(Tổ Quốc) - Khánh Ly không đơn giản chỉ là một giọng hát tự sự, cảm xúc, liêu trai như người ta vẫn nói, mà chứa đựng nhiều kỹ thuật, lối hát riêng.
Câu nói của Khánh Ly và cách nhìn nhận lại về sự ca tụng lỗi thời giọng hát liêu trai, ma mị
Trong tiến trình âm nhạc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua có hàng trăm, hàng ngàn giọng hát hay xuất hiện và và để lại những dấu ấn sâu sắc. Có những tiếng hát thật đẹp, thật mỹ miều, cao sang, xa hoa, lại có những tiếng hát thật đặc biệt, độc đáo. Nhưng thật hiếm có tiếng hát nào đạt được đến tầm vóc lịch sử, văn hóa và dân tộc như Khánh Ly.
Khánh Ly không phải giọng hát đẹp nhất, khỏe nhất, hay nhất và kỹ thuật nhất, nhưng là tiếng hát hiếm có, chỉ xuất hiện một lần trong 50 năm qua và hội tụ rất nhiều tinh hoa đất trời của điệu hồn dân tộc Việt Nam.
Đó là tiếng hát có âm sắc, nội lực đặc biệt và hồn phách kỳ lạ, từng được ví như một thứ "Lĩnh Nam chích quái" trong âm nhạc, mang theo khí chất khác thường, chỉ cần nghe một lần là nhớ mãi không thể quên, đôi khi còn khiến người ta phải nổi da gà.
Nói cách khác, giọng hát của Khánh Ly chính là thứ ngọc báu làm nên danh tiếng, tầm ảnh hưởng và những giá trị riêng có cho bà. Từ giọng hát ấy, Khánh Ly mới có cơ hội tiến sâu, vượt xa hơn khỏi bình diện một ca sĩ để thực hiện nhiều nhiệm vụ, sứ mệnh khác nhau.
Nhờ đó, tiếng hát Khánh Ly không chỉ gói gọn trong vài chục ca khúc, mà sớm vươn ra nước ngoài, gây ấn tượng sâu sắc với cả khán giả lẫn giới chuyên môn quốc tế trong suốt một thời gian dài.
Khánh Ly chẳng cần phô trương kỹ thuật, trưng trổ hoa mỹ, vẫn không hề lép vế khi đứng chung với những danh ca hàng đầu châu Á.
Nhiều người thường gắn Khánh Ly với nhạc Trịnh hoặc một số nhạc sĩ tên tuổi rồi cho rằng, phải có những thứ âm nhạc đó thì mới có Khánh Ly. Ít ai nhận ra rằng, tự thân Khánh Ly đã là một tài năng, tượng đài riêng biệt, độc lập, có sức lôi cuốn riêng, chỉ cần cất giọng lên cũng đủ khiến công chúng say mê, chứ không cần dựa dẫm vào một dòng nhạc hay nhạc sĩ nào.
Và thậm chí, cần đặt mũi tên ngược lại để thấy rằng, nhờ có tiếng hát Khánh Ly thể hiện, nền tân nhạc Việt Nam mới có được những ca khúc bất hủ đến như vậy. Đôi khi, có những ca khúc sẽ không thể tồn tại nếu Khánh Ly không động vào, nói như lời ca sĩ Quang Thành là:
"Bản thân cô có thể góp ý, góp lời với nhiều tác giả sao cho nhạc phẩm trở nên gần gũi, tình cảm và thuẩn hơn khi hát. Đó có thể gọi là sáng tạo tác phẩm lần thứ hai trước khi được công chúng đón nhận.
Rất nhiều nhạc phẩm của nhiều đại nhạc sỹ hàng đầu Việt Nam có đóng góp âm thầm của Khánh Ly và cũng nhiều lần cô được giao thể hiện đầu tiên những tuyệt phẩm, giúp nó trở nên đình đám theo từng giai đoạn của đời sống và thăng trẩm biến động của lịch sử".
Khánh Ly vốn hát theo lối mộc mạc, bình dị, đặt cảm xúc và tự sự lên trên hết. Bởi vậy nên không nhiều người chú ý tới kỹ thuật, cách hát của bà.
Mỗi khi nhắc tới Khánh Ly, người ta thường chỉ nhận định một cách cảm tính và lối mòn với những tính từ cũ kỹ như liêu trai, ma mị, cảm xúc.
Cách nhìn này vô tình làm giảm giá trị trong giọng hát Khánh Ly và đồng nhất nó với nhạc Trịnh. Trong khi đó, nhạc Trịnh chỉ là một phần sự nghiệp của Khánh Ly và tiếng hát của bà còn nhiều giá trị để khai thác hơn thế.
Bản thân Khánh Ly cũng từng lên tiếng: "Người ta cứ nói tôi hát liêu trai, nhưng tôi có biết ma là gì đâu. Từ bé tới giờ tôi cũng chẳng gặp ma bao giờ". Câu nói này dù chỉ là đùa vui nhưng cũng thể hiện phần nào thái độ của Khánh Ly không mặn mà mới sự ca tụng lỗi thời này.
Bởi vậy, cần thiết phải tìm hiểu và phân tích rõ hơn về giọng hát Khánh Ly, để thấy được nét đặc biệt, độc đáo và sức lôi cuốn mãnh liệt từ bà.
Thông tin cơ bản về giọng hát Khánh Ly
Trước khi đi vào phân tích giọng hát Khánh Ly, có thể khái quát một vài thông tin cơ bản như sau:
Loại giọng: Nữ trung trầm (mezzo alto).
Màu giọng: Âm sắc kim pha mộc mang tính airy voice (thời trẻ) và mộc pha thổ (thời trung tuổi), có độ khàn nhẹ do hút thuốc lá.
Quãng giọng: 2 quãng tám (từ C3 tới C5), hoàn toàn sử dụng giọng ngực (chest voice) và mixed chesty, không dùng giả thanh.
Tessitura (quãng hát thoải mái): Từ E3, F3 tới E4, A4 (nửa quãng trầm trên và nửa quãng trung dưới).
Long notes: 5 giây (trong ca khúc Nắng thủy tinh).
Giải mã giọng hát có ma lực đặc biệt, lôi cuốn cả khán giả quốc tế
Như đã biết, Khánh Ly thuộc loại giọng nữ trung trầm (mezzo alto). Loại giọng này vốn ít thấy hơn hẳn so với nữ cao (soprano) nên tự thân nó đã gây được ấn tượng thính giác khác biệt khi cất lên.
Vì âm vực thuộc nữ trung trầm nên Khánh Ly hát trầm rất tốt. Bà có thể xuống đến E3 mà vẫn rõ chữ, không bị mờ. Đỉnh điểm, Khánh Ly từng xuống đến tận C3 (ngang G2 của của nam). Đây là một note khá trầm mà không phải giọng nữ nào ở Việt Nam cũng hát rõ lời được.
Nhờ việc xuống trầm tốt nên Khánh Ly thực hiện được khá nhiều kỹ thuật ở quãng trầm, dù không cần học hành nhiều. Bà có thể nhả chữ ở Eb3 một cách thoải mái (ca khúc Rong chơi cuối trời quên lãng), chạy vibrato bần bật ở A3, Eb3, vuốt nhỏ giọng ở B3 (ca khúc Tình xa).
Chính việc hát trầm tốt và âm sắc tối giúp Khánh Ly dễ dàng thể hiện được những ca khúc mang tính tự sự, giãi bày, u buồn, hoài niệm và đặc biệt thích hợp với nét tĩnh tại, triết lý của nhạc Trịnh.
Trong đĩa nhạc Sơn ca 7 (nhạc Trịnh) phát hành năm 1974, Khánh Ly chỉ hát cao nhất tới G#4, A4, B4. Quãng âm trung bình bà thể hiện trải dài từ Eb3 tới B4 (rất thấp) và chủ yếu nằm ở A3, B3, C4.
Chính tần số âm thanh thấp này khiến tiếng hát Khánh Ly trở nên âm tính, liêu trai, u tịch, hợp nhất như "song kiếm hợp bích" với nhạc Trịnh, tạo ra cả một trường phái, phong cách âm nhạc riêng biệt, mê hoặc khán giả khắp từ trong ra ngoài nước.
Cũng trong đĩa nhạc này, Khánh Ly thể hiện gần như trọn vẹn sở trường giọng hát của mình khi kéo F4 đanh, dày, nổ dù không hề dùng nhiều lực để belt lên. Ở ca khúc Ru em từng ngón xuân nồng, bà nhả chữ rất lực trên B4 và rung G#4 khá đanh, chắc.
Không những vậy, giọng hát Khánh Ly còn độc đáo, hiếm thấy hơn nữa khi pha trộn âm sắc kim và mộc (thời trẻ), mộc và thổ (khi có tuổi).
Chính sự pha trộn âm sắc này (kết hợp với loại giọng mezzo alto) đã tạo nên tính liêu trai, u tịch, mê hồn và đậm màu tâm linh, triết học cho tiếng hát Khánh Ly, mà suốt hàng chục năm qua vẫn không ca sĩ nào có được (có chăng chỉ là sự bắt chước, thiếu tự nhiên). Nói như lời nhạc sĩ Phú Quang là:
"Nếu tiếng hát của Thái Thanh là kim cương (diamond) chói lọi 7 sắc cầu vồng và Lệ Thu là ngọc Ruby lộng lẫy máu lửa thì Khánh Ly lại là ngọc Emerald lung linh lục thúy thâm trầm".
Thời trẻ, giọng Khánh Ly là kim pha mộc. Tính kim giúp giọng Khánh Ly có lõi chắc và mang độ rền tự nhiên, lại phát triển mạnh mẽ ở quãng trung.
Bởi bậy, dù không dùng kỹ thuật cộng hưởng nhưng Khánh Ly vẫn hát khá rền rĩ, có độ nổ khi lên giọng trong cữ âm quãng trung G4, G#4, A4 và B4, lại đanh, nảy, âm lượng lớn. Bà hát E4 ở mức âm lượng rất bình thường, thoải mái mà vẫn rền.
Khánh Ly hát chắc chắn, có lực, phát huy lợi thế ở âm đóng (đặc trưng về tính xuyên thấu của giọng thuần kim như So Hyang, Thu Minh, Thái Thanh).
Các âm đóng của bà rất đanh, đặc quánh đến hiếm có (dù bà chỉ là giọng trữ tình, không phải giọng kịch tính). Chẳng hạn, âm đóng C#4 đanh và đẹp đến hàng cực phẩm. Hay, âm đóng ở F#4 cũng rất đanh.
Khánh Ly là người duy nhất belt âm đóng trong ca khúc Tình xa một cách đanh chắc, điều mà ngay cả Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Thanh Lam (vốn là những giọng nữ nội lực) cũng không làm được khi hát lại ca khúc này.
Hay, ở ca khúc Chiều cuối tuần, Khánh Ly đạt đến độ nổ và rền, đanh cực đại khi belt G#4 ở âm /i/, khiến người nghe cảm giác như nghe G#4 của giọng nữ trầm kịch tính Nina Simone.
Ngoài ra, Khánh Ly còn có thể đẩy âm thanh lên xoang ở E4, khiến giọng mình dày hơn và rung bật lưỡi ở ngay vùng thanh quản (trên G#4) theo lối Jazzy rất độc đáo.
Trong khi đó, tính mộc lại giúp giọng Khánh Ly giữ được độ ấm, xốp, airy (âm hơi) và một chút mềm mại (nhưng không quá lả lướt, mướt mát). Như vậy, nhờ pha thêm mộc mà bà vừa có được ưu điểm, lại loại đi nhược điểm của giọng thuần kim.
Sau này, khi đã có tuổi, tính kim trong giọng Khánh Ly mất đi và đổ sang tính thổ (tính mộc vẫn giữ nguyên). Vì thế, bà hát mất lõi, không còn khỏe, đanh, nảy và rền như trước nhưng ấm, khàn hơn, nhuốm màu thời gian, thích hợp để thể hiện trải nghiệm, tâm trạng của một người từng trải, kinh qua nhiều biến cố, đau thương, mất mát.
Có thể nói, sau 30 tuổi, màu giọng của Khánh Ly rất đặc biệt, đậm tính airy voice (âm hơi) và ít lõi. Lối hát của Khánh Ly về sau có nhiều điểm tương đồng với Jenifer Rush (một Diva khá nổi tiếng tại Mỹ).
Đó là lối hát ít trưng trổ khoe giọng, xử lý có phần classic xưa cũ, sử dụng dynamic âm lượng từ trầm lên cao đều tốt.
Có lẽ do xuất thân từ một người Hà Nội gốc (người phố cổ) trước 1954 nên Khánh Ly phát âm bạch thanh rất rõ tiếng, đúng từng âm tiết /a/, /i/, /ê/ mà không cần dựng tiếng, biến âm, bẻ âm, bóp tiếng để hát.
Cách nhả chữ, phát âm của Khánh Ly mộc mạc, giản dị, mang đậm nét xưa, ảnh hưởng từ phong cách hát xẩm. Bà hát tròn vành, rõ tiếng, không bị lơ lớ hay dính nasal voice (giọng mũi) như nhiều ca sĩ hiện đại ngày nay.
Đây chính là ưu điểm giúp bà được giới chuyên môn cũng như các đồng nghiệp đánh giá cao, đúng như lời nhạc sĩ Chung Tử Lư nói:
"Ngày xưa ca sĩ hát bằng thực tài, chẳng có trường lớp thanh nhạc, không có kỹ thuật phòng thu như hiện nay. Vậy mà Khánh Ly hát hay như để, giọng ca không bị chênh phô, không căng thẳng gò ép, không gào thét hú hét, nghe nhẹ nhàng, thánh thót.
Tôi ghiền nghe Khánh Ly và Lệ Thu thời trẻ. Tiếng Bắc của họ thật thanh lịch, sang trọng, không như tiếng Bắc Hà Nội bây giờ nặng nề, méo dấu, và nhấn nhá cuối câu nghe rất khó chịu kiểu 46689".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng từng nhận định: "Tiếng hát Khánh Ly là tiếng hát "ngang phè phè", rất tròn vành rõ chữ, không có chút kỹ thuật, hoàn toàn mộc mạc, bản năng nhưng cảm nhận có sức hút ghê gớm.
Tiếng hát của cô ấy đặc biệt lắm và chỉ hợp nhất với nhạc Trịnh Công Sơn, như là trời sinh ra một cặp như vậy. Có nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh nhưng tôi nghe vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó, chỉ Khánh Ly là trọn vẹn".
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường dù không thuộc giới âm nhạc, nhưng cũng nhận thấy: "Khánh Ly hát rất rõ lời, nói một cách nôm na là Khánh Ly hát rất 'tròn vành đủ chữ', không uốn giọng, không nuốt chữ, hồn nhiên như thể con người đã biết hát trước khi biết nói vậy".
Một điểm đặc biệt hiếm thấy ở Khánh Ly là dù không qua trường lớp nhưng cột hơi rất vững, hơi thở tốt. Bà hát lúc nào cũng căng tràn nhựa sống, sinh lực tràn trề và làn hơi dài.
Trong ca hát, hơi thở chính là mấu chốt quan trọng nhất. Thở tốt là hát tốt. Một ca sĩ bình thường phải mất nhiều năm ngồi nhạc viện để học được cách thở tốt nhưng Khánh Ly thì có thể tự rèn luyện được điều đó qua lời chỉ dẫn của Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Quang Thành kể lại: "Được biết, khi mới quen biết cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cô Khánh Ly đã được ông luyện giọng hát bằng những cách rất độc đáo. Đó là mở cửa sổ ra hát thật to ra ngoài trời hay hát trong các lu nước để có được giọng hát nội lực".
Thở tốt chính là vũ khí giúp Khánh Ly hát chắc chắn, nội lực. Bà phát âm rất to, khỏe, rõ chữ và tách bạch từng chữ một, không bị nối chữ, líu chữ, díu chữ như nhiều ca sĩ khác. Có thể thấy, Khánh Ly hát tiếng nào ra tiếng ấy, chậm rãi mà rền rĩ, gọn gàng, sạch sẽ.
Nhờ đó, bà thể hiện được rõ nhất bản chất tiếng Việt là loại hình đơn lập, phân tiết tính. Có lẽ chính điều này đã khiến người nước ngoài ấn tượng với Khánh Ly.
Qua những phân tích trên, có thể thấy, Khánh Ly không đơn giản chỉ là một giọng hát tự sự, cảm xúc, liêu trai như người ta vẫn nói, mà chứa đựng nhiều kỹ thuật, lối hát riêng.
Tất nhiên, những kỹ thuật này không qua đào tạo trường lớp chính thống, nên khó lòng gọi tên chỉ mặt một cách hệ thống, rạch ròi, cũng không thể áp dụng lý thuyết kinh viện học thuật để soi chiếu.
Nhưng xét đến cùng, nó vẫn là kỹ thuật hát riêng có của Khánh Ly, mà không phải ai cũng bắt chước theo được, đúng như lời ca sĩ Quang Thành từng nhận định:
"Hầu như mọi người thường yêu thích chất mộc trong cách hát của cô, nhưng riêng tôi với cách cảm nhận vừa nghề nghiệp vừa thưởng ngoạn nghệ thuật, tôi thấy cô hát rất kỹ thuật.
Kỹ thuật đó thể hiện ở cách phát âm tròn, rõ, chắc, vận dụng cao độ, trường độ, độ ngân riêng biệt của từng tác phẩm chuẩn xác.
Tất cả những yếu tố kể trên phục vụ cho một mục đích duy nhất là tình cảm, là cái hồn của từng câu hát không thửa cũng chẳng thiếu, tuyệt nhiên không sa đà phô diễn hay lên gân kịch tính .
Cô hát như kể chuyện, với độ thẩm âm, nhịp nhàng, chia câu rất tinh tế đạt chuần kỹ thuật mà hóa như mộc. Nghe cô hát cứ nhẹ như bông, mấy ai biết trước đó phải nặng trịch vật vã công phu thế nào.
Kỹ thuật ở đây không phải từ trường lớp mà do tự học hỏi, trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thành điêu luyện theo năm tháng.
Đây là một năng khiếu hiếm hoi mà ít ca sỹ nào có được. Cô làm được nó nhờ mê đọc và học ngôn ngữ từ sách rất nhiều".