• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xúc tiến tìm thị trường mới cho nông, thủy sản

Kinh tế 04/06/2014 20:30

(Toquoc)-Các Bộ Công Thương, NN&PTNT đang tích cực tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu, tìm thêm thị trường mới...

(Toquoc) – Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tích cực tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu, xúc tiến tìm thêm thị trường mới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Thương lấy doanh nghiệp”

Nhằm tìm hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản, thuỷ sản… , ngày 3/6 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị "Bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP) cho biết, mặc dù xuất khẩu 5 tháng đầu năm rất tốt, thậm chí tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tình hình vẫn rất khó khăn đối với doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang đối diện rất nhiều vướng mắc từ bên ngoài nhưng khó khăn bên trong thậm chí còn lớn hơn.

Ông Dũng dẫn chứng, Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về "Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu" của Bộ Nông nghiệp ban hành ngày 12/11/2013 có một số quy định đang "bó" chân doanh nghiệp bởi tần suất kiểm tra quá nhiều, gây phiền hà và tốn kém chi phí, đặc biệt là khi doanh nghiệp có hơn 400 nhà máy và đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận.

Ngoài ra, ông Dũng cũng kiến nghị thêm về Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Cụ thể, Nghị định này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trình Chính phủ ký nhưng lại có một số điểm không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc trước đó với các doanh nghiệp của Hiệp hội này.

Đơn cử như việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra, nếu làm theo quy định sẽ không đảm bảo bí mật kinh doanh của doanh nghiệp... Hơn nữa, Nghị định này còn không đề cập đến công tác quản lý, chế tài để quản lý thức ăn nuôi cá tra (hiện chiếm 80% chi phí sản phẩm cá tra), dẫn đến tình trạng thị trường này đang bị lũng đoạn bởi các công ty nước ngoài.

"Rất mong cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản cần đồng hành cùng doanh nghiệp và thương lấy doanh nghiệp", ông Dũng kiến nghị.

Ngoài VASEP, đại diện đến từ các ngành như: cao su, hạt điều, cà phê, rau củ….cũng đã đồng loạt nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc.



Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang đối diện rất nhiều vướng mắc

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, xuất khẩu mặt hàng này đứng thứ 3 sau gạo và cà phê trong nhiều năm qua. Nhưng từ năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, ngành cao su đối mặt khó khăn nghiêm trọng, ảnh hưởng sản xuất và kinh doanh.

Bà Hoa lý giải, suy thoái toàn cầu khiến cung vượt cầu và kéo cả sang năm 2014 khiến giá cao su giảm mạnh. Thị trường tiêu thụ hẹp cùng với sự cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Malaysia….làm giảm giá, lượng xuất khẩu cũng giảm theo.

Cũng theo bà Hoa, cùng với những khó khăn bên ngoài thì bế tắc bên trong không hề nhỏ, đặc biệt là một số chính sách thuế xuất khẩu.

Cụ thể, các loại nông sản khác thuế xuất khẩu đều là 0% nhưng cao su đã nâng lên 3% vào năm 2011. Tuy sau đó khi giá xuất khẩu đang giảm thì thuế cũng giảm xuống 1% đối với một số loại cao su nhưng những khó khăn trong xuất khẩu cũng đã dẫn tới xu hướng giảm diện tích trồng những loại cao su bị áp thuế.

Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng bày tỏ, lĩnh vực này có 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất thì trong đó Trung Quốc là thị trường dẫn đầu.

Xuất khẩu tiểu ngạch góp phần giúp lưu thông đầu ra cho sản phẩm song ông Hương đề nghị cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước nhằm giảm rủi ro ép giá, thanh toán…

“Giống thanh long (Bình Thuận) chủ yếu xuất khẩu tươi, thu nhập cao nên đã khiến nhiều người chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long và nhiều sản phẩm nông sản khác như bắp cải, cà chua….Tuy nhiên, khi thị trường Trung Quốc không thu mua nữa đã khiến giá cả sụt giảm nhanh chóng”, ông Hương cho biết.

Xúc tiến đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

Trước những phản ánh đến từ các hiệp hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát cho rằng, trong mọi chính sách, Bộ luôn mong muốn đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp và vì lợi ích quốc gia.

"Mọi chính sách ban hành đều nhằm khuyến khích doanh nghiệp hoạt động đúng luật pháp và chỉ cản trở những doanh nghiệp làm tổn hại đến lợi ích chung. Trong trường hợp chính sách ban hành ra có làm khó cho một doanh nghiệp nào đó thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ. Ngoài ra, một số nước dựng rào cản như biện pháp phi thuế quan khiến chúng ta cần có nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ, sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD – 981 trái phép trên Biển Đông đã ít nhiều ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên quan sát chung, tình hình xuất khẩu kể cả chính ngạch và tiểu ngạch vẫn bình thường.

 “Trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo cách tính của Bộ đạt 12,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với năm trước, nhưng riêng tháng 5 lại giảm 18%. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và dự báo nếu tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn sẽ tiếp tục tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu, xúc tiến tìm thêm thị trường mới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao; các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí sản xuất như điện, nước, nhiên liệu đầu vào cũng như chi phí vận tải đều tăng…

Bên cạnh đó, những hạn chế của ngành sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ; tỉ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp, năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu…

Mặc dù tới thời điểm này, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên Biển Đông”, theo Bộ trưởng Hoàng, “nếu căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp diễn và có chiều hướng xấu đi trong thời gian tới thì xuất khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, tác động xấu tới hàng triệu hộ nông dân. Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh hơn việc tái cơ cấu sắp xếp và thay đổi thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nông sản, thuỷ sản”./.

Quỳnh Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ