• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, lũ đặc biệt lớn trên nhiều sông ở miền Bắc

Thời sự 11/09/2024 08:24

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cảnh báo, lũ trên sông Hồng đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê và khả năng gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư.

Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2

Ngày 11/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi bản tin thông báo lũ trên sông Hồng ở thành phố Hà Nội.

Mực nước sông Hồng đang lên nhanh. Lúc 0 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,54m, trên báo động 2 là 0,04m.

Dự báo, mực nước sông Hồng tiếp tục lên. Đến 1 giờ ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 10,60m, trên báo động 2 là 0,10m. Lúc 7 giờ ngày 11/9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,70m, trên báo động 2 là 0,20m.

Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, lũ đặc biệt lớn trên nhiều sông ở miền Bắc - Ảnh 1.

Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, cảnh báo độ rủi ro thiên tai cấp 2

Lúc 13 giờ ngày 11/9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,75m, trên báo động 2 là 0,25m. Đến 19 giờ ngày 11/9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,75m, trên báo động 2 là 0,25m.

Các chuyên gia cảnh báo, lũ trên sông đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh...

Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2. Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc các quận/huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh.

Lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long

Theo bản tin cảnh báo lũ sáng 11/9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m); tại Phú Thọ đang biến đổi chậm.

Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.

Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, lũ đặc biệt lớn trên nhiều sông ở miền Bắc - Ảnh 2.

Lũ lên cao gây ngập nặng tại nhiều địa phương.

Mực nước lúc 5h ngày 11/9, trên các sông như sau:

Trên sông Thao tại Yên Bái 34,79m, trên BĐ3 2,79m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,37m; tại Phú Thọ 18,27m, trên BĐ2 0,07m;

Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,14m, trên BĐ3 0,84m;Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,05m, trên BĐ3 0,75m;

Trên sông Lô tại Tuyên Quang 27,73m, trên BĐ3 1,73m; tại Vụ Quang 20,89m, trên BĐ3 0,39m.

Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,46m, trên mức BĐ3 0,46m;

Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,77m, dưới mức BĐ3 0,23m;

Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,76m, trên BĐ2 0,26m.

Trong 12 giờ tới: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức BĐ2.

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,80m, trên BĐ3 1,80m vào sáng sớm nay (11/9) sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21,00m, trên mức BĐ3 0,50m vào trưa nay (11/9) sau đó xuống;

Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3

Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3

Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9 và trên mức BĐ2.

Trong 12- 24 giờ tiếp theo:

Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ xuống chậm dưới mức BĐ2

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3; tại Vụ Quang sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ2

Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục lên chậm ở trên mức BĐ3; lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức BĐ3; lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức BĐ2, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên chậm trên mức BĐ3, lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức BĐ2.

Cảnh báo trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.

Vỡ đê sông Lô tại Tuyên Quang

Rạng sáng 11/9 đã xảy ra sự cố đê sông Lô tại tỉnh Tuyên Quang. Đoạn đê sông Lô dài 10m qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được xác nhận bị sự cố. Công tác ứng phó đang khẩn trương được triển khai.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, đoạn đê bị sự cố này (dài khoảng 10m) thuộc tuyến đê tả Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, là đê cấp V. Theo đó, đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10 m giáp ranh với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.

Trước đó, tại vị trí này đã có dấu hiệu của rò rỉ nước nên công tác di dời người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đã được triển khai, không có thiệt hại về người. Đoạn đê bảo vệ cho khu vực có dân cư sinh sống. Hiện địa phương đang xử lý đoạn đê bị sự cố; đã di dời 40 hộ dân có nguy cơ bị ngập nếu nước sông tràn vào.

Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, lũ đặc biệt lớn trên nhiều sông ở miền Bắc - Ảnh 3.

Công tác vá đê đang được triển khai khẩn trương. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa lớn, lũ trên sông Lô lên cao gây ngập úng tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Trong tin lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Gâm của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang vào tối 10/9, tình hình lũ các sông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 3.

34 người chết và mất tích do mưa lũ ở Yên Bái

Mưa lũ trong 2 ngày vừa qua đã khiến tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề. Sạt lở đất đã làm nhiều người chết và mất tích; nhiều ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập, vùi lấp; hàng vạn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều con đường, cây cầu bị ảnh hưởng, xuống cấp; ngập lụt đang làm chia cắt nhiều nơi, nhiều khu vực dân cư bị cô lập.

Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội vượt báo động 2, lũ đặc biệt lớn trên nhiều sông ở miền Bắc - Ảnh 4.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Át, xã Minh Luân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN

Tính đến chiều 10/9, toàn tỉnh Yên Bái đã có 34 người chết và mất tích, trong đó 29 người chết do sạt lở đất, nhiều nhất là thành phố Yên Bái là 20 người, huyện Lục Yên 8 người và huyện Văn Chấn 1 người; 5 người mất tích ở Lục Yên; 13 người bị thương ở thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên. Diện tích bị ngập úng thiệt hại và ảnh hưởng hơn 3.800 ha lúa, ngô và hoa màu các loại.

Thành phố Yên Bái và một số địa phương như: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải... nước lũ gây ngập nhiều nơi, chia cắt nhiều khu dân cư. Theo thống kê có gần 21.700 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 71 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 30 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 764 nhà bị sạt lở, taluy; phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn là 2.699 nhà; bị ngập nước 17.815 nhà...

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ