• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xem xét Nghị quyết về Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thời sự 19/05/2015 22:37

(Toquoc)-Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, một loạt các vấn đề thời sự nóng bỏng được đưa ra xem xét, bàn thảo.

(Toquoc)- Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Tại kỳ họp này, một loạt các vấn đề thời sự nóng bỏng được đưa ra xem xét, bàn thảo.

Chính phủ chưa trình tờ trình sửa điều 60

Bắt đầu từ ngày 20/5, kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa XIII sẽ khai mạc và dự kiến kéo dài đến ngày 26/6.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trọng tâm kỳ họp này là công tác lập pháp với việc thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết, cho ý kiến đối với 15 dự án luật như Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND…

Một số luật cho ý kiến như Bộ Luật dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi, Luật trưng cầu ý dân, Luật tạm giữ, tạm giam…



Tại kỳ họp này, một loạt các vấn đề thời sự nóng bỏng được đưa ra xem xét, bàn thảo

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ nghe Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…

Liên quan tới điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, tới thời điểm này, Chính phủ chưa trình Quốc hội tờ trình sửa đổi điều luật này. “Việc làm luật và chỉnh luật là của Quốc hội, lưu ý là chúng ta có quy trình sửa đổi luật chặt chẽ, đến nay Chính phủ chưa có văn bản trình chính thức sửa đổi Điều 60” – ông Phúc nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật Bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016 mới có hiệu lực, đến nay chưa có thông tư hướng dẫn. “Thời gian qua có tình trạng công nhân một số nơi kiến nghị sửa đổi điều này vì muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Vừa rồi Chính phủ có báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do vậy trong thiết kế chương trình kỳ họp này, chúng tôi cũng có phần báo cáo thêm về điều 60 tại hội trường” – ông Phúc cho biết thêm.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Phúc chia sẻ, khi có điều luật mới thì cần một quá trình thực tiễn, rất cần tuyên truyền để công nhân hiểu điều ưu việt của quy định này. Việc lấy bảo hiểm xã hội một lần chỉ là cái lợi trước mắt, cần khuyến khích người lao động sau khi thôi việc ở doanh nghiệp này thì nên chuyển sang doanh nghiệp khác để về hưu họ có đồng lương.

“Tôi thấy cần tuyên truyền, còn tuyên truyền rồi mà người lao động vẫn muốn sửa đổi thì xem xét” – ông Phúc nói.

Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vừa bị bắt giữ.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, “đây là một điều rất đáng tiếc nhất là trong bối cảnh Quốc hội tăng cường cán bộ nữ. Bà Châu Thị Thu Nga là một trong hai nữ đại biểu Quốc hội tự ứng cử, không may vi phạm pháp luật”. Hiện bà Nga đã bị tạm đình chỉ hoạt động và cơ quan chức năng đang điều tra chưa có kết quả chính thức.

Theo điều 56, Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu Châu Thị Thu Nga không còn uy tín trước cử tri nữa nên các cơ quan liên quan đã có văn bản chính thức đề nghị xem xét bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga.

Xem xét Nghị quyết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Liên quan tới dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã trình dự án xin ý kiến về báo cáo đầu tư dự án. Kỳ họp này, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được xem xét.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, các chuyên gia, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo giải trình bổ sung về Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội xem xét về chủ trương đầu tư dự án này.

Một số nội dung của dự án tiếp tục được Quốc hội xem xét, thảo luận là sự cần thiết của dự án và các phương án đầu tư, về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, về diện tích sử dụng đất cho dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chống chồng lấn vùng trời bay…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dự án này có phải là việc Trung ương đã cho ý kiến, các đại biểu Quốc hội có được phát biểu trái với việc Trung ương đã quyết hay không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề này không phải tới kỳ họp Trung ương vừa rồi mới xem xét mà từ phiên họp Trung ương 4, tháng 12 năm 2011 đã bàn về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành.

“Lần này Trung ương cũng rất thận trọng sau khi lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội và Bộ Chính trị cũng trình ra Trung ương để xin ý kiến thêm, chúng ta bàn thêm như vậy để đảm bảo cho tính hiệu qủa của việc sử dụng đất đai, tỉ suất đầu tư hay xem xét xây dựng sân bay trung chuyển... sao cho hiệu quả kinh tế.

“Như vậy không phải là chúng ta xem xét dự án khi Trung ương đã quyết định rồi. Trung ương rất muốn đại biểu Quốc hội cho ý kiến làm sao cho dự án đầu tư hiệu quả vì đây là sân bay rất lớn” – ông Phúc nói./.

T.L

NỔI BẬT TRANG CHỦ