• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xem lại quy trình tiêm phòng vaccine để tránh gây chết oan cho trẻ

Thời sự 24/07/2013 14:29

3 trẻ bị tử vong do tiêm vaccine viêm gan B tại Quảng Trị vừa xảy ra đang được điều tra nguyên nhân thì sau đó một ngày, 21.7, lại thêm một trường hợp khác ở Bình Thuận cũng bị tử vong do loại vaccine này. Thông tin trên một lần nữa khiến người dân rất hoang mang vì đây là loại vaccine bắt buộc tiêm phòng.

3 trẻ bị tử vong do tiêm vaccine viêm gan B tại Quảng Trị vừa xảy ra đang được điều tra nguyên nhân thì sau đó một ngày, 21.7, lại thêm một trường hợp khác ở Bình Thuận cũng bị tử vong do loại vaccine này. Thông tin trên một lần nữa khiến người dân rất hoang mang vì đây là loại vaccine bắt buộc tiêm phòng.

Tại nhiều BV ở TPHCM, nhiều phụ huynh có con nhỏ không dám cho tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng, mà chọn giải pháp chờ đến 2 tháng để được tiêm dịch vụ… cho yên tâm.



Cân nhắc thời điểm tiêm




Tại BV Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi Đồng 1, 2, việc tiêm ngừa vaccine viêm gan B vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vừa có con chào đời hoặc đến lịch tiêm phòng nhắc lại tỏ ra lo lắng trước thông tin trẻ tử vong sau tiêm đối với vaccine viêm gan B.
 

TS Nguyễn Duy Ánh - BV Phụ sản HN - cho biết: BV vẫn tiếp tục tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h bởi lô vaccine mà BV đang sử dụng khác với lô đang sử dụng ở Quảng Trị. Tuy nhiên, BV tăng cường việc đảm bảo đúng quy trình và luôn có bộ chống sốc bên cạnh. Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến - kiêm Giám đốc BV Phụ sản T.Ư - cho hay: Tại BV đã tạm dừng tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24h sau sinh.

Anh Trần Thanh Hải, vừa có đứa con chào đời, nhất quyết năn nỉ xin bác sĩ tiêm vaccine dịch vụ thay vì vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. “Tôi đọc báo thấy thông tin trẻ không nhất thiết phải tiêm phòng trong 24 giờ đầu nên đề nghị bác sĩ ngừng tiêm. Có BS đã khuyên nên tiêm thì tốt cho trẻ hơn nên tôi chọn vaccine dịch vụ dù phải đóng nhiều tiền”.



Tại BV Hùng Vương, Nhi Đồng 2, có phụ huynh còn đề nghị BS ngừng tiêm phòng và để chờ trẻ đủ hai tháng tuổi tiêm vaccine dịch vụ loại 6 trong 1.



Thời điểm 2007 - 2008, các chuyên gia đều cho rằng, ở VN, có khoảng 10% số bà mẹ bị viêm gan B thì trong quá trình sinh nở, virus dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ nên phải tiêm sớm, khi tiêm muộn thì giá trị bảo vệ trẻ kém đi. Hiện tại, WHO vẫn khuyến cáo việc tiêm trong vòng 24h sau sinh, vì sức khỏe chung của cộng đồng.



Tuy nhiên, trước sự việc xảy ra với 3 cháu bé ở Quảng Trị và 1 cháu ở Bình Thuận, lãnh đạo bộ sẽ chỉ đạo Hội đồng chuyên môn sử dụng vaccine họp và cân nhắc việc tiêm cho hợp lý.



Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình: Ở những bà mẹ bị viêm gan B thì việc tiêm phòng trong vòng 24h là cần thiết, thậm chí càng sớm càng tốt trong khoảng thời gian này. Nếu bà mẹ không nhiễm virus viêm gan B thì có thể lùi lại việc tiêm cho trẻ chậm hơn, khoảng thời gian 2 - 3 tháng tuổi.



Lỗ hổng quy trình

Sau khi tai biến do tiêm viêm gan B xảy ra ở Quảng Trị, TT Y tế huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã kiểm tra, siết chặt lại quy trình bảo quản vaccine viêm gan B. Ảnh: Dương Ngọc


Vụ 4 trẻ chưa tròn một ngày tuổi tử vong mới đây sau khi tiêm vaccine viêm gan B đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cho trẻ sau tiêm chủng. Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - nếu có trường hợp tai biến sau tiêm vaccine thì phải xét đến các khía cạnh: Chất lượng vaccine; quy trình bảo quản, quy trình tiêm phòng; sức khoẻ của người được tiêm. Dưới góc độ chất lượng vaccine thì khó có thể biết được bằng cảm quan mà phải có kết luận từ xét nghiệm của cơ quan chuyên môn. Riêng đối với quy trình bảo quản, quy trình tiêm phòng gây hậu quả thì mới đáng lo ngại.



Một thực tế cần phải nhìn nhận, lâu nay, tất cả các vụ tai biến sau tiêm vaccine xảy ra, cơ quan tiêm phòng đều khẳng định tiêm đúng quy trình, bảo quản tốt theo quy định của Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, vụ tiêm phòng tại Quảng Trị mới đây khi cơ quan chức năng vào điều tra thì cho thấy: Bảo quản chưa đúng quy định (để vaccine cùng sinh phẩm khác; việc quản lý vaccine tại BV cũng chưa đúng theo quy định (không ghi chép quản lý vaccine hằng ngày, không lưu vỏ, lọ theo quy định); y tá đã không triển khai tiêm vaccine tại phòng tiêm riêng mà tiêm tại phòng bệnh.



Mặc dù đã có quy định nghiêm ngặt về quy trình tiêm phòng và bảo quản vaccine, thế nhưng thực tế đã xảy ra hàng loạt vụ việc khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Lâu nay đã có cơ quan nào giám sát việc tiêm phòng và đã có bao nhiêu trường hợp xử lý do vi phạm quy trình tiêm chủng? Đến khi người dân phanh phui hoặc có sự cố thì hàng loạt sai phạm mới được phát hiện và đến lúc này thì hậu quả đã xảy ra rồi.



Xin đưa ra dẫn chứng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội là nhân viên tiêm chủng tiêm thiếu lượng vaccine trong lọ cho trẻ và tiêm vaccine đã hết hạn tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã gây bức xúc trong dư luận. Đây chính là lỗ hổng trong quy trình tiêm phòng vaccine mà ngành y tế cần phải rà soát và xem xét lại để đưa ra chế tài hợp lý.



Tuy những cán bộ y tế cố tình làm sai đã bị xử lý nhưng câu chuyện vaccine này liệu đã có thể kết thúc một khi nguyên nhân của tai biến vẫn còn trong vòng “bí mật”, chưa được kết luận rõ ràng và xử lý theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” trong ngành. Ai có thể đảm bảo liệu các ca tai biến vaccine do nhân tai sẽ không còn xảy ra trong tương lai một khi lỗ hổng quy trình tiêm chủng, bảo quản vaccine vẫn không được “bịt kín”.

Theo Lao động

NỔI BẬT TRANG CHỦ