• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

70% tiền phạt vi phạm giao thông được Cảnh sát giao thông giữ lại: Thông tin không chính xác

Thời sự 09/01/2020 10:55

(Tổ Quốc) - Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc lực lượng Công an, Cảnh sát giao thông được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an mới đây đã khẳng định: điều này không chính xác dẫn đến sự hiểu lầm của dư luận xã hội.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ năm năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao, kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, ngày 25/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông vận tải (bao gồm cả Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) với các tỷ lệ phân bổ cụ thể.

70% tiền vi phạt vi phạm giao thông được Cảnh sát giao thông giữ lại: Thông tin không chính xác - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông kiểm tra kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo văn bản này, cảnh sát giao thông được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm giao thông; thanh tra giao thông vận tải (gồm cả trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) 10%; Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố 10%, 10% còn lại cho công an xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2013, Thông tư 89/2007/TT-BTC nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu rõ: "Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước... ".

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153/2013/TT-BTC thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020 và đang là chủ đề được bàn tán nóng trên các diễn đàn bởi mức phạt được đưa ra rất nghiêm khắc. 

Theo đó, chỉ cần người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức 0 sẽ bị phạt với mức phạt cao nhất dành cho người đi xe đạp là 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng./.

Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ