(Toquoc)–Nếu chỉ bảo tồn mà không có không gian diễn xướng thì âm nhạc dân tộc cũng khó trường tồn.
(Toquoc) – Nếu chỉ bảo tồn mà không có không gian diễn xướng thì âm nhạc dân tộc cũng khó trường tồn.
Đây là ý kiến của các nghệ sĩ, nghệ nhân, học giả, nhà nghiên cứu… tại Hội thảo khoa học “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay” do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam phối hợp với Nhạc viện TP.HCM tổ chức ngày 9/8 tại TP.HCM.
Tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng, không gian diễn xướng đối với âm nhạc dân tộc là rất quan trọng, bởi âm nhạc muốn gìn giữ và phát huy thì không thể không có công chúng thưởng thức. Theo GS. Khê, làm sao để công chúng trẻ biết đến và yêu thích âm nhạc dân tộc là điều cần phải suy ngẫm.
Âm nhạc thương mại lấn át âm nhạc dân tộc
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghệ thuật thương mại, trong đó có âm nhạc thương mại ngày càng lấn át âm nhạc dân tộc. Từ đó âm nhạc dân tộc bị mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem.
“Âm nhạc thương mại như những dòng nước đục pha vào dòng nước trong xanh để dần dần chuyển hóa sang những màu sắc khác lạ…”, nhạc sĩ, NSƯT Mai Tuyết Hoa trăn trở.
Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc là vấn đề mà những người hoạt động và yêu quý âm nhạc dân tộc đang băn khoăn, trăn trở từ lâu nhưng chưa tìm được cách làm hiệu quả.
Nói về thị trường âm nhạc tại TP.HCM, TS. Văn Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết, thời gian qua, nhiều ngôi sao nhạc nhẹ trở thành “nạn nhân” hoặc tự biến mình thành “nạn nhân” qua mấy scandal không mấy sạch sẽ cũng là xuất phát từ “chiêu trò” của các nhà đầu tư, kinh doanh nghệ thuật.
Nhu cầu về lợi nhuận đã bẻ cong năng lực thật sự của các tài năng. Để thu hút khán giả “ngây thơ”, một số nhà đầu tư tìm mọi thủ đoạn, bất chấp lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp để sử dụng đủ kiểu lăng xê lố lăng, trá hình. Điều này không khác gì đánh lừa khán giả.
Bên cạnh đó, việc thả lỏng quá lâu trong quản lý các thông tin trên báo chí, internet và những bất cập trong kiểm định các hoạt động biểu diễn âm nhạc khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp, hệ giá trị tài năng trong biểu diễn âm nhạc ngày càng biến tướng.
Nhiều nghệ sĩ được đào tạo bài bản và khổ luyện chăm chỉ, có năng lực lại không thể sống được bằng chính nghề nghiệp mình theo đuổi, trong khi nhiều người năng lực có hạn nhưng được các “đại gia” hậu thuẫn bỗng chốc biến thành “sao” và kiếm tiền dễ dàng.
Trong khi đó, dòng âm nhạc dân tộc, âm nhạc truyền thống, cổ điển trở nên lạc lõng và bơ vơ trước cơ chế thị trường.
Điển hình là đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen – đại diện chính thức cho dòng nhạc truyền thống tại TP.HCM – cùng dàn nhạc của Nhạc viện TP.HCM, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (thuộc Sở VHTT&DL TP.HCM), dàn nhạc nhạc viện TP.HCM (Saigon Philharmonic) đều hoạt động cầm chừng.
Rõ ràng, đối với các nhà đầu tư theo mô hình “xã hội hóa”, loại hình âm nhạc dân tộc không phải là đối tượng đầu tư hấp dẫn, có thể “hái ra tiền” một cách nhanh chóng. Còn đối với Nhà nước, chưa có sự đầu tư tập trung, chưa hỗ trợ đủ, hiệu quả để duy trì âm nhạc dân tộc bền vững và kích thích phát triển.
Ngay chính Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã thẳng thắn đặt câu hỏi: Nếu trong chúng ta cùng lúc nhận được hai vé mời xem biểu diễn cùng một thời điểm, một bên là âm nhạc dân tộc, một bên là chương trình nhạc nhẹ có sự tham gia của ca sĩ thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà chẳng hạn thì chúng ta xem bên nào?
Và, tất nhiên, ai cũng biết được câu trả lời ra sao.
Lối ra nào cho âm nhạc dân tộc?
Theo nhạc sĩ, NSƯT Mai Tuyết Hoa, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc là vấn đề mà những người làm âm nhạc dân tộc đang băn khoăn, trăn trở từ lâu nhưng chưa tìm được cách làm hiệu quả.
Không thể phủ nhận rằng, hiện nay vẫn còn không ít người rất tâm huyết với âm nhạc dân tộc, âm nhạc truyền thống. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu – người rất quan tâm tới nghệ thuật dân tộc – đã nhiều lần đề nghị được nghe nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa hát Xẩm trong những giờ phút cần thư giãn.
Còn GS- Anh hùng lao động Vũ Khiêu thì nhiều lần nói “Khi nào đầu óc tôi căng thẳng, huyết áp lên cao là tôi mở đĩa ra để nghe hát Xẩm”. GS. Khiêu chia sẻ, mỗi lần nghe hát Xẩm là ông gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp ngày xưa ở miền quê Bắc Bộ bởi âm điệu êm ái cùng lời ca đậm đà chất trữ tình.
Rõ ràng, nghệ thuật dân tộc nói chung, trong đó có âm nhạc dân tộc luôn luôn có sức lay động tâm hồn con người đối với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi.
Để tìm lối ra cho âm nhạc dân tộc trong thời buổi kinh tế thị trường, các nghệ sĩ, nghệ nhân, học giả, nhà nghiên cứu… cho rằng, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là động lực rất quan trọng đưa văn hóa, nghệ thuật nước nhà, trong đó có âm nhạc dân tộc trường tồn và phát huy.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng, vấn đề cấp bách của những người tâm huyết với văn hóa, văn nghệ dân tộc là bằng mọi cách bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống. Để đạt được mục tiêu đó, trước hết cần coi trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu và xây dựng đề án bảo tồn nguyên dạng các giá trị âm nhạc cổ truyền.
Nhiều ý kiến cho rằng, bảo tồn thôi chưa đủ, nghệ thuật dân tộc, trong đó có âm nhạc dân tộc cần phải có một không gian diễn xướng xứng tầm. Nhà nước cần phải đầu tư thích đáng hơn nữa cho loại hình nghệ thuật này, qua đó đào tạo những lớp nghệ sĩ kế cận đủ sức lôi kéo được người nghe, người xem, đặc biệt là giới trẻ./.
GS. Hoàng Chương, TGĐ Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam: “Khi tôi đưa đoàn nghệ thuật dân tộc sang London (Anh) biểu diễn, người tổ chức phát hiện cây đàn bầu có gắn ampli thì họ kiên quyết bảo tháo ra vì họ cần nghe âm thanh thật của cây đàn độc nhất vô nhị này của Việt Nam. Từ đó đặt ra vấn đề, muốn bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật âm nhạc dân tộc thì Nhà nước phải có một tiêu chí rõ ràng, đồng thời phải có cơ chế chính sách đặc biệt cho nghệ thuật dân gian truyền thống. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chiến lược giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, phải đưa âm nhạc dân tộc vào học đường”. |
Bài, ảnh: Hải Thọ