• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

2016: Nước Nga vật lộn với các khó khăn kinh tế

Kinh tế 18/05/2016 14:44

(Tổ Quốc)-Nhu cầu cải cách kinh tế tại Nga cấp bách hơn bao giờ hết nhưng chưa triển vọng đột phá.

(Tổ Quốc)-Nhu cầu cải cách kinh tế tại Nga cấp bách hơn bao giờ hết nhưng chưa triển vọng đột phá.

Từ năm 2014, mọi thứ dường như ngày càng tồi tệ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 giảm 3,7% và giá trị của đồng rup giảm khoảng 127%. Có ba yếu tố trực tiếp tạo nên suy sụp kinh tế của nước này: giá dầu giảm, trừng phạt kinh tế và một thị trường nội địa yếu kém.

Gặp nhiều thách thức trong và ngoài nước

Theo The Diplomat, Nga là một nước xuất khẩu năng lượng là chính. Giờ đây xuất khẩu năng lượng lại trở thành thách thức chính của Nga. Những nguyên liệu thô khác, như kim loại, cũng đóng góp vào xuất khẩu của nước này. Sự sụt giảm liên tục giá năng lượng và hàng hóa trong suốt năm 2015 đã dẫn đến sự thâm hụt lợi tức nghiêm trọng cho Nga. Ngân sách cho năm 2016 của Nga được đưa ra vào tháng 10/2015 với giả định giá bán dầu là 50 USD/thùng. Nhưng giá dầu hiện tại đang ở mức dưới 30 USD/thùng. Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siliuanov ngày 17/5, giá dầu thế giới sẽ ở mức khoảng 40 USD/thùng trong 3 năm tới.



Năm 2016, nước Nga tiếp tục gặp nhiều khó khăn đối phó với tình trạng kinh tế xuống dốc

Thách thức lớn nhất đã xuất hiện dưới hình thức một sự suy giảm trong lĩnh vực đầu tư tư nhân. Để khắc phục tình trạng này, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24, ngày 17/5, Bộ trưởng Siliuanov cho biết kế hoạch vay vốn nước ngoài trong năm 2016 sẽ chỉ nhằm huy động 3 tỷ USD, trong khi kế hoạch vay vốn trong nước sẽ lên tới mức 12,4 tỷ USD.

Chi tiêu mạnh tay cho quân sự đã tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Nga. Theo Báo cáo Ngân sách Quốc phòng hàng năm của HIS Jane, chi tiêu quân sự của Nga tăng 21% trong năm 2015. Ngân sách Liên bang bị cắt giảm năm 2016, nhưng chi tiêu quân sự vẫn tiếp tục giữ tỷ lệ khá lớn.

Sự can thiệp của Nga tại Ukraine và Syria đã làm gia tăng thêm áp lực cho nền kinh tế. Mặc dù Nga đã tuyên bố rút lực lượng phòng không không quân chính ra khỏi Syria, nhưng các lực lượng sẽ vẫn lưu lại ở một cảng biển và căn cứ không quân tại tỉnh Latakia của Syria.

Sự mất giá của đồng rup làm gia tăng lạm phát và giảm thu nhập thực tế. Trong năm 2015, con số ước lượng về số người Nga sống dưới mức chuẩn nghèo là 20 triệu người - tăng 2 triệu người kể từ năm 2014. Với lạm phát tiếp diễn trong năm 2016, một sự suy giảm hơn nữa trong mức lương thực tế và thu nhập thực tế sắp diễn ra.

Còn có những thách thức khác nghiêm trọng hơn rất nhiều, đáng kể là sự suy giảm nhân khẩu học đối với tăng trưởng kinh tế của Nga trong dài hạn. Dân số 143 triệu người của Nga cho thấy sự gia tăng nhỏ nhất trong thập kỷ qua. Cho đến nay, thiệt hại của việc dân số giảm nhiều hơn những bù đắp mà lực lượng dân di cư đến Nga để tìm việc làm mang lại. Giảm tiền lương thực tế đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về sự tiếp diễn của xu hướng này. Sự không chắc chắn ngân sách trong những tháng tới đã khiến cho các hộ gia đình cảm thấy khó khăn khi đưa ra các quyết định tiêu dùng sao cho hợp lý.

Nga khó có thể cải cách cơ cấu kinh tế hiệu quả

Một mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khầu dầu mỏ đã cho thấy rõ những bất lợi cho Nga. Chính bản thân Thủ tướng Dmitri Madvedev đã lưu ý rằng “Tình trạng hiện nay của thị trường dầu mỏ thế giới cho thấy một cấu trúc kinh tế hiện đại cần thiết như thế nào đối với sự tăng trưởng kinh tế bền vững với trọng tâm không chỉ đặt vào thị trường nguyên liệu thô”.

The Diplomat, 1/5/2016, khẳng định: Vấn đề cơ bản của nền kinh tế Nga không phải là sự trừng phạt kinh tế cũng như không phải giá năng lượng giảm mà là các mô hình phát triển kinh tế của Nga. Một sự tăng trưởng hàng năm tối thiểu khoảng 4% trong GDP là rất cần thiết cho 5-7 năm tới.

Một số nhà phân tích phương Tây cũng công nhận rằng kinh tế nước Nga đang xoay xở để thích nghi với những điều kiện từ bên ngoài.

Trên thực tế, sự giảm tốc độ tăng trưởng hiện nay đã là một động lực cho các ngành xuất khẩu khác ngoài dầu mỏ, ví dụ như lúa mì. Dù công nghiệp Nga sụt giảm xấp xỉ 3,3% trong năm 2015, nông nghiệp tăng trưởng 3%. Theo các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu lúa mỳ từ Nga đã tăng lên 23,5 triệu tấn, vượt qua cả Mỹ và Canada.

Trong khi đó, sự gia tăng đầu tư quốc phòng về mặt nào đó có thể là lợi ích cho nền kinh tế của Nga. Một báo cáo của trường Đại học Kinh tế Nga cuối tháng 9/2015 cho thấy một sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng và quân sự liên quan,  như sản xuất các tàu, máy bay, tàu vũ trụ và các phương tiện vận tải khác, là một trong những động lực chính đằng sau việc gia tăng sản xuất công nghiệp.

Nga mạo hiểm vào xuất khẩu các loại thực phẩm hữu cơ là có tiềm năng rất lớn. Siberia, vốn vẫn được biết đến là vùng đất có trầm tích tài nguyên khoáng sản rộng lớn, có một hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển sản phẩm thực phẩm hữu cơ, Nga có thể tận dụng lợi thế này của mình.

Sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Nga dường như sẽ không xảy ra. Nhưng vì Tổng thống Putin gần như sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng 3/2018, việc tạo ra tình hình có vẻ ổn định là rất quan trọng đối với ông./.

Linh Hương (Theo The Diplomat và các nguồn tin nước ngoài)

NỔI BẬT TRANG CHỦ