(Tổ Quốc) - Trong chuyến đi cùng Đoàn công tác số 12 thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa lần này, các đại biểu trong Đoàn đã được 2 lần dự Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Trong chuyến hải trình đến với huyện đảo Trường Sa, tàu HQ571 đã thả neo trong vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trên vùng biển Trường Sa. Để bảo vệ Tổ quốc, giữ được biển trời, hải đảo quê hương, bao người con Việt Nam đã dũng cảm quên mình hy sinh vì Tổ quốc, bao liệt sĩ đã hòa mình với biển quê hương, không mộ chí giữa muôn trùng sóng nước Trường Sa hay dưới đáy biển bao la.
Thay mặt Đoàn công tác, Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng khẳng định: "Tiếp bước các thế hệ đi trước, noi gương các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này, từ ngày giải phóng đến nay, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng; của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và đồng bào, chiến sỹ cả nước, Quân và dân Trường Sa đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lao động, cống hiến quên mình góp phần xây dựng quần đảo ngày càng phát triển vững chắc, xứng đáng với ước nguyện và sự hy sinh cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ.
Sau đó 2 ngày, Đoàn Công tác số 12 tiếp tục tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía nam. Tại lễ tưởng niệm các đại biểu đã ôn lại sự hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sĩ nhà giàn giữ vững chủ quyền biển đảo.
Gần 200 thành viên của đoàn công tác số 12 xúc động, tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh nằm lại biển khơi vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Trung Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng nguyên Bộ đội Hải quân chia sẻ: Tôi đã từng dự lễ tưởng niệm liệt sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhiều đồng đội cũng khẳng định, dù thời tiết có bất ổn thế nào, dù sóng to gió lớn nhưng đến khi tổ chức lễ tưởng niệm cho các liệt sĩ thì bỗng dưng "trời yên biển lặng như tờ", Chúng tôi cũng đã hỏi nhiều chiến sĩ trên tàu Trường Sa 571, họ đều xác nhận dù chẳng có một lời lý giải. Thật vậy, sau 3 ngày lênh đênh trên biến, nhiều đại biểu phải bỏ cơm, nhưng đến giờ làm lễ tưởng niệm, các đại biểu trong lực lượng quân nhân, quân phục chỉnh tề hay các đại biểu là các đơn vị khác ai nấy đều trang phục tươm tất nhất, tươi tắn, khỏe khắn như đang ở trên đất liền.
Để tri ân những anh hùng liệt sỹ trên vùng biển khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, đoàn công tác đã tổ chức Lễ cầu siêu các anh linh anh hùng liệt sĩ nhằm thể hiện nghĩa tình và lòng tri ân đối với những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Các anh hùng liệt sĩ hãy an nghỉ cho ngàn thu in bóng mảnh hình hài hòa quyện với non sông, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử rạng ngời của đất nước Việt Nam quang vinh.
Những chiến sĩ trên nhà giàn DK1/9 Ba Kè cũng tham gia lễ tưởng niệm cùng đoàn công tác số 12.
Lễ cầu siêu bạt độ cho các anh hùng liệt sĩ là dịp để mọi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước cùng nhau thực hiện một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là sự biết ơn sâu sắc đối với lòng kiên trung, anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, vì sự toàn vẹn của lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo mà tổ tiên đã để lại.
Xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng quả cảm của người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhiều đại biểu không cầm được nước mắt.
Chị Ngọc Mai, xúc động chia sẻ: Trước đây, tôi được nghe kể Trường Sa có biển rất đẹp, rất xanh, bây giờ vinh dự được đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tận mắt nhìn thấy các cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm nắm chặt tay súng bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, tôi mới hiểu ra vẻ đẹp của Trường Sa không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng mà còn là vẻ đẹp của con người, của sự hi sinh. Các anh đã không tiếc máu xương, dâng hiến cả tuổi xuân bám biển với niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Anh hùng. Hôm nay, được tham dự Lễ tưởng niệm tại gần nơi các anh hy sinh, tôi xúc động nghẹn lòng và tự hứa với lòng mình sẽ cùng với mọi người làm nhiều việc thiết thực hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh".
Ngay sau lễ tưởng niệm và dâng hương, vòng hoa và những cánh hoa tươi thắm được cán bộ, chiến sĩ và các phóng viên đoàn công tác số 12 thả xuống biển, cầu an cho người đã khuất, gửi gắm nhiều tâm nguyện và quyết tâm của những người ở lại với lời thề son sắt "Quyết giữ vững vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc".
Những món quà, đặc sản quê hương được gửi vào lòng biển xanh nơi các anh đã gửi cả tuổi thanh xuân cho biển đảo Tổ quốc.
Trên mảnh đất thiêng này, chúng ta càng thấu hiểu và khâm phục ý chí, lòng quả cảm, trí tuệ và nhiệt huyết của bao thế hệ người Việt Nam đã bất chấp gian nan, vượt cách trở trùng khơi để biến "đảo là nhà, biển cả là quê hương", mang lại sự đổi thay không ngừng các vùng biển đảo của Tổ quốc và làm cho nhiều vùng biển đảo xa xôi trở nên ngày càng gần gũi và gắn bó hơn đối với mỗi người Việt Nam.
Những cánh hoa và những chú hạc giấy được các đại biểu gửi xuống biển xanh như một lời tri ân sự hi sinh anh hùng của các chiến sĩ Hải Quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đầu và hi sinh để bảo vệ biển đảo quê hương.
Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã góp phần tô đẹp thêm cho khí phách anh hùng Việt Nam, tạo dựng cho đất nước ta một vị thế như ngày nay.
Trên mảnh đất thiêng này, chúng ta càng thấu hiểu và khâm phục ý chí, lòng quả cảm, trí tuệ và nhiệt huyết của bao thế hệ người Việt Nam đã bất chấp gian nan, vượt cách trở trùng khơi để biến "đảo là nhà, biển cả là quê hương", mang lại sự đổi thay không ngừng các vùng biển đảo của Tổ quốc và làm cho nhiều vùng biển đảo xa xôi trở nên ngày càng gần gũi và gắn bó hơn đối với mỗi người Việt Nam.
Cho dù năm tháng đã trôi qua, biển vẫn một màu xanh bất tận và đảo ngày càng vững vàng hơn nơi bão tố, chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam vẫn được khẳng định và tên tuổi các anh hùng liệt sỹ đã trở thành bất tử.
Việc tổ chức Lễ cầu siêu là tri ân, đời đời ghi nhớ công ơn đối với các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay, không tiếc máu xương hy sinh bảo vệ biển, đảo Việt Nam nói chung, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thềm lục địa phía Nam nói riêng. Qua đó, để giáo dục, động viên quân, dân trên quần đảo và toàn lực lượng Hải quân sống xứng đáng, phát huy truyền thống anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Từng con hạc giấy, từng cánh hoa vàng đã được thả xuống giữa lòng biển khơi - nơi các anh đã kiên cường chiến đấu và đã hy sinh như một lời tri ân gửi đến các anh đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ.