• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Thực hiện: Bảo Trân | 11/03/2024

(Tổ Quốc) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Ngay sau khi được ban hành, Chỉ thị này đã nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá cao của đông đảo người dân, chuyên gia, nhà khoa học.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu - Ảnh 1.

Hình minh họa

Bước tiến mới có tính đột phá

GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự nghiệp phát triển văn hóa Thủ đô, trong đó có công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành sự quan tâm liên tục và mạnh mẽ. 

Chỉ thị 30 là một bước tiến mới, có tính đột phá trong cuộc vận động xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch, bởi đây là lần đầu tiên có một sự chỉ đạo nhất quán, toàn diện ở cấp cao nhất của lãnh đạo Thành phố, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đối với việc xây dựng cho được đời sống văn minh đô thị. 

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, hệ thống 9 nhiệm vụ và giải pháp cho thấy rằng toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng làng xã, phường, khối phố... phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản, kiên trì và có hiệu quả.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Tung, nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải thừa nhận rằng đời sống đô thị và lối sống của người dân Hà Nội đang còn nhiều bất cập. Vì vậy Chỉ thị 30 đã nhấn mạnh và chỉ ra rất rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nêu gương, trách nhiệm hướng dẫn của các cá nhân, các cơ quan và các cấp trong việc ban hành, thực hiện các biện pháp và quy định về xây dựng lối sống đô thị văn minh, con người thanh lịch. 

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo đúng tinh thần của Chỉ thị, GS.TS Phạm Hồng Tung cho rằng, đầu tiên phải tiếp tục nghiên cứu thế nào là “người Hà Nội thanh lịch”. Không thể nói chung chung, trừu tượng.

Có những lối ứng xử trước đây được cho là “thanh lịch”, nay đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa. Có những thói quen như ngồi xổm, nói chuyện to, hỏi những câu “thân mật, riêng tư” nhưng nay, trong thời đại hội nhập, lại không còn thích hợp...

Hay với những lối ứng xử du nhập từ bên ngoài vào, cái nào phù hợp, cái nào không, cái nào là “lệch chuẩn”, cái nào là văn minh, hiện đại... thì cần phải có những nghiên cứu thận trọng rồi mới tuyên truyền, vận động được.

GS.TS Phạm Hồng Tung cho rằng, cần sự vào cuộc kiên trì của toàn dân, tránh vận động kiểu “đánh trống bỏ dùi”.  Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, những người lớn tuổi trong gia đình buộc phải cam kết thực hiện và nêu gương về lối sống văn minh, thanh lịch.

Người đứng đầu phải làm gương 

Theo quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến, việc ban hành Chỉ thị 30 cho thấy sự quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố con người. 

Theo ông Trương Minh Tiến, từ lâu nay, thành phố Hà Nội luôn tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa, coi văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc thành phố ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử.

Đến nay, thành phố đã có rất nhiều việc làm, hành động, giải pháp hữu hiệu để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều đó thể hiện rất rõ ở những đổi thay trong văn hóa công sở, văn hóa gia đình, văn hóa nơi công cộng... 

Đã có rất nhiều mô hình “gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Nhà trường văn hóa”... được xây dựng thành công, góp phần rất lớn để tạo dựng một xã hội văn minh, hiện đại, con người thanh lịch, giàu văn hóa và nhân ái. Có thể thấy, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được thể hiện trong nhiều mặt của đời sống.

Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự gương mẫu của người đứng đầu, đặc biệt là sự gương mẫu của các cán bộ, đảng viên trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi công cộng. 

"Tôi cho rằng, đây chính là cốt lõi để tạo được sự lan tỏa trong xã hội, xây dựng được các phong trào tốt từ cơ sở, từ đó mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh một cách hiệu quả, bền vững" - ông Trương Minh Tiến nêu quan điểm./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ