(Tổ Quốc) - Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNN), tính đến 11h00 ngày 11/9, đã ghi nhận 292 người chết, mất tích (152 người chết, 140 người mất tích),do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão.
- 11.09.2024 Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL trong vùng ảnh hưởng bão lụt: Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ
- 11.09.2024 Đóng cửa xả đáy còn lại của thủy điện Hòa Bình ứng phó với mưa lũ
- 11.09.2024 Vùng lũ Quảng Bình hướng đến đồng bào miền Bắc
- 11.09.2024 Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, lũ đặc biệt lớn trên nhiều sông ở miền Bắc
Cảnh báo 16 địa phương có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá trong những giờ tới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 8h ngày 10/9 đến 8h ngày 11/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà 210 mm (Hải Phòng); Cao Sơn 110 mm (Hòa Bình); Cẩm Phả 110 mm (Quảng Ninh); Dân Hạ 109 mm (Hòa Bình); Trung Hội 96 mm (Thái Nguyên); Năm Làng 94mm (Cao Bằng); Yên Lương 81 mm (Phú Thọ); Đan Hội 78 mm (Bắc Giang); Xuân Lộc 97 mm (Thanh Hóa);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trung tâm cảnh báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10-30 mm, có nơi trên 70 mm.
Cảnh báo nguy cơ: Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Cụ thể:
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, Yên Bái: Cấp 2.
Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Nước trên sông Hồng, sông Đuống đã vượt mức báo động 2
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, lúc 8h sáng nay 11/9, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,92m (trên báo động 2 là 0,42m); mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,27m (trên báo động 2 là 0,27m).
Đài Khí tượng thủy văn dự báo, mực nước sông Hồng sẽ tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm.
Cụ thể, lúc 9h ngày 11/9 là 10,97m (trên báo động 2 là 0,47m); 13h ngày 11/9 là 10,80m (trên báo động 2 là 0,30m).
Đến 19h ngày 11/9 là 10,40m (dưới báo động 2 là 0,10m); 1h ngày 12/9 là 10,00m (dưới báo động 2 là 0,50m).
Tại sông Đuống, mực nước sông Đuống tại Thượng Cát tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm.
Cụ thể, lúc 9h ngày 11/9 là 10,32m (trên báo động 2 là 0,32m); 13h ngày 11/9 là 10,30m (trên báo động 2 là 0,30m); 19h ngày 11/9 là 10,25m (trên báo động 2 là 0,25m).
1h ngày 12/9 là 9,95m (dưới báo động 2 là 0,05m).
Đài Khí tượng thủy văn khuyến cáo, lũ trên các sông hiện nay đang ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Mực nước sẽ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp diện rộng ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng an toàn các tuyến đê, nguy cơ sạt lở và xói lở đất trên ven sông.
Báo động cấp 2 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình. Nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt, tác động xấu đến đời sống người dân.
Thủy điện Thác Bà đang an toàn
Tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, đến thời điểm 9h sáng ngày hôm nay (11/9), Công ty Thủy điện Tuyên Quang còn 5 cửa xả đáy hồ thủy điện (đã đóng 3 cửa), lưu lượng nước về hồ đang giảm nhanh.
Thủy điện Thác Bà hiện vẫn đang xả tối đa 3 cửa, lưu lượng nước về giảm nhanh so với hôm qua (còn còn 3.100m3/s, cân bằng với lượng nước xả ra).
"Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 trên thượng nguồn đã giảm đáng kể, dự kiến sẽ không tăng lên nữa. Công trình nhà máy và hồ chứa thủy điện đang an toàn. Tuy nhiên vẫn không được chủ quan", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Theo ghi nhận của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà, lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà đã giảm xuống mức 3.180 m3/s (giảm hơn 1.000 m3/s so với chiều hôm qua). Mức nước hồ hiện tại là 59,84m, tổng lưu lượng xả qua công trình là 3.201 m3/s, dự kiến sẽ không tăng nữa. Công trình, nhà máy và hồ chứa vẫn an toàn.
Trước đó, theo dữ liệu quan trắc của thủy điện Thác Bà, vào thời điểm 17h ngày 9/10, mực nước thượng lưu của hồ Thác Bà đang ở mức 59,62m, cao hơn nhiều so với hơn mực nước dâng bình thường, vốn yêu cầu chỉ 58m. Cùng thời điểm, lưu lượng nước đến hồ lên tới 4.450m3/s, trong khi dù đã hoạt động hết tất cả các tổ máy và mở toàn bộ 3 cửa xả, cũng chỉ xả được hơn 3.003m3/s dẫn tới nguy cơ rất lớn về mất an toàn hồ, đập...
Ngày 10/9, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Công điện số 91/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2024 gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Công điện nêu rõ: Hiện nay, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.
Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.
Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà và kiểm tra công tác vận hành công trình này.