• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xem xét công nhận liệt sỹ với 2 phi công hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự

Thời sự 27/07/2018 08:30

(Tổ Quốc) - Trao đổi với VietNamNet, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng đã có chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương để thực hiện chính sách công nhận liệt sĩ cho 2 phi công  trong vụ rơi máy bay quân sự tại Nghệ An.

Hiện trường vụ rơi máy bay quân sự tại Nghệ An: Nguồn NLĐO

Cụ thể, hai phi công đã hy sinh trong vụ rơi máy bay tại Nghệ An là Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, SN 1978, quê quán Sơn Tây, Hà Nội; Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, SN 1972, quê quán Thái Thụy, Thái Bình.  

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết thêm, hiện các đơn vị chức năng đã đưa thi hài 2 phi công về Quân khu 4 và đang làm thủ tục lo hậu sự cũng như các chế độ chính sách cho 2 phi công hy sinh.

Như tin đã đưa, vào hồi 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35 và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị Quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4, kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Được biết, Trung tá Khuất Mạnh Trí có giờ bay tích lũy là1.130h37, đã bay qua các loại máy bay L- 39. MiG-21, Su-22. Còn Thượng tá Phạm Giang Nam có giờ bay tích lũy là 1178h32, đã bay qua các loại máy bay L-39. MiG-21Bis, Su-22M.

Hiện trường vụ rơi máy bay quân sự tại Nghệ An: Nguồn NLĐO

Theo chia sẻ của nữ phóng viên Khuất Nguyệt Minh (Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam), Trung tá Khuất Mạnh Trí là anh họ của chị. “Học hết cấp 3, anh Khuất Mạnh Trí thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng một tuần sau anh lại nhận thêm tin trúng tuyển vào Học viện Không quân và đã quyết định theo nghiệp lính.

"Bố anh ấy từng là cựu tù binh Côn Đảo, bị tra tấn và được trả tự do năm 1973. Anh ấy muốn nối nghiệp binh của bố nên đã bỏ Đại học Bách khoa để vào trường không quân, học lái máy máy bay chiến đấu", chị Nguyệt Minh cho biết.

Trong khi đó, theo chia sẻ của người thân, Thượng tá Phạm Giang Nam là con cả trong gia đình, dưới anh là hai người em gái.

Thượng tá Phạm Giang Nam là trụ cột trong gia đình và có cuộc sống vất vả.

Hiện hai vợ chồng anh Nam đã có hai người con, bé gái đầu lòng mới được 4 tuổi còn cháu trai thứ 2 được 2 tuổi.

Bố để của Thượng tá Phạm Giang Nam cho biết, mới mấy hôm trước anh có điện về cho gia đình nói sắp được nghỉ phép về thăm nhà…

Vi Phong (T/h)

 

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ