(Tổ Quốc) - Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX 2023) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đánh giá xác định PAR INDEX 2023, Bộ Nội vụ đã khảo sát hơn 89.000 phiếu, trong đó, có 39.765 phiếu của người dân, 49.458 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ, công chức. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.
Kết quả xếp hạng cho thấy, có 14 bộ, cơ quan ngang bộ đạt Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, gồm: Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 3 đơn vị là các Bộ: Y tế, Ngoại giao và Công thương đạt dưới 80%.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2023 là 84,38%, tăng 0,33% so với năm 2022.
Đối với Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng. Xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 91,87% và là năm thứ 4 liên tiếp, Hải Phòng đạt kết quả Chỉ số >90%.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%).
Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%.
Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44% - 85,12%, trong đó 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11 % và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.
Ông Phạm Minh Hùng cho rằng, trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân. SIPAS đã và đang thúc đẩy cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và cung cấp cơ sở để cơ quan hành chính nhà nước xác định, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để thực hiện mục tiêu đặt ra.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, các tỉnh; là năm thứ 7 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.