• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiến nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt

Thời sự 20/03/2023 11:23

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

Kiến nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn

Kiến nghị hình thành Tòa phá sản chuyên biệt

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho biết, trong báo cáo của TAND Tối cao gửi Quốc hội có nêu, tỉ lệ giải quyết đơn tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa cao.

Đại biểu đề nghị Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Kiến nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Luật đang quy định tương đối ngặt nghèo về trình tự phá sản. Các Thẩm phán rất giỏi trong vụ án hình sự, dân sự nhưng trong các vụ án phá sản lại thiếu.

Để khắc phục tình trạng này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản; nâng cao trình độ Thẩm phán trong xét xử vụ án phá sản...

"Tiến tới sẽ đề nghị Quốc hội cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyên xét xử phá sản, không xét xử các vụ án khác" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Vẫn còn tình trạng nể nang

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, theo báo cáo, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này.

Kiến nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt - Ảnh 3.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định)

Thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án TAND Tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong việc thực hiện đề xuất này?

Trả lời câu hỏi chất vấn này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, tuy nhiên số lượng không nhiều; đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật.

Các tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.

“Để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử” - Chánh án TAND Tối cao đề xuất.

Đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) dẫn báo cáo của Chánh án TAND Tối cao tính đến hết tháng 2/2023 cho biết, cả nước đã đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến hơn 5.400 vụ. Tuy nhiên, so với tổng số vụ việc các cấp đã giải quyết trong thời gian qua, tỉ lệ xét xử trực tuyến chiếm tỉ lệ không cao.

Kiến nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Qua nghiên cứu báo cáo và thực tế tại cơ sở, áp lực rất lớn cho tòa án ở địa phương hiện nay là thiếu nguồn kinh phí để đầu tư và kĩ năng xét xử trực tuyến và trình độ chuyên môn, đặc biệt ứng dụng CNTT trong hoạt động xét xử chưa đáp ứng yêu cầu.

Với trách nhiệm của mình, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và các giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập, hạn chế nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nâng cao chất lượng xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND Tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương…

Đến nay, đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến, đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.

Kiến nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt - Ảnh 5.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiện nay, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.

Giành quyền tranh luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ giải pháp trong thời gian tới như thế nào để việc triển khai phiên tòa trực tuyến được đồng bộ hơn?

Bởi, theo đại biểu, phiên tòa trực tuyến là một nền tảng pháp lý bước đầu cho việc triển khai thực hiện Tòa án điện tử. Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến là một phương thức mới, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hoặc nếu có quy định cũng chưa đầy đủ dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai.

Trong khi đó, để xét xử vụ án thường liên quan đến nhiều quy định pháp luật tố tụng hiện hành và có tác động đến quyền, nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân và thực tế các vụ án hành chính, dân sự chưa được tổ chức xét xử trực tuyến.

Do các phiên tòa này thường rất phức tạp, cho nên trước khi xét xử trực tuyến thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi vấn đề, nhất là các quy định về hoạt động tố tụng./.





Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ