Người nhiễm HIV giờ đây hoàn toàn có thể có một cuộc sống bình thường. Ngoài ra, tin mừng hơn là con người đang dần tiếp cận đến phương pháp loại bỏ hoàn toàn HIV ra khỏi cơ thể người.
Như đã đưa tin, vừa qua tại Sài Gòn đã xuất hiện ít nhất 10 trường hợp bị đâm bằng kim tiêm khi đang di chuyển trên đường, và các nạn nhân đã phải đến bệnh viện để điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.
Dù hung thủ đã bị cơ quan chức năng xác định và triệu tập, nhưng những gì y gây ra vẫn khiến cho người dân cảm thấy cực kỳ lo sợ. Sợ rằng có một kẻ khác giống hắn sẽ xuất hiện thì sao; rồi nếu không may nhiễm HIV thì sẽ cầm như mất cả cuộc đời, vì đó là một bản án tử.
Quả thực HIV là một căn bệnh nguy hiểm, vẫn được y học xem là căn bệnh thế kỷ. Tuy nhiên, tất cả cũng ta cũng cần phải hiểu rằng nhiễm HIV không có nghĩa là mất cả cuộc đời. Bởi lẽ ở thời điểm hiện tại, HIV đã không còn là một bản án tử nữa rồi.
Sự tiến bộ của y học đã xóa sổ "bản án tử"
Trong thế kỷ 20, HIV là một căn bệnh thực sự nguy hiểm. Trong vòng 25 năm kể từ năm 1981, ít nhất 25 triệu người đã thiệt mạng vì căn bệnh này, cùng hàng chục triệu nạn nhân khác sống trong khổ sở. HIV cũng chưa có thuốc chữa, mà chỉ có thể làm chậm quá trình phát triển virus. Đó là lý do vì sao người ta gọi nó là bản án tử.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, thì khác. HIV vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng "không còn là một bản án tử nữa" - đây là điều đã được bác sĩ Adam Spivak - phó giáo sư khoa Y ĐH Utah (Mỹ) khẳng định trong một bài phỏng vấn vào năm 2017.
Đầu tiên, đó là sự tiến bộ trong cách điều trị kìm hãm sự phát triển của virus. Năm 1995, các loại thuốc kháng virus HIV ra đời, nhưng không làm mọi chuyện thay đổi nhiều vì tác dụng phụ quá nghiêm trọng, lại bắt người bệnh phải uống nhiều loại thuốc và theo liệu trình nghiêm ngặt. Cộng thêm cái giá không hề rẻ, đó không phải là thuốc dành cho tất cả mọi người.
Nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21, đã có thế hệ thuốc kết hợp mới ra đời, qua đó giảm được số lần phải uống thuốc của bệnh nhân. Có thể bạn chỉ cần uống 1 viên mỗi ngày là đủ, mà tác dụng phụ thì gần như không có.
Bệnh nhân cũng có thể uống thuốc bất kỳ lúc nào - lúc đói, lúc no... không quan trọng - và điều đó giúp người bệnh giảm cảm giác phụ thuộc vào thuốc mà vẫn có được cuộc sống khỏe mạnh, bình thường như bao người khác.
Cảm giác phụ thuộc vào thuốc ít hơn hẳn, khi bệnh nhân chỉ phải uống 1 viên thuốc/lần và bất kỳ lúc nào cũng được
Thuốc kháng virus HIV hiện tại được sử dụng được gọi là ARV (Antiretroviral drug), có chức năng làm ức chế sự nhân lên của virus, duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể. Bản chất của HIV là làm suy yếu hệ miễn dịch, nên khi chúng ở nồng độ thấp, hệ miễn dịch vì thế mà không bị ảnh hưởng, nguy cơ mắc bệnh cơ hội cũng giảm mạnh.
Thậm chí với những người nhiễm HIV giai đoạn đầu, ARV sẽ cho họ cơ hội được hòa nhập với cộng đồng, giảm khả năng lây truyền bệnh cho người khác. Có những trường hợp gần như an toàn tuyệt đối (khi virus trong máu xuống rất thấp), không thể lan truyền bệnh nữa kể cả khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su.
Ngay cả với trường hợp sản phụ nhiễm HIV, nếu thường xuyên điều trị bằng ARV từ sớm, đứa trẻ sinh ra cũng có thể được an toàn.
HIV có thể sớm được giải quyết triệt để
Theo Spivak, điều quan trọng nhất vẫn là tâm trạng của người bệnh. Ông cho biết thông thường người nhiễm luôn tỏ ra hoảng loạn, suy sụp và nghĩ đến những tình huống xấu nhất là tự tử.
Nhưng thực sự điều đó là không cần thiết, vì các bệnh nhân nhiễm HIV ngày nay vẫn có thể có cuộc sống rất bình thường với sức khỏe tốt, nếu duy trì được lối sống lành mạnh.
Điều quan trọng hơn nữa là thế giới hiện đang đến rất gần với một giải pháp loại bỏ hoàn toàn HIV. Năm 2007, "bệnh nhân Berlin" Timothy Brown là người đầu tiên được chữa khỏi HIV hoàn toàn Và mới đây nhất là vào tháng 3/2019, các nhà khoa học đã tái lập thành công ở Brown trên một bệnh nhân khác có "bí danh" là "bệnh nhân London".
"Bệnh nhân Berlin" nổi tiếng Tyimothy Brown
Đó cũng là trường hợp thứ 2 nhiễm HIV được chữa khỏi hoàn toàn trong lịch sử, từ đó mở ra một chương hoàn toàn mới cho sứ mệnh giải quyết căn bệnh thế kỷ này.
Tham khảo thêm Bị kim tiêm, vật nhọn đâm, nghi ngờ nhiễm HIV thì cần làm những gì để phòng tránh nguy hiểm?
Tóm lại, bạn cần phải hiểu rằng việc nhiễm HIV ở thời điểm hiện tại không còn mang tính chất quá tiêu cực như trước nữa. Người nhiễm HIV hoàn toàn có thể có cuộc sống bình thường, thế nên việc gì phải mất tinh thần? Hãy cứ sống vui, sống khỏe và mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Xử lý vết thương tại chỗ khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV:
Đối với tổn thương da dẫn đến chảy máu: Xối ngay vết thương dưới vòi nước chảy. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn mà không nặn bóp.
Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javel 1/10, hoặc cồn 700) trong thời gian ít nhất 5 phút.
Trường hợp phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút.
Phơi nhiễm qua miệng, mũi: Rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9 %. Xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9 % nhiều lần.
Sau đó đến bệnh viện kiểm tra. Chú ý nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra.
Khi xảy ra sự cố phơi nhiễm, cần xử lý kịp thời tại vết thương và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Nếu dùng thuốc trễ (sau 72 giờ đầu) thì không có hiệu quả. Người bị phơi nhiễm cần làm các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.