• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xét xử gian lận thi cử 2018: Vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ tội đưa, nhận hối lộ

Giáo dục 22/10/2019 07:07

(Tổ Quốc) - Sau 2 phiên tòa xét xử gian lận thi cử 2018, TAND Hà Giang sẽ tuyên án vào ngày 25/10, TAND Sơn La trả hồ sơ, đề nghị làm rõ tội đưa và nhận hối lộ.

Tuần qua là một tuần đầy biến động của ngành giáo dục Việt Nam, đặc biệt là lần đầu tiên hai phiên tòa xét xử công khai liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 tại 2 tỉnh Hà Giang và Sơn la được mang ra xét xử.

Hai phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử hồi năm 2018 tại hai tỉnh Hà Giang và Sơn La thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau thời gian thực hiện trình tự xét xử, ngày 18/10 TAND Hà Giang cho biết sẽ tuyên án vào ngày 25/10, trong khi đó, TAND Sơn La trả hồ sơ, đề nghị làm rõ tội đưa và nhận hối lộ.

Hà Giang: Vẫn còn nhiều câu hỏi lớn

Sau phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, 5 bị cáo trong vụ án được phép nói lời sau cùng trước khi Tòa tuyên án vào ngày 25/10.

toa Ha Giang

Hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử 2018 tại tỉnh Hà Giang

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GDĐT Hà Giang) đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về lại cộng đồng.

Bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang) đã gửi lời xin lỗi vì để xảy ra sự việc này và đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình đồng thời tỏ rõ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải những việc mình đã làm, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất, để bị cáo sớm có cơ hội làm lại.

Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) nói 107 thí sinh được nâng điểm vượt ngoài sự kiểm soát của cá nhân và ban chấm thi, nhưng bị cáo đã nhận trách nhiệm về mình và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy Hà Giang. Bị cáo cũng nhận sai và xin lỗi về hành vi đưa danh sách 13 thí sinh cho bị cáo Hoài nhờ xem điểm môn Ngữ văn. Bị cáo xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Đảng và tổ chức. Tuy nhiên, bị cáo Chính khẳng định mình không phạm tội và mong HĐXX xem xét thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.

Bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) tự nhận thiếu kiến thức về pháp luật, thiếu sự thận trọng, cảnh giác nên đã nhận hậu quả và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.

Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) thừa nhận việc làm của mình đã sai và vi phạm pháp luật và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để có thời gian sửa sai và tiếp tục điều trị bệnh.

Đáng chú ý, tại ngày làm việc thứ 5 của phiên tòa, Luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên PGĐ Sở GDĐT tỉnh Hà Giang) đưa ra những kiến nghị liên quan đến vụ việc. Lluật sư Hướng kiến nghị khởi tố vụ án hình sự ngay tại phiên tòa này khi bà Triệu Thị Chính khai có báo cáo ông Vũ Văn Sử về việc có dấu hiệu gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 (trước khi xảy ra vụ án đang được xét xử 1 năm).

Tại phiên tòa, ông Sử cũng thừa nhận bà Chính có báo cáo về việc này. Do đó, luật sư kiến nghị "tức khắc yêu cầu giữ lại toàn bộ bài thi và điều tra vụ việc".

Đối với vụ án đang xét xử, luật sư yêu cầu mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những dấu hiệu vật chất, đặc biệt về tiền.

Ông Hướng cũng cho rằng để đảm bảo khách quan, công bằng, nếu coi bà Chính nhờ nâng điểm, trong vụ án này có rất nhiều người nhờ nâng điểm, vậy tại sao không khởi tố những người khác.

Vị luật sư này nhắc lại, theo nội dung được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm vào các trường công an và quân đội.

Cuối cùng, luật sư kiến nghị mở một cuộc điều tra toàn diện những người như ông Trần Đức Quý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) trong việc trả lời tin nhắn bị cáo Hoài là có mục đích gì.

Sơn La: HĐXX TAND Tỉnh quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra tội đưa, nhận hối lộ

Sau 4 ngày diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Quản Hữu Chiến đã công bố quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với bị cáo Trần Xuân Yến và đồng phạm do thiếu chứng cứ để chứng minh một số vấn đề không thể làm rõ tại phiên tòa, có căn cứ cho rằng có người khác, đồng phạm khác tham gia vào hành vi nâng điểm nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cần phải điều tra bổ sung.

toa Son La

Hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử 2018 tại tỉnh Sơn La

Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện việc nâng điểm cho 44 thí sinh, từ đó xem xét khởi tố vụ án về tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ, đưa hối lộ; làm rõ nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận, đưa, nhận tiền của các bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy.

Hội đồng xét xử yêu cầu trưng cầu ý kiến của cơ quan có thẩm quyền giải thích về quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm quy định tại Điểm c Điều 2 Phụ lục V kèm theo Công văn số 991/BGDĐT-QLCL ngày 15/3/2018 của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 để làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan.

Ngoài ra, Tòa yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bị cáo Đinh Văn An, Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn, Trần Xuân Yến trong việc thực hiện niêm phong, mở niêm phong phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.

Phương Anh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ