(Tổ Quốc) -Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc như vậy.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, việc đi lễ chùa, đền có hai nội dung cần làm rõ: thế nào là mê tín và thế nào là không.
Người dân Việt với phong tục đầu xuân là tới đền, chùa, đó là tín ngưỡng, niềm tin.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Sơn, những người mê tín tới cực đoan trong niềm tin, ví dụ như một người thờ con cá là mê tín, hay ngày Thần tài tất cả đổ xô đi mua vàng, hoặc mê tín quá mức như tệ đốt tiền mã, vàng mã ở Đền Bà Chúa Kho… Những mê tín cực đoan như vậy cần phải phê phán.
Người dân tới đền, chùa là một liệu pháp về mặt tâm lý. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn |
“Nhưng tôi băn khoăn, dường như có vẻ mười năm trở lại đây, người dân mê tín nhiều hơn”- Tiến sĩ Trần Hữu Sơn bày tỏ.
Quan sát của ông Sơn cho thấy, đến chùa với nhiều người dân không phải là để trải nghiệm, có nhiều người còn không biết ngôi đền ấy thờ cái gì, thờ vị thánh nào; người sau vái người trước rồi nhanh chóng rời đi; đáng lý bỏ tiền công đức, giọt dầu thì lại dâng tiền cho tượng Phật…
Lý giải nguyên nhân, ông Trần Hữu Sơn cho rằng, có thể khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường cuộc sống của người dân có chút không phẳng lặng như trước nữa. Cuộc sống bấp bênh không còn như xưa. Kinh doanh không cẩn thận là mất sạch, ra đường thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kể lúc nào…
“Nhiều điều bất an trong cuộc sống khiến người ta cần có một niềm tin”- ông Trần Hữu Sơn nói.
Do vậy, theo ông Sơn, người dân đến đền, chùa để cầu xin, về mặt tâm lý là nhằm giải tỏa bất an trong tâm.
“Người ta dâng sao giải hạn cũng thế giống như then giải hạn ở vùng dân tộc thiểu số và đây là một giải pháp về tâm lý chứ không giải quyết được vấn đề mà cuộc sống người dân vấp phải. Người dân tìm tới tâm linh như vậy là cần liệu pháp về tâm lý nhiều hơn”- Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nói.
Kết thúc cuộc chia sẻ, ông Trần Hữu Sơn nói, Đạo Phật vẫn dạy rằng, tu trước nhất là tại tâm, tâm an, trong sáng để có được cuộc sống bình an./.
Thái Linh