(Tổ Quốc) - Ngày 3/5 tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, sự kiện Business Matching - kết nối cung cầu thu hút hàng trăm khách mời, doanh nghiệp với mục tiêu trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác.
- 02.05.2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019
- 02.05.2019 Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Ngành du lịch cần chú trọng trải nghiệm văn hoá, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm
- 05.04.2019 Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tìm cách thu hút phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao
Song song với hoạt động tọa đàm, sự kiện Business Matching còn là cơ hội cho hơn 250 doanh nghiệp lớn nhỏ có cơ hội kết nối. Với các bàn làm việc trực tiếp 1-1, cùng những thông tin đầy đủ về tiêu chí lựa chọn, chỉ trong buổi sáng, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác tiềm năng.
Hiện chỉ 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, chưa chuẩn hóa đầy đủ, thiếu nhân viên có tay nghề, khả năng tiếp cận tài chính thấp...
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tham quan một gian hàng Việt sản xuất xe đạp.
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các doanh nghiệp của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế có nhiều vấn đề phải quan tâm và nhiệm vụ khó khăn nhất trong kinh doanh là tìm kiếm đối tác và khách hàng.
"Khi hàng vào bất cứ thị trường nào đều đòi hỏi tiêu chuẩn nhất định. Các doanh nghiệp cần phải biết chưa nói đến các quy định luật pháp, thủ tục, tuân thủ theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết… Đây là cơ hội và cũng là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam bởi làm được thì các doanh nghiệp có thể có thị trường rộng lớn…"- Ông Trương Gia Bình nói.
Tại sự kiện, các tập đoàn, tổ chức lớn như Seafood Watch, Cargill, BigC, USAID đưa ra những đánh giá chi tiết về thực trạng và tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, hàng hóa từ các thị trường như Mỹ, châu Âu, Thái Lan. Trong đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu.
Ông Michael Greene Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID).
Ông Michael Greene Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, với mong muốn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam (SME) nâng cao khả năng cạnh tranh, trở thành đối tác của các Tập đoàn nước ngoài, USAID đã xây dựng dự án LinkSME về hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Tại Ngày hội Kết nối doanh nghiệp, ông Michael Greene cho biết, USAID sẽ dành 22,1 triệu đôla Mỹ để tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp. Dự án triển khai trên 5 lĩnh vực, kéo dài đến năm 2023 bắt đầu từ điện tử và cơ khí.
"Lắp ráp là quy trình quan trọng trong chuỗi cung ứng nhưng giá trị thấp hơn. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp trong chuỗi cung cứng toàn cầu. Sự tham gia hạn chế của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và hoạt động trong lĩnh vực có chuỗi giá trị thấp sẽ có ảnh hưởng không tốt tới Việt Nam"- ông Michael Greene cho biết.
Chỉ trong buổi sáng 3/5, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác tiềm năng.
Dự án LinkSME sẽ không hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các doanh nghiệp mà kết nối với các tập đoàn toàn cầu, hỗ trợ về mặt công nghệ, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, xây dựng chiến lược… sẽ giúp các công ty SME của Việt Nam không cần chờ lâu mà chỉ cần từ 6- 12 tháng là có thể tiếp cận tới các doanh nghiệp toàn cầu.
Đối với mặt hàng tôm, tại buổi hội thảo, ông Josh Madeira, chuyên gia Seafood Watch cũng đưa ra 3 tiêu chí lớn là truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp tôm của Việt Nam. Theo đó, tổ chức này đang thực hiện đánh giá hàng hóa theo các quy định từ thị trường Mỹ hoàn toàn miễn phí. Doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân nào quan tâm có thể đăng ký tham gia chương trình đào tạo và tập huấn do Seafood Watch tổ chức trong thời gian tới.