(Tổ Quốc)- Nghịch lý này vẫn tiếp tục xảy ra tại các trường ở huyện Tây Giang, Quảng Nam khi một số xã vùng cao của tỉnh này đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hàng trăm học sinh lại muốn nghỉ học.
Làm sao để giải bài toán khó khăn giữa phát triển với giáo dục khi một số xã vùng cao tỉnh Quảng Nam vừa đạt chuẩn nông thôn mới và hàng trăm học sinh ở các trường học trong tỉnh này đang có ý định nghỉ học vì bị cắt chính sách hỗ trợ dành cho học sinh nông thôn nghèo.
Hiện tượng này đang diễn ra tại một số xã vùng cao tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn nông thôn mới vừa qua như xã A Nông, xã Lăng, xã Bha Lêê.
Nhiều trường đã phải vận động người dân chung tay đóng góp để "giữ chân" học sinh (ảnh: cand)
Theo tiêu chuẩn của các em học sinh theo học tại các trường ở xã nghèo vùng cao, khi xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, các em được hỗ trợ gạo và tiền ăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP dành cho các học sinh ở các xã nghèo với số tiền 520 nghìn đồng và 15kg gạo mỗi tháng, khi xã "thoát nghèo", các em không được nhận phần hỗ trợ này của Nhà nước nữa.
Thế nhưng từ năm học 2015-2016, khi một số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì những học sinh này bị cắt hết chế độ, đồng nghĩa với việc các gia đình có con em đang học phổ thông sẽ phải đóng thêm một khoản chi phí tiền học và ăn cho các em.
Đối với các tỉnh vùng cao, trong khi các thầy cô giáo và nhà trường vẫn phải đến từng nhà để vận động các em đi học thì với những yêu cầu, điều kiện để hỗ trợ cho các em học sinh khi xã lên chuẩn nông thôn mới sẽ cắt giảm những khoản hỗ trợ tiền ăn, gạo... của các em, gia đình các em sẽ phải lo thêm một khoản tiền nữa cho con mình, dẫn đến các học sinh có ý định bỏ học giữa chừng.
Trước thực tế này, Hiệu trưởng một trường THCS ở Quảng Nam cho biết, "Nếu không có hỗ trợ gạo cơm, thực phẩm thì gia đình các em không thể đảm đương, việc bỏ học là tất yếu". Từ đầu năm học tới nay, sau khi trường công bố chế độ cắt giảm hỗ trợ đã có gần 50 học sinh trong trường bỏ học do gia đình quá nghèo không đủ điều kiện chu cấp cho các em.
Hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng ở tỉnh Quảng Nam cũng không phải là mới, nhiều năm trước đây tỉnh cũng phải đối diện với việc học sinh bỏ học giữa chừng do gia đình quá nghèo, nhiều học sinh phải bỏ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập, cũng là để gia đình không phải trả tiền lo ăn học cho con. Với những chính sách hiện tại, nếu không có chính sách hay phương án cụ thể để giải quyết tình trạng này thì e rằng sẽ khó ngăn được việc học sinh ở tỉnh Quảng Nam bỏ học giữa chừng vì chi phí học.
Bình luận