• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xâm phạm bản quyền - những vấn đề chưa có hồi kết

Thể thao 24/09/2018 07:28

(Tổ Quốc) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng Internet thì những tội phạm kỹ thuật và những vi phạm trên môi trường mạng diễn ra với mức độ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, những hành vi vi phạm cũng khiến các chủ thể quyền đau đầu và tiêu tốn nhiều tiền bạc, công sức để ngăn chặn.

Vi phạm bản quyền diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực

Trong thời đại công nghệ số, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin thì tội phạm công nghệ cũng phát triển tương ứng. Trên môi trường số, mức độ vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc nghiên cứu, xem xét các giải pháp ngăn chặn, hạn chế vi phạm là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Lâu nay, tin tức trên báo chí, chương trình thể thao, âm nhạc, phim ảnh… có thể nói bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền.

Số liệu thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình Việt Nam với 64 Đài Truyền hình và Đài PT-TH tỉnh thành; Đài VTC; các kênh Truyền hình VOV, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình An ninh, Truyền hình Quân đội… cùng nhiều chương trình truyền hình của các cơ quan báo chí, thông tấn cho thấy, hầu hết các kênh truyền hình đều thực hiện truyền sóng trên mạng Internet. Và cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, bản quyền phát sóng trên Internet cũng bị vi phạm trầm trọng.

Bản quyền các chương trình truyền hình bị vi phạm nghiêm trọng (ảnh VTV)

Xu hướng xem các chương trình truyền hình trên mạng Internet ngày càng tăng, đặc biệt đối với các chương trình thể thao, giải trí, âm nhạc, phim ảnh thu hút một lượng khán giả rất đông (như các giải đấu thể thao, những bộ phim hot…) và đây cũng là những chương trình, những lĩnh vực bị ăn cắp bản quyền nhiều nhất.

Qua số liệu của Global web Index, xu hướng xem thể thao trên Internet trên thế giới ngày càng tăng, ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội để xem các sự kiện thể thao với tỉ lệ tăng từ 27% (2016) lên 29% (2017) và 32% (2018); Trong đó, riêng giải ngoại hạng Anh, tại Việt Nam có 35% xem trên tivi, 26% xem trên Internet. Thế nhưng chỉ riêng Đài VTV bản quyền chương trình đã bị vi phạm khá nghiêm trọng, nhiều chương trình của VTV bị sử dụng một cách tùy tiện, không xin phép, không thỏa thuận, không trả tiền bản quyền… thậm chí một số kênh truyền hình khi tiếp phát sóng chương trình của VTV còn tự ý chèn nội dung quảng cáo, nội dung riêng vào. Hậu quả là VTVCab đã phải ngừng phát sóng đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm bản quyền chương trình phát sóng hai giải UEFA Champion League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) sau 2 mùa giải liên tiếp phát sóng (2015-2016 & 2016-2017) tại Việt Nam.

Hay ngay trong mùa Wold Cup 2018 vừa qua, ngày 18/6 VTV đã phải gửi công văn “kêu cứu” Bộ Thông tin, Truyền thông vì bị vi phạm bản quyền quá nhiều, khi ngay trong 3 ngày đầu phát sóng (14-16/6) tình trạng vi phạm bản quyền được đánh giá là rất nghiêm trọng, nhiều website, facebook, youtube… đã ngang nhiên livestream các trận đấu với hơn 700 trường hợp vi phạm.

Tình trạng vi phạm bản quyền cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác, ở Hàn Quốc, Đài SBS cũng xảy ra tình trạng tương tự, những nội dung chương trình càng thích hợp với các trang thiết bị đầu ra thì mức độ vi phạm càng cao. Quá trình chia sẻ hay sử dụng những chương trình vi phạm bản quyền xảy ra đối với cả chương trình hay chỉ một phần của chương trình, và đối tượng vi phạm bao gồm cả các cá nhân lẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, trong các nguyên nhân vi phạm thì có nguyên nhân lớn nhất được xác định là do chi phí những chương trình hợp pháp tăng cao (33,3%) khiến các đối tượng tìm cách sử dụng chương trình bất hợp pháp. Tin vui là, theo Trưởng bộ phận kinh doanh trong nước của SBS Contents Hub Lee Dogoo, nhờ những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền mà số vụ vi phạm có xu hướng giảm xuống, quy mô thị trường phân phối bất hợp pháp giảm từ 2,38 tỉ năm 2016 xuống còn 2,08 tỉ năm 2017, trong đó âm nhạc giảm 14,8%, phim ảnh giảm 11%, phát thanh truyền hình giảm 8,8%, xuất bản tăng 6,8% và game giảm 10,8% (nguồn: báo cáo thường niên về bảo vệ bản quyền); Và thị trường tái sinh tất cả các sản phẩm (ngoại trừ âm nhạc) đều giảm giá trị.  

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền chương trình phát sóng

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để hạn chế vi phạm

Nhìn nhận vấn đề vi phạm bản quyền phát sóng diễn ra trên môi trường mạng, trên mọi quốc gia, là vấn đề mang tính toàn cầu, việc phát hiện vi phạm ngày càng khó bởi các đối tượng ngày càng tinh vi, tốc độ vi phạm ngày càng nhanh và thiệt hại gây ra ngày càng lớn.

Đối mặt với thực trạng này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả xã hội và phải có những giải pháp đồng bộ để hạn chế vi phạm, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật đến sự vào cuộc của truyền thông… đảm bảo hệ thống thực thi pháp luật ở mức độ cao, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội.

Cục Bản quyền tác giả trong lộ trình hội nhập sẽ tiếp tục lên tiếng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Sở hữu trí tuệ, trong lộ trình đề xuất sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Cục sẽ đề xuất dự thảo sửa đổi theo hướng xây dựng luật bản quyền tác giả độc lập, phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng giống như một số quốc gia khác, đề xuất xây dựng luật bản quyền tác giả riêng.

Để thúc đẩy việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong thời gian tới, đặc biệt với chương trình bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng, có nhiều giải pháp. Đối với Việt Nam, đưa ra các giải pháp để phù hợp trong và hiệu quả trong từng bước đi, theo đúng lộ trình của mình. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa của các chủ thể quyền, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền phát sóng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình và khi xảy ra vi phạm thì phải nắm rõ và tiến hành các trình tự bảo hộ, chuyển hồ sơ tới các cơ quan bảo vệ bản quyền để làm sao bảo vệ được tài sản của mình.

Ông Bùi Nguyên Hùng cũng cho biết, mặc dù chúng ta có hệ thống pháp luật từ Luật SHTT, hệ thống các văn bản luật, văn bản dưới luật, các luật chuyên ngành… tuy nhiên cần phải nhìn nhận một thực tế là vi phạm xảy ra hàng ngày, hàng giờ nên nếu không thúc đẩy các biện pháp ứng dụng KHKT, CNTT, giải pháp thông minh, sử dụng các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ… như kinh nghiệm của một số doanh nghiệp thì các doanh nghiệp chủ thể quyền sẽ không kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Vì vậy cần thiết phải đầu tư vào hệ thống trang thiết bị, máy móc và phần mềm phát hiên vi phạm.

Một đề xuất nữa từ phía Cục Bản quyền tác giả là cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi, phối hợp giữa các cơ quan thật chặt chẽ. Cùng với hoàn thiện thể chế, đưa ra các giải pháp khắc phục để thời gian tới, quyền của các tổ chức phát sóng sẽ được bảo vệ tốt hơn, hiệu quả trong thực tiễn thực thi thì cần đẩy mạnh truyền thông, sự vào cuộc của các cơ quan từ trung ương tới địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực và đẩy mạnh sự hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả và quyền liên quan.

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ