(Tổ Quốc) -Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, án hành chính hiện nay có tỷ lệ giải quyết thấp, tỷ lệ hủy sửa cao. Đây là loại án tồn đọng và kéo dài.
Sáng 18/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, giải thích lý do của việc này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, trước đây, việc giải quyết các vụ việc này là do tòa án cấp huyện, nhưng từ 1/7/2016 thì đưa lên cấp tỉnh giải quyết.
74% án hành chính liên quan tới đất đai- lĩnh vực có rất nhiều ách tắc, phức tạp, trong đó thường xuyên phải bổ sung, thay đổi. Tại TP HCM, năm 2017 có gần 1400 vụ án hành chính, Hà Nội là 440 vụ.
“Nếu quy định Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch có mặt tại tòa để giải quyết vụ án thì đây là quy định cần phải đánh giá lại. Bởi nếu không, lãnh đạo TP tới tham dự xét xử 1.390 vụ án thì sẽ không có thời gian để đi giải quyết các vụ việc khác. Đã đến lúc phải xem lại quy định này”- Chánh án TANDTC nói và cho biết thêm, còn nếu Chủ tịch TP không có mặt đành phải hoãn phiên tòa và hoãn mãi dẫn tới hình ảnh xấu.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Nam Nguyễn |
Chánh án cũng đề nghị khi Quốc hội khi thảo luận về cơ chế đặc thù cho TP HCM cần xem xét đến khía cạnh Chủ tịch ủy quyền cho ai đó giải quyết vụ án và đây được xem là cơ chế đặc thù.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan, theo người đứng đầu ngành Tòa án, là thẩm phán còn ngại, né tránh va chạm với chính quyền, bản lĩnh chưa cao. “Chúng tôi sẽ chấn chỉnh bồi dưỡng tập huấn nâng cao, rút kinh nghiệm từ phiên tòa hành chính cho các thẩm phán”- ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Tranh luận lại vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Văn Pha cho rằng, nguyên nhân không hẳn về phía tòa án.
Đại biểu này cho hay, qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, số vụ án hành chính được xử tại Lâm Đồng là 52%, còn Đắk Lắk là 88%, như thế khó thể nói lãnh đạo của Lâm Đồng bận hơn Đắk Lắk.
“Có quá nhiều phiên tòa bị hoãn, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch bận không đến dự. Chánh án tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã từng có công văn gửi Bí thư và Chủ tịch Hà Nội. Theo đó, công văn nêu: thực tiễn công tác xét xử phúc thẩm với các vụ án hành chính thời gian qua cho thấy hầu hết các vụ kiện hành chính mà TANDTC Hà Nội đưa ra xét xử có triệu tập TP là đại diện Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của UBND TP Hà Nội bị kiện. Song đều vắng mặt tại phiên tòa, nhiều trường hợp vắng mặt không có lý do hoặc có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt người bị kiện. Từ đó không chỉ gây khó khăn cho xét xử của tòa án mà nhiều trường hợp gây bức xúc trong nhân dân”- Đại biểu Nguyễn Văn Pha nói.
Và kết luận, một nền tư pháp thực sự công bằng, phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nếu người đứng đầu chính quyền phải tuân thủ pháp luật như người dân.
“Đề nghị người đứng đầu cơ quan tư pháp nên ngồi với hành pháp để giải quyết vấn đề này”- Đại biểu Pha nói./.
Song Đào