• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

106 cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật

Thời sự 20/03/2023 14:09

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, trong những năm qua, mặc dù ngành tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành, tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của TAND tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.

Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành TAND trong thời gian tới?

106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lâm Đồng)

Trả lời nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, quan điểm của TAND tối cao là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che nên từ năm 2021 đã xử lý một số cán bộ theo hình thức kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.

Để phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ cán bộ tòa án, TAND tối cao đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường thanh kiểm tra thực tế thường xuyên hằng năm; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán thông Bộ Quy tắc đạo đức thẩm phán và đưa vào giảng dạy trong trường Đại học Luật, hệ thống đại học tòa án.

"Những trường hợp vi phạm được phát hiện sẽ chủ động chuyển cho cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

Đồng thời, Chánh án TAND tối cao cũng ban hành quy định số 120 về xử lý vi phạm của thẩm phán. Quy định này rất nghiêm, thậm chí vượt quá yêu cầu của Quốc hội. Ví dụ Quốc hội cho phép hệ thống tòa án được huỷ, sửa, giảm 1,5% số vụ án nhưng TAND tối cao chỉ cho phép 1,16%, thấp hơn tỉ lệ của Quốc hội, nếu ai vượt quá tỉ lệ này sẽ không được tái bổ nhiệm.

Để nâng cao chất lượng thẩm phán, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND tối cao chỉ tuyển sinh viên trong trường tòa án mà không tuyển sinh viên ngoài do biên chế tòa án là 15.500 người, mỗi năm có khoảng 700-800 người nghỉ (khoảng 4,5%) và phải tuyển số lượng tương ứng để bù đắp cho hao hụt tự nhiên.

Học viện Tòa án mỗi năm tuyển không quá 300 sinh viên, còn hơn 400 người phải tuyển từ các trường khác nhau. Khi tuyển ưu tiên tuyển sinh viên giỏi, xuất sắc. Việc này không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng cũng như quyền lợi của sinh viên các trường đại học khác khi có nguyện vọng vào công tác tòa án.

Thu được 40% số tài sản tham nhũng

Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trong thời gian qua việc thu hồi tài sản vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân.

106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

"Thời gian tới, Chánh án TAND tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân?" - ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu câu hỏi.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu hồi tài sản tham nhũng là không hoàn toàn triệt để. Theo tổng kết 10 năm thì chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng.

Do đó cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, nếu có cơ chế thu hồi tài sản như nhiều nước đã áp dụng đó là cơ chế phi hình sự (tăng giải trình) thì khi đó hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng tăng cao, nhưng cũng cần chỉnh sửa pháp luật về lĩnh vực này.

Tham gia giải trình làm rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng còn một số tồn tại, hạn chế.

106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án đã bị xử lý kỷ luật - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tham gia giải trình tại phiên chất vấn.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Đoàn ĐBQH tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tẩu tán, giấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế./.





Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ