường THPT Kim Đồng đón 330 học sinh, trong đó 30% học sinh là đồng bào Cơ Tu. "Để vận động các em đi học đông đủ, ngoài vai trò của nhà trường, chính quyền xã, các hội, đoàn thể đã đến từng nhà vận động. Đến nay, sỉ số cơ bản đảm bảo, 99% học sinh đến trường trong ngày đầu nhận lớp", thầy Nguyên chia sẻ.

Vùng cao Quảng Nam sẵn sàng đón năm học mới  - Ảnh 1.

Các em học sinh được học trong những ngôi trường khang trang; lớp học rộng rãi và được đầu tư thêm các thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Vùng cao Quảng Nam sẵn sàng đón năm học mới  - Ảnh 2.

Theo thầy Trần Tấn Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Kôn (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng, chỉ chờ ngày khai giảng 5/9.

Trường Tiểu học Sông Kôn có tổng cộng 17 lớp học, 359 học sinh; trong đó 333 học sinh là con em đồng bào dân tộc (chiếm 95%), giáo viên đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm khoảng 50%.

Huyện Đông Giang là địa bàn miền núi, đa số con em là đồng bào dân tộc nên được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Năm nay, toàn bộ sách giáo khoa đều được mượn học, đảm bảo 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa.

Ngoài ra, với Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026, học sinh được đảm bảo đầy đủ điều kiện học tập. Dù nhà trường không tổ chức bán trú nhưng các em đều nhận được khoản chi phí hỗ trợ để trang trải sinh hoạt hằng ngày.

Cũng theo thầy Viên, để các em không phải vất vả đi lại, trường xây dựng trải dài thành 4 điểm trường: một điểm chính và 3 điểm lẻ tại thôn Bho Hoong (5 lớp), điểm K8 (4 lớp) và điểm K9 (4 lớp). Vì vậy, các em đi học gần nhà hơn, tỷ lệ bán trú rất ít. Các em cũng có thể ở nhà bà con, người thân và được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Những năm trở lại đây, không có học sinh bỏ học, tỷ lệ đi học đầu năm nay đạt 100%.

Thầy Viên nói: "Trường đã được huyện đầu tư 1 tỷ đồng để sữa chữa, nâng cấp. Định hướng lâu dài, huyện sẽ xây dựng 12 phòng học mới. Sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước tiếp sức thêm sức mạnh cho hành trình đi tìm con chữ của những học sinh vùng cao".

Vùng cao Quảng Nam sẵn sàng đón năm học mới  - Ảnh 3.

Các lớp học không những rộng rãi, mà còn có thêm các phòng chức năng, phòng máy tính, sân bóng, đảm bảo điều kiện học tập và vui chơi tốt cho các em.

Tìm giải pháp căn cơ về nguồn nhân lực

Theo ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, trên đia bàn huyện hiện có tổng 26 trường trực thuộc với hơn 6.842 học sinh/75 điểm trường các cấp, trong đó hơn 5.590 học sinh là đồng bào dân tộc.

Ngành giáo dục huyện đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, xóa bỏ hoàn toàn trường tạm, bê-tông hóa tất cả các trường. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia luôn được chú trọng, hiện có 9 trường đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ 34,61%.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục huyện tiếp tục chú trọng triển khai Đề án xây dựng và phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia, kế hoạch về xây dựng trường học hạnh phúc, nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên.

Ông Tùng cũng cho hay, trên địa bàn huyện có đa phần là học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu, tỷ lệ ra lớp ngày càng nâng cao nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác phổ cập xóa mù chữ. Mặc dù các thầy cô giáo, đoàn thể nhà trường đã nỗ lực vận động nhưng còn một vài trường hợp không đến lớp, nguyên nhân do ý thức hay gia đình không quan tâm, tình trạng bố mẹ ly hôn…

Đặc biệt, huyện đang thiếu khoảng 90 giáo viên. Dù tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thi tuyển giáo viên, nhưng một số thầy cô từ chối nhận công tác vì điều kiện đi lại quá xa, đó là chưa kể mỗi năm có 10-15 giáo viên chuyển công tác.

Ngành giáo dục huyện đang tính toán, tìm giải pháp căn cơ hơn trong cơ chế chuyển vùng và cơ chế tuyển đầu vào, suy nghĩ hướng lâu dài làm sao để đào tạo được chính nguồn nhân lực bản địa.

"Về lâu dài, chúng tôi mong muốn Trung ương tiếp tục nghiên cứu nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên vùng sâu vùng xa để các thầy cô có thể gắn bó lâu dài với huyện miền núi. Đồng thời, nâng chuẩn đào tạo đối với giáo viên, xét những giáo viên giỏi vào diện quy hoạch làm quản lý để tạo động lực phấn đấu", ông Tùng nói.

"Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện khá cao với hơn 45%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng còn khá cao. Vì vậy, cần có chính sách cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu cho các trường", ông Tùng đề xuất.

Vùng cao Quảng Nam sẵn sàng đón năm học mới  - Ảnh 4.

Cô giáo chăm chút cho các em trong ngày đầu đến trường.

Học sinh đầu cấp háo hức và bỡ ngỡ đến trường

Với các em học sinh đầu cấp, những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 đánh dấu bao niềm háo hức và cả sự bỡ ngỡ khi làm quen với trường mới, bạn bè và thầy cô mới.

Em Đinh Thị Ngọc Tuyết (người Cơ Tu, thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang) được xếp vào lớp 6/3 Trường THPT Kim Đồng. Sau những ngày hè giúp ba mẹ làm nương rẫy, em đến trường nhận lớp và rất thích khi được học trong ngôi trường mới, rộng và đẹp, lại có nhiều cây xanh.

Tại điểm trường thôn Bho Hoong (thuộc Trường Tiểu học Sông Kôn), cô Đinh Thị Hoa (32 tuổi, người Cơ Tu) - chủ nhiệm lớp 1 với 18 học sinh cho biết: "Việc nhận chủ nhiệm lớp 1 luôn có nhiều khó khăn vì các em vừa chuyển từ lứa tuổi mầm non sang lứa tuổi tiểu học, không những trường mới, lớp mới, bạn bè mới, mà còn có vấn đề về ngôn ngữ.

Các em đồng bào Cơ Tu thường chỉ nói tiếng mẹ đẻ, chưa nói tiếng phổ thông nhiều. Ban đầu, việc tiếp thu của các em lớp 1 còn hạn chế. Sau hơn 1 tháng, các em mới bắt đầu làm quen dần với nền nếp và chương trình học".

Cô Hoa cũng cho hay, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Sông Kôn thường phân công giáo viên chủ nhiệm là người đồng bào để gần gũi, làm cầu nối giúp các em học sinh đầu cấp hiểu, làm quen dần với những con số, con chữ, cách phát âm…. Thời gian đầu, các em chưa hiểu thì các thầy cô sử dụng tiếng đồng bào Cơ Tu để các em dễ hiểu bài hơn.

NỔI BẬT TRANG CHỦ