• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

An Giang chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Sức khỏe 16/12/2018 16:25

(Tổ Quốc) - UBND tỉnh An Giang vừa có văn bản số 1306/UBND-KTN yêu các Sở, ngành liên quan phải tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh giáp biên giới, UNBD tỉnh An Giang đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt những huyện giáp biên giới Campuchia tăng cường thông tin, tuyên truyền. Qua đó, người dân, đặc biệt những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới giữa hai nước nắm rõ diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh dịch xâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên việc phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là ở các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

An Giang chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Đội phản ứng nhanh tiêu hủy lợn sau khi lấy mẫu bệnh phẩm.Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

TTXVN dẫn lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư cho biết, An Giang là tỉnh có đường biên giới dài, nên nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc trong tỉnh thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua các đường mòn, lối mở tại các vùng tiếp giáp biên giới là rất cao, do đó, ông Trần Anh Thư yêu cầu Sở Công Thương tỉnh An Giang (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người nhưng lây lan mạnh trên đàn lợn. Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), từ đầu năm 2017 đến 31/10/2018 đã có 19 quốc gia báo cáo phát hiện các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Trung Quốc phát hiện trên 54 ổ dịch ở 13 tỉnh; trong đó đã xuất hiện tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150 km.

Hiện nay, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ