• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xung quanh đơn thư liên quan đến công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9: Cần phân định rõ thành phần sáng tạo trong nghệ thuật xiếc

Văn hoá 26/06/2018 17:27

(Tổ Quốc) - Từ việc phân định vai trò trong dàn dựng, tập luyện của nghệ thuật Xiếc còn chưa rõ ràng, nên câu chuyện tranh cãi xung quanh giải thưởng của bộ môn này còn diễn ra.

Từ lá thư gửi Bộ VHTTDL về việc trượt danh hiệu NSND, nghệ sĩ xiếc Lê Văn Thể khiến dư luận quan tâm về câu chuyện quan hệ giữa đạo diễn và huấn luyện viên. Phải chăng ngành xiếc cần có sự phân định rõ ràng về vai trò, thành phần sáng tạo để tránh những bất cập, thiếu rạch ròi trong việc khen thưởng như câu chuyện của NSƯT Lê Văn Thể.

Ngày 25/6/2018, Phó Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ VHTTDL; Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ VHTTDL; Thanh tra Bộ VHTTDL v/v trả lời đơn thư liên quan đến công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 đối với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của NSƯT Hoàng Minh Khánh liên quan đến 2 tiết mục Những thiên thần đen và Cánh chim Việt.

Công văn kết luận: Tiết mục xiếc Những thiên thần đen có tiền thân là tiết mục Tạo hình trên xà đơn. Tuy nhiên các đạo diễn và giáo viên huấn luyện đã thay đổi 8 nội dung mới như đã nêu trên: nâng cao kỹ năng biểu diễn của diễn viên và kỹ xảo xiếc; bố cục lại tiết mục; đưa chủ đề, nội dung mới; Âm nhạc, trang phục, hình thức đạo cụ mới; số lượng diễn viên tham gia trong tiết mục tăng… so với tiết mục trước. Kết luận tiết mục Cánh chim Việt là tiết mục xiếc đầy đủ những yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật; là tổng hoà của các yếu tố về chủ đề, nội dung, âm nhạc, ánh sáng, trang phục, hình thức đạo cụ… nhằm tái hiện khung cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam; Các diễn viên lần đầu được huấn luyện vào vai nhân vật như Nguyễn Ngọc Ánh; Hồ Thị Thu Thuỳ; NSƯT Lê Văn Thể không có tên trong danh sách giáo viên huấn luyện và thực tế đã không tham gia bất cứ công đoạn nào trong quá trình xây dựng đề án tiết mục, thiết kế đạo cụ, huấn luyện diễn viên, dàn dựng tiết mục...

Tiết mục Cánh chim Việt

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc gặp riêng với ê kíp sáng tạo hai tiết mục Những thiên thần đen và Cánh chim Việt mà NSƯT Lê Văn Thể nêu ra trong thư cho rằng hai tiết mục này là của ông nhưng lại bị đổi tên và ở hồ sơ xét tặng của NSƯT Hoàng Minh Khánh.

Đó là sự nhìn nhận nhầm lẫn

Diễn viên Nguyễn Ngọc ÁnhThầy Thể đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng tiết mục Cánh chim Việt của thầy Khánh đã “đạo” từ tiết mục Đu quay của thầy Thể. Trước đây tôi tập tiết mục Đu quay của thầy Thể với các động tác làm “con”, diễn viên Ngọc Anh làm “trụ”. Khi thầy Khánh dàn dựng Cánh chim Việt với tôi cùng với hai thầy Hùng, thầy Chính làm huấn luyện thì tôi đổi vai trò sang làm “trụ”. Những ai am hiểu nghề thì hiểu rất rõ bản chất của các động tác “con” sẽ khác với động tác làm “trụ”. Đạo diễn Hoàng Minh Khánh và các thầy huấn luyện Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Minh Chính đã phải huấn luyện cho tôi mọi động tác kỹ thuật, kỹ xảo. Thu Thuỳ lần đầu tham gia tiết mục và làm "con" nên em ấy cũng phải được tập luyện hoàn toàn mọi động tác.

Tôi cũng là diễn viên được thầy Thể huấn luyện tiết mục Tạo hình trên xà đơn (được coi là tiền thân của Những thiên thần đen) và cũng là diễn viên của tiết mục Những thiên thần đen nên hiểu rất rõ sự khác biệt hoàn toàn giữa hai tiết mục này. Chúng khác biệt hoàn toàn từ chủ đề nội dung cho đến các yếu tố âm nhạc, biên đạo múa, trang phục biểu diễn… Các kỹ năng, kỹ xảo xiếc được nâng cao và bổ sung hoàn toàn mới như: Bàn xoay liên tục không dừng trong suốt quá trình diễn viên biểu diễn; thêm mới động tác rất khó là trồng đầu trên đỉnh trụ sau khi diễn viên đã thực hiện xong động tác đứng tay trên đỉnh trụ; diễn viên cắn răng câu 3 người làm động tác ke sấp đứng trên hai chiếc panh cao; đạo cụ được bổ sung thêm 2 thiết bị mới bao gồm 2 panh cho trụ và 1 đế trồng đầu cho con trên đỉnh trụ. Một sự khác biệt nữa là nếu ở Tạo hình trên xà đơn chỉ có 4 diễn viên thì ở Những thiên thần đen có tới 10 diễn viên. 

Tôi không hề được thầy Thể huấn luyện ở tiết mục Cánh chim Việt 

Diễn viên Hồ Nguyễn Thị Thu Thuỳ cho biết: Từ khi tham gia tập tiết mục Cánh chim Việt, tôi chỉ tập với hai thầy giáo Việt Hùng và Minh Chính. Thầy Thể chưa hề huấn luyện tôi một động tác kỹ thuật nào ở Cánh chim Việt. Là học trò, chúng tôi thấy rất thương thầy Khánh khi ngoài việc làm quản lý, thầy còn kiêm cả huấn luyện, dàn dựng cho các học trò. Đó là lý do mà thầy bỏ rất nhiều thời gian ngoài giờ để giúp chúng tôi tập luyện và dàn dựng chương trình. Có buổi từ 6h sáng, có buổi chúng tôi tập với thầy đến tận 23h đêm. Thầy bỏ ra rất nhiều thời gian, tâm sức cho trò. Học sinh Trường Xiếc giành được giải thưởng cao tại các cuộc thi xiếc chuyên nghiệp là niềm tự hào đối với chúng tôi. Chưa tốt nghiệp ra trường nhưng những người như chị Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Hà hay tôi đều đã có ít nhất 3, 4 HCV. Vinh quang mà chúng tôi giành được là nhờ vào các thầy, đặc biệt là thầy Hoàng Minh Khánh. 

Tôi không ký xác nhận nếu biết đi kiện thầy của mình

Diễn viên Nguyễn Phương Thảo: Thầy Thể trực tiếp huấn luyện kèm cặp tôi trong tiết mục Tạo hình trên xà đơn, vừa rồi thầy có gọi và nhờ tôi ký xác nhận là đã được thầy kèm cặp ở tiết mục này. Tôi là trò, thầy giáo nhờ nên không thể từ chối. Sau tôi mới biết là việc mình xác nhận sẽ làm ảnh hưởng đến thầy Khánh, người đã viết đề án cho tiết mục và dàn dựng nên tiết mục này. Vậy tôi chính thức xin rút những lời xác nhận để tố cáo thầy Khánh bởi lẽ cả hai thầy đều đã dạy dỗ tôi trưởng thành trong nghề và cả hai đều tham gia tiết mục này. Tôi không có liên quan gì đến tiết mục dàn dựng sau này với cùng thể loại là Những thiên thần đen”. 

Ê kip thầy trò trong tiết mục Cánh chim Việt

Có sự nhầm “vai” trong sáng tạo nghệ thuật tiết mục xiếc

Thầy giáo Nguyễn Minh Chính cho biết: Tôi là người trực tiếp huấn luyện hai diễn viên Ngọc Ánh và Thu Thuỳ cùng với thầy Việt Hùng. Ông Thể đã thực sự nhầm lẫn khi cho rằng Cánh chim Việt đã “đạo” tiết mục của ông.  Trong ngành xiếc ai cũng biết rằng các tiết mục xiếc ở thể loại nào cũng có những động tác kỹ thuật, kỹ xảo đặc trưng và mang tính kinh điển. Đây là lý do Cánh chim Việt có những động tác giống như Đu quay của NSƯT Lê Văn Thể. Song nói sao nếu đi ngược lại thời gian, vào những năm 1960, NGƯT Lê Trung cũng đã biểu diễn tiết mục Đu quay. Điều khác nhau ở đây, chính là phụ thuộc vào chủ đề nội dung từng tiết mục; âm nhạc, trang phục, đặc biệt thiết kế hình thức đạo cụ… tạo nên những động tác kỹ thuật khác nhau. Nếu như ở Đu quay chỉ là các động tác tạo hình, những động tác thể thao trên đu, thì Cánh chim Việt ăn điểm chính là ở khâu dàn dựng. Ngay tại Liên hoan Xiếc quốc tế Circuba 2017 cũng có tiết mục của một cặp nghệ sĩ biểu diễn trùng với thể loại này của xiếc Việt Nam. Nhưng họ đã không giành được giải thưởng bởi lẽ tiết mục Cánh chim Việt của NSƯT Hoàng Minh Khánh đã chinh phục được các giám khảo quốc tế bởi cách dàn dựng mang phong cách riêng, nổi trội ngay từ trang phục tạo hình chim phượng của diễn viên cho đến đạo cụ chính là cây tre đằng ngà. Điểm nghệ thuật chiếm 40 điểm đã giúp xiếc Việt Nam vượt lên các tiết mục xiếc cùng thể loại. Giáo viên xiếc Việt Nam đều xem các động tác kỹ thuật, kỹ xảo của xiếc quốc tế trên mạng như youtube để hướng dẫn học sinh các bài tập cơ bản như ke sấp, ke ngửa, vặn lườn, đu vòng treo… lý giải vì sao mà các tiết mục cùng thể loại luôn có sự tiếp nối các động tác này.  Sức hấp dẫn, mới lạ của từng tiết mục chính là ở nội dung chủ đề, bố cục bài diễn, sắp xếp các động tác kỹ thuật, kỹ xảo, phong cách trình diễn của diễn viên… 

Người ngoài sẽ có cái nhìn không thiện cảm với nghệ sĩ xiếc

Thầy giáo Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: Mặc dù NSƯT Lê Văn Thể tuổi rất cao, lại trải qua 2 lần tai biến mạch máu não phải điều trị tại bệnh viện Việt Xô, nhưng NSƯT Hoàng Minh Khánh vẫn ưu ái mời vào trường huấn luyện cho các học sinh, chỉ vì biết NSƯT Lê Văn Thể vẫn còn yêu xiếc. Hai ông cũng đã từng cùng nhau bước lên bục vinh quang khi ông Khánh nhận giải “Đạo diễn xuất sắc”, ông Thể nhận giải “Huấn luyện xuất sắc” cho cùng tiết mục Tạo hình trên xà đơn tại Cuộc thi tài năng trẻ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia  2015.

Qua sự việc này, theo tôi ngành xiếc cần phải có những quy định cụ thể về vai trò của người huấn luyện, vai trò của người đạo diễn và vai trò của từng thành viên trong “Nhóm sáng tạo” nên tác phẩm nghệ thuật xiếc. Trong đó vai trò của người đạo diễn là quan trọng nhất trong một tổng thể sáng tạo. Người đạo diễn giống như tổng tư lệnh, biến ngôn ngữ kịch bản văn học thành ngôn ngữ xiếc. Còn người huấn luyện cần hiểu đúng nghĩa là “giáo viên huấn luyện” và có sự phân loại từ dạy cơ bản đến dạy tiết mục. Riêng với đạo diễn xiếc thì cần phải được đào tạo chính quy, chứ không theo kiểu nghệ sĩ sau một thời gian làm nghề, bằng kinh nghiệm bản thân huấn luyện một số động tác, hoặc tiết mục xiếc thì được gọi là đạo diễn như ở một số trường hợp thời gian gần đây. Nếu nói ông Khánh tranh chấp giải với ông Thể là vô lý khi hồ sơ xác nhận xét tặng phong tặng danh hiệu NSND của ông Khánh có tới 4 HCV, thực tế không có 2 HCV ông Thể khẳng định liên quan đến mình thì ông Khánh vẫn đủ thành tích đầy đặn để được xét tặng./.

 

 

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ