(Tổ Quốc) - Kết nối sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút du khách là kết quả của 5 năm thực hiện "Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận giai đoạn 2013 - 2018".
Cụ thể, trên lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch, 3 địa phương đã hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch. Đồng thời, thông tin kế hoạch tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội tiêu biểu hàng năm đến các địa phương để cung cấp cho các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí nhằm phối hợp tham gia và quảng bá thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, còn thường xuyên giới thiệu cho nhau chiến lược phát triển du lịch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, có các chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực du lịch của 3 địa phương. Trong đó, Bình Thuận hiện có 239 dự án du lịch của các nhà đầu tư TP.HCM (chiếm 62% tổng số dự án) với tổng diện tích là 4.617,5 ha và tổng vốn đầu tư gần 31.250 tỷ đồng; Lâm Đồng có 100 dự án du lịch của các nhà đầu tư TP.HCM, (chiếm 44% tổng số dự án) với tổng số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng.
Đối với liên kết phát triển sản phẩm, TP.HCM, Lâm Đồng và Bình Thuận đã phát triển sản phẩm "Một chuyến đi 3 điểm đến" với thương hiệu "Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né". Cùng với đó, phối hợp tham gia các chương trình khảo sát sản phẩm du lịch mới, quảng bá hình ảnh và phát triển thêm tour mới, hấp dẫn như: du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup, Núi Bà (Lâm Đồng) - Bàu Trắng, Suối Tiên, hồ Biển Lạc (Bình Thuận) - Du lịch sinh thái Cần Giờ (TP.HCM); chương trình du lịch gắn kết văn hóa, lịch sử, kiến trúc Cồng chiêng Tây Nguyên, hệ thống kiến trúc châu Âu (Lâm Đồng) - Lâu đài rượu Vang, Chương trình nghệ thuật Fisherman Show, Di tích tháp Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh (Bình Thuận) - Khu di tích địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP.HCM). Ngoài ra, các dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết sắp triển khai; đường sắt TP.HCM - Phan Thiết, đường không TP. HCM - Lâm Đồng là những thuận lợi khác để thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, liên kết phát triển sản phẩm du lịch.
Về liên kết thông tin quảng bá, đã phối hợp cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin, hình ảnh để làm ấn phẩm du lịch chung 3 địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã ký kết hợp tác với VNPT để xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá du lịch và phần mềm tiện ích hỗ trợ khách du lịch, sau khi đưa vào sử dụng sẽ liên kết với nhau để tăng hiệu quả liên kết thông tin quảng bá du lịch. Đã liên kết website ngành du lịch TP.HCM, Lâm Đồng và Bình Thuận. Đặc biệt, 3 địa phương còn phối hợp thông tin, tuyên truyền trên các Đài Truyền hình tại TP.HCM, hay Tạp chí Du lịch TP.HCM xây dựng chuyên mục du lịch chung, định kỳ thông tin về chương trình liên kết tam giác phát triển du lịch.
Các địa phương cũng đã tích cực phối hợp tổ chức tiếp đón các đoàn farmtrip quốc tế khảo sát, tìm hiểu thị trường, sản phẩm du lịch và cơ hội đầu tư, tham gia các hội chợ về du lịch, các sự kiện lễ hội và quan tâm dành cho nhau những chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch chung như Ngày hội du lịch TP.HCM, Hội chợ quốc tế du lịch TP.HCM, Lễ hội Nghinh Ông Bình Thuận, Festival Hoa Đà Lạt, Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng. Ngoài các sự kiện thường niên, các địa phương còn tham gia các chương trình, sự kiện của nhau như Hội thảo quốc tế "Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia", Hội thảo tổ chức sự kiện nhằm xây dựng thương hiệu du lịch thể thao biển Bình Thuận, Hội thảo quốc tế Du lịch có trách nhiệm, Hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao, Giọng hát vàng ngành Du lịch TP.HCM.
Với vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của cả nước, TP.HCM đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động ngành du lịch của Lâm Đồng và Bình Thuận. Song song đó, các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tại TP.HCM đã tổ chức những đợt tư vấn tuyển sinh tại các tỉnh, thành trong đó có Bình Thuận và Lâm Đồng, định hướng nghề nghiệp cho các trường phổ thông trung học. Qua thống kê sơ bộ, hiện có trên 1.500 sinh viên bậc cao đẳng, trung cấp các ngành Quản trị khách sạn, Lữ hành, Hướng dẫn viên, Bếp, Pha chế, Lễ tân các địa phương, trong đó có Bình Thuận và Lâm Đồng đang theo học tại các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Có thể nói, việc liên kết thời gian qua đã phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch 3 địa phương, phù hợp đặc trưng "liên vùng" đã được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua 5 năm thực hiện, TP.HCM, Lâm Đồng và Bình Thuận tiếp tục thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách du lịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập và cạnh tranh du lịch. Cùng với việc phát triển các tour, tuyến du lịch kết nối giữa 3 địa phương, "tam giác phát triển du lịch" còn hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; duy trì mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.