(Tổ Quốc) -Hiện nay, quan niệm một số người về Tết truyền thống đã có ít nhiều thay đổi. Bàn về chủ đề nên giữ và trao truyền những giá trị truyền thống của ngày Tết như thế nào trong bối cảnh hội nhập, Báo điện tử Tổ Quốc đã cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.
- Mỗi dịp Tết truyền thống đến, mọi người thường có khái niệm “Ăn Tết”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, sự thay đổi của xã hội, con người … nên ngoài “Ăn Tết” còn “Nghỉ Tết”, “Chơi Tết”. Trước sự thay đổi này có không ít ý kiến phản đối và cho rằng cần phải hướng về Tết truyền thống. Là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, xin ông cho biết quan điểm của mình?.
+ Trong tiếng Việt, người ta nói "ăn Tết" là bao hàm đầy đủ những gì người ta làm trong dịp Tết: Chuẩn bị cho Tết, cúng tế, lễ lạt, thăm hỏi, chúc mừng, nghỉ ngơi, vui chơi v.v... Ngôn ngữ nó là như vậy. Cũng như nói "ăn thề", từ điển tiếng Việt thông dụng giải thích là "cùng thề với nhau trong buổi lễ. Người Tây Nguyên nói: "Chúng tôi ăn rừng" thì không có nghĩa là gặm rừng, nhai nuốt, mà có nghĩa là sống với rừng, sống nhờ rừng, khai thác rừng, bảo vệ rừng, tín ngưỡng rừng. Đây là cách tạo từ vựng bằng phương thức chọn hành vi đại diện.
Nếu chúng ta hiểu vì từ xưa, ông bà cha mẹ ta nói "ăn Tết" là chỉ biết rủ nhau đánh chén thì oan cho truyền thống quá.
Vì ngôn từ nó là như thế cho nên, trong truyền thống, Tết đã là dịp người ta nghỉ ngơi công việc lao động thường nhật, người ta đi vãn cảnh, thăm hỏi nơi này nơi nọ mà bây giờ chúng ta gọi là du lịch.
Có điều là, điều kiện ngày xưa khó khăn hơn hiện nay về mọi mặt nên việc đi du lịch trong dịp Tết hạn chế hơn, bây giờ thuận lợi hơn nên mọi người có thể lựa chọn nhiều hơn. Điều này cũng là tự nhiên khi trong tổng thể, một yếu tố ưu trội về điều kiện, có cơ hội phát triển mạnh hơn những yếu tố khác. Làm gì có xung khắc ở đây mà phản đối hay đồng thuận. Đó là sự lựa chọn một yếu tố có sẵn để gia tăng giá trị của nó mà thôi.
Còn như nói, Tết nhất định phải về quê đoàn viên gia đình, cúng tế tổ tiên thì từ xưa cũng đã không nhất thiết như vậy. "Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Các cuộc mở cõi liên tục trong lịch sử, xa xôi và khốc liệt thế làm sao người vượt rừng vượt biển nghìn trùng có thể năm nào cũng quay về mà vái lạy được. Nhưng tâm khảm người ta hướng về hoặc người ta bốc bát hương tổ tiên đi theo trong trường kì dựng nước ấy. Đó là ứng xử rất hiện thực và khôn ngoan để tồn tại. Không cố chấp tí nào cả. Đó là truyền thống để dân tộc ta trường tồn và phát triển đến bây giờ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: doisongphapluat.com |
- Trong bối cảnh hiện nay, những nét văn hóa truyền thống của Tết Việt có vai trò như thế nào?
+ Những nét văn hóa truyền thống chúng tôi hiểu là những nét giá trị. Tết là một loại di sản lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của dân tộc mà không một loại hình lễ hội nào vượt qua được: tính toàn dân của nó, tính toàn các tộc người trên đất nước Việt Nam của nó, tính hướng nguồn, uống nước nhớ nguồn của nó, tính cộng đồng thân tộc làng quê của nó, tính sám hối, tự nhìn nhận của nó, tính kì vọng vào tương lai của nó, tính từ thiện "thương người như thể thương thân của nó", tính thể hiện lòng kính già yêu trẻ của nó, tính đồng qui trong hiện thực và trong tâm hồn về nơi chôn rau cắt rốn của nó v.v... Tất cả đều mang tính thời sự, đều cần thiết cho mỗi con người.
Còn có những cái thuộc về tập tục nhưng thiếu văn hóa như mê tín, cờ bạc, rượu chè, lãng phí, cố chấp trong dịp Tết thì vẫn tồn tại nhưng cái đó không thuộc phạm trù "văn hóa" vì phạm trù này nhất thiết phải có nội hàm "giá trị".
Một cái Tết như vậy, một sự tích lũy ngàn đời như vậy, không ai, với tư cách cá nhân mình, được phép phế truất nó, dù anh ta chuyên quyền trong tư tưởng đến mức nào. Tết là thành quả tổ tiên truyền lại.
- Giữa hai giá trị: truyền thống và hội nhập, liệu có thể tồn tại một sự “dung hòa” không thưa ông?
+ Hai giá trị "truyền thống" và "hội nhập" không ai quan niệm nó đối chọi nhau để đặt ra câu chuyện "dung hòa". Truyền thống có thể đối diện với hiện tại và tương lai. Hội nhập có thể đối chọi với biệt lập, với "bế quan tỏa cảng". Vậy bản thân trong cái gọi là truyền thống đã là kết quả bất tận của hội nhập, tiếp biến văn hóa trong quá khứ. Bản thân cái gọi là hội nhập thì bao giờ cũng phải rất khách quan, phải tương hợp với truyền thống. Kinh nghiệm nghiên cứu sự lan tỏa các tôn giáo, các hệ tư tưởng, các triết học, cả các yếu tố kĩ thuật, kinh tế cho ta thấy đó là qui luật tất yếu, nằm ngoài ý thức thông thường của một ai đó. Tự thân nó đã dung hòa tự nhiên. Khi nó không dung hòa tự nhiên thì tất yếu, sự lộn xộn, kém ổn định chắc chắn sẽ xẩy ra. Vấn đề là chúng ta ý thức về mối quan hệ đó để giúp văn hóa phát triển về phía tạo nhiều giá trị hơn lên mà thôi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
- Theo ông, chúng ta nên giữ và trao truyền những giá trị truyền thống của ngày Tết như thế nào trong bối cảnh hội nhập?
+ Những gì đã là giá trị thì cần được thấu hiểu, bảo lưu, bảo tồn, phát triển và quảng bá nó vì nó là một di sản văn hóa tinh thần lớn nhất. càng hội nhập càng phải nắm vững điều đó. Đây không phải là một người hay một nhóm người đặc biệt nào muốn mà nhân loại cần một nền văn hóa đa sắc màu, nhiều giá trị khác nhau cùng tồn tại. Nếu không, khái niệm văn hóa cũng không có lí do gì mà tồn tại nữa.
- Mọi người khá tò mò không biết một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sẽ ăn Tết như thế nào, ông có thể chia sẻ một chút về Tết trong chính gia đình ông?.
+ Gia đình tôi là một gia đình nhà giáo đủ sống, dưới chuẩn "trung lưu" của xã hội một ít. Nhưng chả sao. Chúng tôi cố gắng hài hòa việc ăn Tết với kinh tế còn khiêm tốn của mình. Nhận thức rõ mình là ai và chủ động tạo niềm vui cho chính gia đình mình và những người thân quen. Chúng tôi không hùa theo thời thượng để được tự do hành xử Tết theo kiểu của mình, tóm lại là không đua đòi ai cả. Đua đòi là mất tự do ngay. Liệu cơm mà gắp mắm. Tự do mới là đẳng cấp cao nhất của hạnh phúc. Có tranh, có cảnh, có cỗ, có nghỉ ngơi thăm thú và cùng nhau đi làm từ thiện ở một bệnh viện nào đó vào tối Ba mươi. Cũng như mọi người thôi, không có gì đặc biệt nhưng mình được chính là mình. Còn gì hơn nữa nhỉ?
- Xin cảm ơn ông!
Nhị Xuân (Thực hiện)