• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xin đừng quên nỗi đau chiến tranh

28/07/2014 09:00

(Toquoc)- "Lỗi hẹn với Sêpôn" của nhà văn Đỗ Kim Cuông- cuốn sách nén chặt nhiều tư liệu chiến tranh cách mạng. Bằng một vốn sống đầy ắp về cuộc chiến tranh chống Mỹ tác giả đã đưa lại cho bạn đọc những trang văn hấp dẫn.



(Toquoc)- Trong không khí cả nước kỉ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ, bàn thờ nhiều gia đình nghi ngút khói hương, tôi ngồi đọc cuốn tiểu thuyết Lỗi hẹn với Sêpôn của nhà văn Đỗ Kim Cuông vừa gửi tặng. Đó là cuốn sách nén chặt nhiều tư liệu chiến tranh cách mạng. Ta đọc nó và hình dung được những ác liệt của chiến trường Trị- Thiên, của chiến dịch Đường Chín- Nam Lào vốn là một trong những nơi gian khổ nhất và anh dũng nhất trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Bằng một vốn sống đầy ắp về cuộc chiến tranh chống Mỹ cộng với sức tưởng tượng, khả năng phân tích sự kiện sắc sảo, nhà văn Đỗ Kim Cuông đã đưa lại cho bạn đọc những trang văn hấp dẫn.

Hiền, một chiến sĩ quân giải phóng, một chàng đẹp trai, có học, một trung đội trưởng giỏi, gan dạ đã bị thương trong một trận chiến đấu. Anh được đưa đến quân y viện đặt ở Mường Lòong trên đất Lào. Đó là một môi trường vốn anh không quen, nói trắng ra là anh không ưa nằm chán rồi ngồi nhìn cuộc chiến với bao bạn bè, đồng chí đang ngày đêm chiến đấu nơi giáp ranh giữa vùng hậu cứ của ta với lực lượng quân Mỹ Ngụy, cũng là nơi giáp ranh giữa cái sống và cái chết từng ngày diễn ra vô cùng ác liệt. Viện Mường Lòong cũng là mật trận, ở đó gian khổ, hi sinh không thiếu với nhiều gương mặt chiến sĩ với đủ lứa tuổi cùng nhiều tâm trạng khác nhau. Rất nhiều người muốn mau lành để trở lại mặt trận, lẻ tẻ cũng có kẻ sợ chết không muốn tiếp tục cầm súng. Riêng Hiền, sau khi bình phục, lúc nào anh cũng đau đáu mong trở lại vùng giáp ranh để cùng đồng đội quần nhau với địch. Tâm trạng ấy nhiều người biết, trong đó có nữ y sĩ mang hai dòng máu Việt-Lào: Đoọc Phin, người con yêu quý của bản Puộc, còn gọi là Hoa Mẫu Đơn, và mọi người quen gọi tắt là Hoa. Hoa là đảng viên, một cô gái đẹp người đẹp nết, rất có uy trong viện, mọi người vẫn kháo nhau đó là cán bộ dự nguồn của nước bạn Lào.

Hiền không được về đơn vị chiến đấu! Anh bị điều vào tổ hậu cần của viện chuyên lo chuyện ăn chuyện ngủ của thương bệnh binh vốn không quen nên anh đã từng nấu cơm sống đến nỗi thương bệnh binh dẫu đói vẫn phải đổ cơm trắng suối! Hoa Mẫu Đơn, tổ trưởng của Hiền, rất hiểu tâm trạng của anh. Chính Hoa đã theo dõi và kịp theo bước chân anh trong đêm anh bỏ trốn khỏi quân y viện để về đơn vị chiến đấu, động viên anh quay lại với công việc. Và thế rồi từ lòng cảm phục, mến mộ đã âm thầm nảy sinh một tình yêu. Hoa yêu Hiền. Cô hôn lên vết thương của anh, rồi hai người đằm mình trong đêm trăng với những nụ hôn nồng cháy…



Displaying IMG_20140727_1.png

Bìa sách

Chiến dịch Đường Chín-Nam Lào vô cùng ác liệt mở ra. Cả Hoa và Hiền đều mỗi người một nhiệm vụ đi phục vụ chiến dịch. Họ vượt qua biết bao gian khổ hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ; và đau đớn thay, Hoa mẫu Đơn đã ngã xuống ngay trên bản Puộc, quê hương thân yêu của mình!… Bằng ngòi bút tả thực giàu chất liệu sống, nhà văn Đỗ Kim Cuông đã dựng lại một phần hình ảnh chiến dịch ác liệt Đường Chín-Nam Lào mãi mãi đã đi vào lịch sử. Nếu không phải là người từng cầm súng đi qua cuộc chiến thì không thể dựng lại được không khí nóng rẫy của chiến tranh như thế. Hiền đã lỗi hẹn với người con gái sinh ra bên dòng Sêpôn, rồi anh cũng đã hi sinh trước ngày cố đô Huế được giải phóng. Nhiều gương mặt thân yêu là đồng chí bạn bè của Hoa, Hiền cũng đã lần lượt ngã xuống! Xin đừng ai quên nỗi đau chiến tranh. “Vệt bom B52 bắt đầu từ chân dốc Tranh ra tới ngã ba đường giao liên. Cả cánh rừng bị bom đánh cây to cả người ôm cũng bị bật gốc, có cây bị chém ngang thân đổ ngổn ngang, đè lên các mái nhà sàn, các căn nhà hầm nằm sâu dưới mặt đất. Những bụi giang, bụi le bị hất tung quăng khắp nơi. Con suối chảy ngang qua bản bị những trái bom đào sâu hoắm đứt nhiều đoạn. Dòng suối nước trong mát hàng ngày chảy qua bản bây giờ biến mất, không biết chảy đi đâu. Trong các hố bom bùn nước lõm bõm. Không gian nồng nặc mùi thuốc bom hăng nồng lẫn với mùi cháy khét của xác người, xác thú vật, đồ nhựa, cao su cháy…(…). Tất cả các tử sĩ đã được phủ tăng. Tôi đếm được 16 người. Lúc tôi lật từng tấm tăng lên để coi mặt, tôi sững sờ nhận ra Hoa Mẫu Đơn nằm ngay ở hàng đầu cùng với mấy người dân bản Puộc, cạnh đấy là xác bác sĩ Nha…”.

Đọc sách, ta nhận ra các nhân vật chính chắc chắn là những nguyên mẫu có thật trong đời được tác giả nâng lên trở thành những hình tượng. Không có một sự bịa đặt nào, ngay người cha của Đoọc Phin là con nuôi của bác sĩ Yersin nổi tiêng ở Nha Trang một thời… Cái quý của tiểu thuyết là tính chân thật lịch sử. Việc Hiền bỏ trốn quân y viện để trở về đơn vị cầm súng là chuyện không hiếm trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là một hành động rất đẹp một thời khi mùa xuân của tuổi trẻ chính là được cầm súng lên đường cứu nước… Cuốn sách không dày trang nhưng dày dặn chất liệu sống, dồn nén ngồn ngộn số liệu, sự kiện, địa danh, con người. Cái hay của tác giả là không đao to búa lớn, không trữ tình ngoại đề, tất cả cứ để sự việc nói lên. Tuy nhiên trong cái ngắn gọn ấy có chỗ ta vẫn thấy tiếc. Tình yêu của “cặp đôi hoàn hảo” Hoa- Hiền tác giả cũng quá kiệm lời, không dùng hết ngôn từ để nói về mối tình cao đẹp ấy một cách thỏa đáng. Vì sao không dành cho họ những trang thấm đẫm tình yêu tuổi trẻ nồng cháy, dù là trong chiến tranh ác liệt. Họ có quyền được đi đến tận cùng, được nếm trải, được hưởng hương vị ngọt ngào của “trái cấm” của tình yêu xác thịt rất thật và rất đáng trân trọng. Có lẽ nhà văn đã thấy nhiều tiểu thuyết viết rốt ráo những quặn riết của nhiều mối tình trong chiến tranh nên ông không muốn lặp lại chăng, trong lúc bạn đọc cứ muốn dành cho đôi con người ấy những nồng thắm của tình ái bởi họ đã cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước…

Đề tài chiến tranh cách mạng ngày nay có lúc có nơi người ta đã những muốn dừng lại với lí do chiến tranh đã đi qua lâu rồi và cuộc sống mới đang mời gọi những sáng tác mới với những vấn đề của hôm nay. Nếu thế thì chẳng công bằng và thật giật mình. Lí do là những tấm gương hi sinh cao đẹp, những nỗi đau, những nghiệt ngã, mất mát của cuộc kháng chiến chống Mỹ đừng bao giờ để mờ phai trong tâm trí bạn đọc, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi chiến tranh đang rập rình đâu đó nơi đầu ngọn sóng. Nếu một mai kẻ thù gây chiến, chúng ta, nhất là những người trai trẻ lại vỗ bàn tay lên báng súng hát vang bài ca ra trận. Bạn đọc ngày nay trong điều kiện sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lại hiện ra rờ rỡ từng ngày đến đứa trẻ cũng phải suy nghĩ, phải nói tới, thì những cuốn sách về đề tài chiến tranh cách mạng lại vẫn rất cần. Mãi mãi xin đừng ai quên nỗi đau chiến tranh trên mảnh đất này!

Hoàng Thái Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ