• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

30 năm thật giả lẫn lộn, vấn nạn chưa được nhìn nhận đúng

Văn hoá 24/07/2016 09:35

(Tổ Quốc) - Cho rằng, vấn nạn tranh giả chưa được các cơ quan chức năng nhìn nhận đúng, khiến tranh giả thao túng thị trường Việt Nam, họa sĩ Thành Chương cho biết, ông đã đặt cả danh tiếng, sự nghiệp của gia đình vào tình thế rất nguy hiểm.

Cho rằng, vấn nạn tranh giả chưa được các cơ quan chức năng nhìn nhận đúng, khiến tranh giả thao túng thị trường Việt Nam, họa sĩ Thành Chương cho biết, ông đã đặt cả danh tiếng, sự nghiệp của gia đình vào tình thế rất nguy hiểm. “Tôi là nhân chứng đã dính vào đường dây lớn mang tầm cỡ quốc tế”- họa sĩ Thành Chương nhận định.

30 năm thật giả lẫn lộn

Trong thời gian vừa qua, câu chuyện lùm xùm xung quanh triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được cho là của các họa sĩ tên tuổi bậc nhất của ngành mỹ thuật Việt Nam là tranh giả đã tốn không ít giấy mực của báo giới. Trong đó, họa sĩ Thành Chương bất ngờ trở thành nạn nhân khi họa sĩ cho rằng, một bức tranh được cho là của Tạ Tỵ thực chất là của ông.

Thị trường tranh Việt đang được đánh giá là thật giả lẫn lộn

Mặc dù, tại cuộc họp kín giữa đại diện Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, đại diện Sở VHTT TP Hồ Chí Minh, các họa sĩ tên tuổi và Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến đã khẳng định bức tranh của Tạ Tỵ là mạo danh, thực chất là tranh của Thành Chương. Xong họa sĩ Thành Chương vẫn bức xúc về vụ việc và cho rằng: “Việc triển lãm tranh giả ngang nhiên như vậy không còn của riêng tôi và không còn trong phạm vi Việt Nam nữa”.

“Đây là vụ án lớn, số tiền lên đến hàng triệu USD,  trong khi các cơ quan quản lý chưa theo kịp. Tệ nạn tranh giả thao túng thị trường Việt Nam không chỉ một vài năm gần đây. Từ triển lãm này có thể thấy, một số tổ chức làm tranh giả, thao túng thị trường tranh giả. Việc tranh giả tranh thật tồn tại đã 30 năm nay rồi”- họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết: “Trước đây tôi không lên tiếng, bởi những vụ làm tranh đó có thể là họ nhái theo tranh của mình, thì tôi kệ họ. Trong miền Trung có những làng làm tranh giả nho nhỏ để bán. Nhưng với trường hợp của Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, người làm cái này coi thường chúng tôi quá mức. Tranh giả mà họ làm như thật, nó ngô nghê, ngớ ngẩn, sơ đẳng về nghề nghiệp”.

Cơ hội thanh lọc thật giả

Họa sĩ Thành Chương cũng cho biết, khi bức tranh của ông bị mạo danh Tạ Tỵ đã được Hội đồng khẳng định là của ông, thì đáng lẽ, ông có thể “rũ áo”, nhưng vì vấn nạn thật giả làm tổn hại thanh danh của nền mỹ thuật Việt Nam, ông quyết định tiếp tục lên tiếng.

“Chúng tôi lên tiếng về sự bất lực của chúng ta trong 30 năm qua trước vấn nạn tranh giả. Đây là cơ hội may mắn vô cùng để chúng ta xử lý vấn đề tranh giả, để đưa nền mỹ thuật Việt Nam trở lại đúng vị thế”- họa sĩ Thành Chương cho biết.

Ông cũng khẳng định: “Tôi phải dấn thân vào việc này là vì thế chứ không phải chỉ vì tranh giành một bức tranh trong hàng nghìn bức tranh của tôi. Tôi đặt cả danh tiếng, sự nghiệp của gia đình tôi vào tình thế rất nguy hiểm. Tôi là nhân chứng đã dính vào đường dây lớn mang tầm cỡ quốc tế. Một vấn đề tràn lan 30 năm làm tổn hại đến cả một nền mỹ thuật. Đây là vụ án lớn, kéo dài nhiều năm, mang tính chất xã hội đen, và có giá trị nhiều triệu đô la Mỹ”.

Họa sĩ Thành Chương bên tác phẩm ông khẳng định là của mình nhưng được gắn tên tác giả Tạ Tỵ (ảnh Vietnamnet)

Ông Chương cũng cho biết, ông đã thúc giục bên an ninh văn hóa TP Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan hữu quan vào cuộc nhưng chưa có được sự quyết liệt từ các cơ quan chức năng.

“Diễn biến sự việc này rất nhanh thì chúng ta phải có giải pháp khẩn cấp, nhưng chúng ta lại cứ từ từ, chậm rãi, làm từng bước, đúng quy trình. Tinh thần của các cấp chính quyền của chúng ta không có mặn mà gì với việc này cả”- ông Chương cho hay.

Được biết, theo thông tin gửi báo chí, Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh sẽ giữ lại toàn bộ tranh của Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” nhưng ông Chương cho biết, tranh đã được trả cho ông Chung- người sưu tầm các bức tranh được triển lãm.

Theo họa sĩ Thành Chương, dù vậy, nếu chúng ta quyết tâm làm thì vẫn làm được, vẫn yêu cầu ông Chung giao tranh của ông ấy tại nhà cho các cơ quan điều tra lưu giữ.

“Những việc như thế này với tôi là tai hoạ nhỏ, nhưng là cơ may cho giới mỹ thuật để giải quyết hiện trạng xấu xa trong nền mỹ thuật này đã 30 năm là nạn tranh giả”- họa sĩ Thành Chương khẳng định.

Tâm tư này của họa sĩ Thành Chương được họa sĩ Đào Anh Khánh chia sẻ: “Thị trường tranh giả kéo dài là nguyên nhân kéo thị trường mỹ thuật Việt Nam xuống thấp, khiến các họa sĩ đang rất lo ngại về thị trường tranh Việt Nam”.

Ông Đào Anh Khánh cũng cho biết: “Các cơ quan có trách nhiệm phải làm ngay, còn nếu không làm thì đó là hành vi bao che cho hành vi vi phạm pháp luật”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho biết: “Qua câu chuyện tranh giả của anh Chung và Hubert cho thấy đứng sau nó là cả một hệ thống giả dối chứ không dừng lại ở vài bức tranh giả. Bởi bạn không thể nào thuê những sinh viên mỹ thuật ở Paris vẽ lại những bức tranh này được vì đây hoàn toàn là tranh Việt Nam. Dứt khoát là có một đường dây chép tranh tại Việt Nam rồi tuồn qua châu Âu. Sau đó lợi dụng tên tuổi chuyên gia cao cấp về tranh mà ở đây là Hubert để đi tiếp 1 đường vòng trở về Việt Nam. Qua vụ này, tôi nghĩ nếu không làm mạnh tay thì sẽ còn nhiều nhóm “lừa” như vậy nữa".     

Rõ ràng, các họa sĩ đang mong mỏi có sự vào cuộc của cơ quan có trách nhiệm để làm trong sạch thị trường mỹ thuật Việt Nam mà câu chuyện tranh giả của triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” chỉ là giọt nước tràn ly./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ