• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh

Giáo dục 05/11/2019 13:25

(Tổ Quốc) - Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời trong không khí hân hoan, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử vĩ đại, là dấu mốc quan trọng, sáng ngời trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Công an Nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Công an nhân dân có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng tư tưởng - chính trị đúng đắn về công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có nét đặc trưng nổi bật là lấy chính trị làm gốc, gắn sức mạnh của lực lượng vũ trang với sức mạnh của quần chúng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người coi chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị là yếu tố quan trọng đầu tiên, là nền tảng cơ bản, cốt lõi, yếu tố quyết định sự trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng vũ trang (Công an nhân dân và Dân quân tự vệ). Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị cũng là quan điểm lãnh đạo của Đảng ta trong quá trình tổ chức, giáo dục, rèn luyện các lực lượng công an nhân dân.

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng, Công an nhân dân Việt Nam luôn được Bác Hồ dành sự quan tâm đặc biệt. Ngày 11/3/1948 trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, Bác Hồ đã căn dặn về tư cách người công an cách mạng. Đối với tự mình phải : Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Đối với đồng sự phải : Thân Ái Giúp Đỡ ;Đối với Chính phủ phải : Tuyệt Đối Trung Thành ;Đối với nhân dân phải : Kính Trọng Lễ Phép ;Đối với công việc phải : Tận Tụy ;Đối với địch phải : Cương Quyết, Khôn Khéo".

Trong tư tưởng của Người về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Bác luôn quan tâm xây dựng vững mạnh về chính trị, lập trường giai cấp vững vàng: "Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Công an nhân dân vũ trang, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới. Nhất định phải như thế" Người nhấn mạnh: trong mọi điều kiện hoàn cảnh, Công an nhân dân phải luôn là "một thứ vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản", người cán bộ công an phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa xã hội, trung thành với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, với lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc: "cán bộ công an càng phải nâng cao chí khí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác. Do đó, Bác căn dặn mỗi cán bộ, chiến sĩ công an: "Phải cố gắng học tập chính trị, học tập nghiệp vụ, học tập văn hoá và thời sự" (Người yêu cầu "học tập chính trị" lên trước tiên).

Dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, lực lượng vũ trang nhân dân được xây dựng ngày càng trưởng thành, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt chú ý "Xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" ("cách mạng" - tính chính trị được Đảng xác định là yêu cầu, mục tiêu đầu tiên).

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân thân thiện trên đường phố thủ đô Hà Nội

Chính bởi luôn được Đảng, Bác Hồ quan tâm, chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân với vai trò là nòng cốt, cùng toàn Đảng, toàn dân kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước.

Giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đặt ra những yêu cầu và nội dung mới. Đất nước có những bước phát triển mới nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là tình trạng suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ tham nhũng, quan liêu, các vấn đề an ninh phi truyền thống... Bên ngoài, xuất hiện các vấn đề thách thức đối với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không từ bỏ các hoạt động chống phá cách mạng nước ta, bằng chiến lược "diễn biến hòa bình" kết hợp với bạo loạn lật đổ; chúng thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang, nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân, xóa nhòa bản chất giai cấp, làm biến chất chính trị của lực lượng, Công an nhân dân.

Trong bối cảnh tình hình đó, để xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân, tập thể cần phải tự mình làm tốt:

Một là, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong Công an nhân dân.

Lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị thể hiện trước hết phải luôn là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì chủ nghĩa xã hội. Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với Công an nhân dân, vấn đề cơ bản hiện nay là phải thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng trong Công an nhân dân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cấp ủy viên các cấp cả về phẩm chất và năng lực, theo hướng trẻ hóa, chuyên môn hóa, bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ.

Hai là, coi trọng, đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, Công an nhân dân.

Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu và nhận thức đúng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình mới… Từ đó, xây dựng niềm tin vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Xây dựng, bồi dưỡng văn hóa chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ, không dao động trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ CAND "Thường xuyên học tập chính trị, học tập nghiệp vụ, học tập văn hoá và thời sự", thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác dạy CAND, luôn lấy 6 điều Bác Hồ dạy CAND là cẩm nang, là xương sống cho mọi hoạt động của bản thân và tổ chức Đảng của mình. Chúng ta cần xác định rõ, coi trọng, đề cao đúng mức công tác giáo dục, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Đây phải được coi là yêu cầu đặc biệt quan trọng, hàng đầu trong công tác đào tạo cán bộ Công an nhân dân. Do đó, bên cạnh việc củng cố, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách làm công tác chính trị trong Công an nhân dân, cần phải quan tâm đầu tư, phát triển các cơ sở chuyên trách công tác đào tạo lý luận chính trị trong công an; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong các trường của Công an nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ lý luận chính trị đối với từng chức danh, vị trí công tác của cán bộ, chiến sỹ, Công an; tăng chỉ tiêu, mở rộng, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong lực lượng Công an nhân dân.

Ba là, kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đòi "phi chính trị hóa" làm suy yếu, mất sức chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

Để đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đòi "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang nhân dân có hiệu quả, cần đổi mới, nâng hiệu quả công tác tư tưởng; chú trọng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lý luận, cán bộ chính trị trong Công an nhân dân, có đủ phẩm chất và năng lực, nhạy bén, sắc sảo trong đấu tranh. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, sớm kết luận những vấn đề mới và bức xúc từ thực tiễn đấu tranh với âm mưu, đặc biệt với tình hình và nhiệm vụ thực tiễn hiện nay cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ. Hoạt động đòi "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng Công an nói riêng.

Đề cao sự thống nhất với quan điểm, đường lối của Đảng, sự đồng thuận trong Công an đặc biệt là sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.

Thượng tá Bùi Văn Quang - Học viện Cảnh sát nhân dân

NỔI BẬT TRANG CHỦ