• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

8 cây bàng trăm tuổi được cả làng chung tay bảo vệ, chăm sóc và câu chuyện ấm áp phía sau

Thực hiện: NHÃ HOÀNG | 09/12/2022

(Tổ Quốc) - Cứ sáng sớm, người dân thôn Phú Liên (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lại thấy một số người phụ nữ lớn tuổi khom người quét lá bàng tại ngã ba Bãi Bàng. Vào mùa lá rụng, lá bàng theo những cơn gió nhẹ từ biển thổi lên rụng đầy khoảng sân rộng. Tiếng sóng biển vỗ rì rào, tiếng chổi tre xào xạc khiến khung cảnh tại ngã ba Bãi Bàng thật yên bình.

Ngã ba Bãi Bàng là tên gọi dân gian người dân thôn Phú Liên dành gọi quần thể 5 cây bàng cổ thụ nằm sát biển, ngay ngã ba đường. Vị trí bãi bàng rất đẹp, vừa dựa vào dân, vừa ngoảnh mặt ra Biển. Chẳng ai biết chính xác cây bàng có từ bao giờ nhưng theo các bậc cao niên trong làng, từ khi họ còn nhỏ đã thấy những cây bàng này già cỗi.

Tính đến nay tuổi thọ của chúng phải trên dưới 300 năm, gắn liền với những thăng trầm lịch sử, trải qua hai cuộc kháng chiến. Đến tận bây giờ chúng vẫn vững chải, hiên ngang trước thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ trăm tuổi

Những cây bàng "không tuổi"

Ông Hồ Quốc Cường - Bí thư chi bộ thôn Phú Liên tự hào chia sẻ, làng Quỳnh Long không chỉ đẹp với bãi biển hoang sơ, ngọn núi Kiến, núi Câu, những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng mà còn ghi dấu ấn bởi những cây bàng già cỗi này.

"Không ai biết tuổi thọ của những cây bàng này nhưng chúng gắn tiền với tuổi thơ của ông, cha tôi và cả của tôi nữa.

Trong thôn có cụ Trần Thị Đồi (nay đã 105 tuổi) nhưng vẫn còn rất minh mẫn kể, từ khi cụ lớn lên đã thấy những cây bàng cổ thụ này. Ước tính chúng đã mấy trăm năm, gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ", ông Cường chia sẻ.

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm được dân bảo vệ, chăm sóc - Ảnh 2.

Không ai biết chính xác tuổi thọ của những cây bàng nhưng ước tính trên dưới 300 năm.

Những tán bàng rợp vóng cả một khoảng trời...

Cũng theo ông Cường, ban đầu Bãi Bàng có tổng cộng 8 cây bàng cổ thụ. Năm 1988 trận bão lịch sử đã làm gãy đổ 3 cây. 5 cây còn lại dù già cỗi nhưng vẫn hiên ngang, vươn cao, rợp bóng. Cứ chiều chiều, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, hoặc trưa hè nắng nóng, người dân lại cùng ra ngồi dưới những gốc bàng rợp bóng nghỉ mát. Cứ thế, cây bàng dần trở nên thân thuộc với người dân nơi đây và gắn liền với tên gọi "ngã ba Bãi Bàng".

Đường kính thân cây bàng khoảng 2 đến 3 mét, sần sùi, mọc nhiều u bướu. Cành cây vươn dài, rộng với nhiều tán đan vào nhau, rợp bóng cả một khoảng trời.

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm được dân bảo vệ, chăm sóc - Ảnh 4.

Đến những thân cây xù xì, gân guốc, đầy ung bướu... Nhưng là minh chứng rõ ràng nhất cho tuổi đời của cây bàng.

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm được dân bảo vệ, chăm sóc - Ảnh 6.

Ông Cường- Bí thư chi bộ thôn Phú Liên không khỏi tự hào khi nhắc đến Bãi Bàng

Cả làng bảo vệ

Khom người quét lá bàng rụng đầy khuôn viên ngã ba Bãi Bàng, bà Trần Thị Thanh (69 tuổi, trú thôn Phú Liên) chia sẻ.

"Mùa lá rụng, lá bàng rụng đến trụi cành, để lộ những tán bàng rộng, vươn dài trông rất cổ kính. Đến tháng giêng, tháng 2 bàng đâm chồi nảy lộc rợp bóng cả một khoảng trời, đầy sức sống, Tôi gắn bó với Bãi Bàng này gần 50 năm, lúc nào tôi cũng thấy chúng đẹp, gần gũi, thân thuộc.

Tính đến bây giờ, có những cây bàng chỉ còn sống nhờ rễ, thân, vỏ chứ trong ruột có đoạn bị mùn, hổng hết rồi. Vậy mà mưa bão, nắng hạn chúng vẫn hiên ngang giữa biển trời".

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm được dân bảo vệ, chăm sóc - Ảnh 7.

Hàng chục năm qua, việc quét lá bàng vào sáng sớm như một thói quen hàng ngày của bà Thanh cũng như những người phụ nữ lớn tuổi nơi đây.

Năm 1974, bà Thanh lấy chồng về làng Phú Liên và gắn bó với những gốc bàng cổ thụ từ đó đến bây giờ. Việc quét lá bàng vào mỗi sáng như một thói quen từ hàng chục năm của bà và một số người phụ nữ lớn tuổi nơi đây.

Chồng mất sớm, đàn con lập gia đình, đi làm ăn xa, một mình bà sống bằng nghề buôn bán tạp hóa nhỏ cạnh những gốc bàng cổ thụ. Nhiều năm nay, được sự cho phép của bà con thôn xóm, bà Thanh sắm thêm mấy bộ bàn ghế đặt dưới những tán bàng rợp bóng, bán thêm trái dừa, ly nước mía cho người dừng chân nghỉ mát, kiếm thêm thu nhập.

Người dân thôn Phú Liên còn góp công, góp của xây bồn quanh gốc cây, đổ bê tông trong khuôn viên Bãi Bàng thoáng mát, sạch đẹp. Trên những thân bàng còn treo cờ Tổ quốc. Nhiều người dân còn tặng những bộ bàn ghế đá để làm nơi nghỉ ngơi, hóng mát…

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm được dân bảo vệ, chăm sóc - Ảnh 8.

Đối với bà Thanh cũng như nhiều người dân, bãi bàng như một phần cuộc sống của người dân vùng biển nơi đây.

Cứ thế suốt nhiều năm qua, nơi đây như một công viên thu nhỏ, chiều chiều các cụ ông ngồi tỉ tê chén trà, đánh cờ; các cụ bà tập dưỡng sinh, chị em phụ nữ nhảy dân vũ, trẻ con chơi đùa. Tối đến lại là nơi lý tưởng cho lớp thanh niên, trai gái hẹn hò… Nhờ bãi bàng mà bà con hàng xóm tình cảm, gần gũi với nhau hơn. Con em đi làm xa quê mỗi lần có dịp về, dừng chân lại Bãi Bàng hít thở không khí trong lành của quê hương, chụp ảnh kỷ niệm rồi mới về nhà.

Chị Nguyễn Thị Hoa (trú xã Quỳnh Long) chia sẻ, "Mỗi lần đi làm ngang qua tôi lại dừng chân ghé Bãi Bàng nghỉ mát, uống nước. Ngồi dưới những tán lá rợp bóng, gió thổi hiu hiu, nghe tiếng sóng biển rì rào thì mọi mệt mỏi như tan biến.

Người dân quê tôi còn gọi nơi đây là Bãi Bàng huyền thoại. Con tôi đi làm xa, thi thoảng điện thoại về vẫn hỏi thăm những cây bàng".

Ngã ba Bãi Bàng và câu chuyện về những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm được dân bảo vệ, chăm sóc - Ảnh 9.

Người dân thôn Phú Liên luôn tự hào khi nhắc đến Bãi Bàng và khẳng định, đây là vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái, ban tặng, là nhân chứng lịch sử, là tuổi thơ, ký ức của bao thế hệ. Dù già cỗi, trải qua bao biến cố của thời tiết khắc nghiệt miền Trung, những cây bàng cổ thụ vẫn kiên cường, hiên ngang như chính con người nơi đây vậy.

NỔI BẬT TRANG CHỦ